Khi nhà văn làm du lịch

Về huyện Mường Ảng, tỉnh Ðiện Biên, hỏi thăm nhà văn Nguyễn Ðức Lợi, phần lớn người dân đều biết đó chính là ông chủ của Khu du lịch sinh thái “Ðào Viên Sơn tour” (thường gọi là Ðào Viên Sơn) ở Bản Bua 1, xã Ẳng Tở, cách TP Ðiện Biên Phủ 45 km về hướng Hà Nội. Ðó thật sự là một bất ngờ với chúng tôi, bởi lâu nay chỉ biết Nguyễn Ðức Lợi trong vai trò nhà văn - nhà báo, từng đoạt nhiều giải thưởng như: Giải ba thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 2003, Giải nhì truyện ngắn báo Văn nghệ năm 2011-2012, Giải ba phóng sự Báo Lao động năm 2002…

Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái “Ðào Viên Sơn tour”. Ảnh: VĂN THÀNH CHƯƠNG
Du khách tham quan Khu du lịch sinh thái “Ðào Viên Sơn tour”. Ảnh: VĂN THÀNH CHƯƠNG

Mường Ảng vốn không phải địa danh văn hóa như Mường Lò, Mù Căng Chải; không phải địa danh lịch sử nổi tiếng như Ðiện Biên Phủ, Pha Ðin; không có không khí “trời ban” như Sa Pa, Mộc Châu… để “tự nhiên hương” hấp dẫn du khách; ấy thế mà một nhà văn vẫn quyết tâm làm du lịch. Người dân Ẳng Tở tiết lộ, thời gian đầu Nguyễn Ðức Lợi lên làm khu sinh thái, đến vợ con còn chẳng biết anh làm gì. Ðào Viên Sơn cách nhà hơn 5 km, anh bám trụ suốt ngày đêm, thỉnh thoảng mới ghé “thăm” nhà.

Trước khi có Ðào Viên Sơn, Nguyễn Ðức Lợi từng trải qua nhiều gian khó trong đời sống. Ngoài viết văn, viết báo, anh xoay xở nhiều nghề để có tiền mưu sinh, chữa bệnh: Chạy xe ôm, nấu rượu, nuôi ong, trồng cà-phê, nuôi lợn rừng, trồng tảo... Trò chuyện cùng chúng tôi, Nguyễn Ðức Lợi kể về thời điểm anh trải qua 12 năm trồng cà-phê thua lỗ, đứng trước nguy cơ phá sản, lại thêm tai nạn, bệnh tật ập đến. Sau khoảng thời gian “chìm nổi”, nỗ lực vượt lên hoàn cảnh, anh Lợi dành gần hai năm trời nghiên cứu, nuôi trồng thành công tảo xoắn Spirulina platensis hệ kín, áp dụng nuôi trong công nghệ nhà kính I-xra-en đầu tiên ở nước ta. Có chút vốn từ đó, anh rẽ hướng, bắt tay vào xây dựng khu sinh thái để làm du lịch. Anh nói, khi nuôi tảo xoắn và làm sinh thái, anh đều bị coi là gàn, ảo tưởng, viển vông… bởi số đông quan niệm, nghiên cứu tảo là việc của nhà khoa học, kinh doanh du lịch là việc của nhà kinh tế, còn anh là nhà văn cho nên “tưởng tượng giỏi hơn thực tế”. Ngay đến vợ anh và gia đình cũng bất ngờ vì anh lặng lẽ nghĩ và làm, đến phút cuối mới chịu để… bị lộ.

Hơn một năm trôi qua, cuối cùng bốn héc-ta cà-phê, kèm theo đó là bốn héc-ta chuối đã trổ buồng được đánh gốc mang đi, đồi núi san sửa trả lại nguyên trạng như ngày chưa khai hoang. Nhà văn kiêm “lão nông” đã cải tạo lại diện tích Ðào Viên Sơn, gồm: Vài nghìn cây chuối rừng; hơn 1.000 cây đào ta, ươm từ giống đào Pha Ðin; 1.000 cây sim mua từ Thanh Hóa, quê hương nhà thơ Hữu Loan; hàng nghìn cây hoa mua; trồng thêm 1,5 héc-ta cỏ ba lá; 0,5 héc-ta lau; 1.000 gốc hồng nội, ngoại; nhiều loại cây trong rừng Mường Ảng - Ðiện Biên đang đứng trước nguy cơ mất bóng; các tác phẩm nghệ thuật và hơn ba héc-ta cà-phê để chế biến, phục vụ đồ uống nguyên chất…

