Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhà văn Bùi Hiển

Nhân dịp 100 năm Ngày sinh nhà văn Bùi Hiển, sáng 22-11, tại Hà Nội, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức lễ kỷ niệm và hội thảo “Nhà văn Bùi Hiển - văn và đời” với sự tham dự của đông đảo các nhà văn hội viên, các nhà nghiên cứu, phê bình, lý luận và những người thân trong gia đình nhà văn.

Nhà văn Bùi Hiển, sinh năm 1919 tại huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An. Ông là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (năm 1957) và tham gia nhiều khóa Ban Chấp hành Hội, là Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam. Cuộc đời cầm bút của ông gắn liền với sự phát triển của văn học Việt Nam thế kỷ 20. Ông đã để lại 32 đầu sách sáng tác ở các thể loại: truyện ngắn, ký, phê bình, tiểu luận và chín cuốn sách dịch cùng nhiều ghi chép. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông đã để lại dấu ấn trên văn đàn như: Nằm vạ (năm 1941), Ánh mắt (1961), Ngơ ngẩn mùa xuân (1992), Bạn bè một thuở (1999)...

Năm 2001, nhà văn Bùi Hiển vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật. Ông mất ngày 11-3-2009 tại Hà Nội, hưởng thọ 90 tuổi.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng nhau nhìn lại cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của nhà văn. Các tác phẩm của ông gần gũi với cuộc sống đời thường, bình dị và tinh tế, nhất là ở thể loại truyện ngắn, mang phong cách sáng tác riêng đậm nét. Nhân dịp này, Hội Nhà văn Việt Nam và gia đình nhà văn Bùi Hiển đã ra mắt cuốn sách Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri (NXB Văn học và Như Books ấn hành). Sách dày 340 trang, bao gồm bốn phần nội dung chính: Con đường văn chương và Nhật ký, Ân tình bạn bè, Gia đình, Trong ký ức người thân, qua đó bao quát toàn bộ cuộc đời sáng tác của nhà văn.