Lễ hội Cầu ngư nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

NDO -

NDĐT - Ngày 20-2, tại Lễ hội Cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê, bà con, ngư dân và nhân dân thành phố Đà Nẵng vui mừng nhận Bằng chứng nhận “Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng” là di sản văn hóa phi vật thể nằm trong Danh mục Quốc gia theo Quyết định số 829/QĐ-BVHTTDL ngày 10-3-2016 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Nhận chứng nhận “Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng” là di sản văn hóa phi vật thể. (Ảnh: THANH TÂM)
Nhận chứng nhận “Lễ hội Cầu ngư tại thành phố Đà Nẵng” là di sản văn hóa phi vật thể. (Ảnh: THANH TÂM)

Lễ hội Cầu ngư là một sản phẩm văn hóa đặc trưng của cộng đồng cư dân vùng biển Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam, gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông - vị thần biển hộ mệnh của ngư dân.

Đối với đời sống cộng đồng cư dân biển, Lễ hội Cầu ngư là lễ lớn nhất trong năm, là lễ tế ngư thần và cầu xin thần ban cho được một năm “trời yên biển lặng, tôm cá đầy khoang”, “tấn tài, tấn lợi, tấn bình an”.

Tại thành phố Đà Nẵng, Lễ hội Cầu ngư được tổ chức thường niên, quy mô, bài bản ở các địa phương thực hành nghề biển. Cùng với việc được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định giá trị đặc sắc của Lễ hội này. Đồng thời, thể hiện sự ghi nhận công lao to lớn và tri ân sâu sắc đối với các bậc tiền bối, các thế hệ ngư dân, nhà nghiên cứu… đã cống hiến tâm sức sáng tạo, giữ gìn, trao truyền di sản văn hóa.

Lễ hội Cầu ngư nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 1

Lễ rước Nghinh thần. (Ảnh: THANH TÂM)

Trước đó, Đà Nẵng cũng ban hành Kế hoạch số 6144/KH-UBND ngày 18-7-2016 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Cầu ngư thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2016-2020, trong đó đặc biệt chú ý nhiệm vụ “Bảo tồn giá trị di sản gắn với phát triển du lịch cộng đồng” để Lễ hội cầu ngư trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo, nhằm giới thiệu, truyền bá nét văn hóa biển đặc sắc của thành phố Đà Nẵng và mang lại những lợi ích trong phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương và cộng đồng.

Sau nghi lễ nhận Bằng chứng nhận, Ban tổ chức đã thực hiện Lễ tế chính, dâng hương cầu mong một năm mưa thuận gió hòa để bà con vươn khơi bám biển; Lễ cúng tạ và phần Hội với các cuộc thi kéo co và đan lưới.

* Ngày 20-2, tại thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) đã diễn ra Lễ hội cầu ngư đầu năm Kỷ Hợi, thu hút đông đảo người dân tham gia.

Lễ hội Cầu ngư nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 2

Lễ rước Nghinh thần ở cửa biển An Hòa. (Ảnh: QUỐC VIỆT)

Lễ hội cầu ngư ở miền biển xã Tam Quang diễn ra trang nghiêm vào đầu năm mới. Mở đầu là Lễ nghinh thần (còn gọi rước thần) cá ông ở cửa biển An Hòa (xã Tam Quang). Sau đó là Lễ dâng hương và Lễ cầu an mong năm mới mưa thuận, gió hòa, sóng yên, biển lặng và đánh bắt được nhiều tôm, cá.

Sau phần lễ, bà con ngư dân tham gia phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và đua thuyền...

Ngư dân Trần Trường, 45 tuổi, ở thôn Sâm Linh Tây, chủ tàu cá QNa 91745 (có công suất 420CV) cho biết, hiện tại anh đã tiếp nhiên liệu vào tàu và các nhu yếu phẩm để chuẩn bị cho chuyến ra khơi đánh bắt hải sản vào ngày mai (21-2).

Lễ hội Cầu ngư nhận bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia ảnh 3

Các ngư dân lớn tuổi trong làng làm Lễ cầu ngư. (Ảnh: QUỐC VIỆT)

Phó Chủ tịch UBND xã Tam Quang Huỳnh Thị Mỹ Dung cho biết, Lễ hội cầu ngư là nét văn hóa tâm linh của ngư dân ven biển xã Tam Quang. Qua đó, cầu mong cho năm mới được thuận lợi, đánh bắt được nhiều hải sản; đồng thời, thể hiện tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn khi gặp sự cố trên biển.

Tam Quang là một trong những xã có truyền thống làm biển từ lâu đời. Hiện xã có hơn 170 tàu cá có công suất từ 90CV trở lên, thường xuyên vươn khơi đánh bắt hải sản ở hai ngư trường truyền thống Hoàng Sa - Trường Sa (của Việt Nam).