Ðào Viên Sơn lạ lùng như chính chủ nhân. Từ cách chọn loại cây hay vật liệu xây dựng nhà bằng gianh, tre, gỗ, lạt giang… cũng thể hiện sự cầu kỳ, trân quý giá trị văn hóa bản địa. Anh Lợi thuê thợ xây dựng nhưng bản thân tự thiết kế, giám sát và trực tiếp lao động. Anh chỉ tay ra khuôn viên giải thích thêm: “Là một nhà văn, tôi có đủ khả năng để viết và làm những điều khiến Ðào Viên Sơn tăng doanh thu và mình được yêu quý, nhưng tôi chọn cách khác. Tôi luôn thấy mình phải có trách nhiệm với xã hội, dù có ảnh hưởng doanh thu thế nào đi nữa”. Thành quả ngày hôm nay, tuy chưa thật hoàn thiện nhưng mỗi gốc cây, công trình đều mang dấu ấn tâm huyết của Nguyễn Ðức Lợi. Anh xót xa khi thuê người dân đi kiếm các loại cây cỏ trên rừng về trồng, họ không có kỹ thuật đánh gốc cho nên 10 cây chết đến bảy, tám; thao thức nhiều ngày tháng cho ý tưởng làm các mô hình, tiểu cảnh mang dụng ý riêng, khác biệt, độc lạ như: Trái tim vỡ, vá lại bằng dây thừng; thang lên trời; cây trưởng bản; cây nông dân, cây học trò và cả cây… nhà văn nữa. Ngoài ra, Ðào Viên Sơn còn mạnh dạn tái hiện biểu tượng văn hóa các dân tộc tiêu biểu ở Ðiện Biên như: Khèn Mông khổng lồ; con “trâu thần” trong tích truyện dân gian Thái đen Tây Bắc “Ải Lậc Cậc” hay “ngôi nhà nghèo” khoét vào núi như một sự tri ân các “thành hoàng bản” đã có công khai khẩn để ngày nay, Ðào Viên Sơn được kế thừa và khai thác trên mảnh đất đầy nắng gió và hoa cỏ…

Mường Ảng là miền đất khó, anh Lợi chia sẻ nhiều chuyện gian nan trong con đường mình chọn. Không chỉ khách du lịch ngại đi lên tận Mường Ảng chỉ ngắm mỗi Ðào Viên Sơn mà dân địa phương cũng ngỡ ngàng, thiếu niềm tin vào loại dịch vụ “lạ”. Làm du lịch, muốn phát triển thì phải liên kết, mở rộng kinh doanh hàng nông sản sạch, quà lưu niệm, ẩm thực trải nghiệm điền dã… mới đủ sức thỏa mãn tính tò mò, thụ hưởng của du khách. Khó khăn tiếp nữa là chính quyền địa phương chưa đặt mục tiêu nào cho loại dịch vụ này để có chính sách, chiến lược, biến quê hương thành điểm đến du lịch đúng nghĩa. Và cái khó chung của các điểm làm du lịch trên địa bàn tỉnh là trách nhiệm của người tham quan chưa thật cao, vẫn còn những hành vi gây thiệt hại đến tài sản của các khu du lịch. Biết khó thế mà Nguyễn Ðức Lợi vẫn làm. Anh Lợi lý giải, bản thân mình có hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, lại sinh ra, lớn lên ở miền núi, có tình yêu đặc biệt với thiên nhiên, nhìn trước nguy cơ nhãn tiền về sự thu hẹp của rừng, về việc cần thiết phải có người mở lối mới có được niềm tin và kinh nghiệm thực tiễn. Giữa miền sơn cước ấy, những người có vốn văn hóa, trải nghiệm như anh mà không làm thì ai sẽ làm?

Có thể không ít người còn hoài nghi về sự mơ mộng của nhà văn làm du lịch, nhưng Nguyễn Ðức Lợi khá thực tế, xác định từng bước cụ thể trong chiến lược phát triển. Song song với việc tạo cảnh quan thiên nhiên, xây dựng cơ sở hạ tầng… anh từng bước bắt kịp xu thế hiện đại bằng việc đã và sẽ đưa vào phục vụ các dịch vụ như: Ðường mòn trải nghiệm xe máy dài 1.200 m cua, dốc; trải nghiệm làm vườn, chăm bón rau, hoa; phục vụ các món ăn dân tộc; ngủ trải nghiệm “hai không” (không ti-vi, không nhà vệ sinh) tại chòi rừng; ẩm thực, làm đẹp từ tảo xoắn tươi nguyên chất… Anh có bài thơ như vận vào số phận của mình: “Xin làm viên cuội cần cù/ Vui lăn dưới đất, buồn đu lên giời/ An lành trong cõi thảnh thơi/ Bỏ xa dăm bảy nhất thời hào quang”. Dường như, Nguyễn Ðức Lợi của những ngày ở gian nhà gỗ thủng, chắp vá tứ bề và ông chủ Ðào Viên Sơn bây giờ không khác nhau là mấy. Anh vẫn là một “lão nông” đích thực trên “cánh đồng chữ nghĩa” với nhiều tác phẩm nối tiếp nhau ra đời; và cũng là một lão nông cặm cụi trồng cây, xây nhà, cuốc từng mét đất mở đường trên sỏi đá cỗi cằn bất kể nắng mưa...