Khám phá Tết cổ truyền dân tộc

Với mục đích giúp bạn bè quốc tế thấu hiểu và gắn bó hơn với đất nước và con người Việt Nam, chương trình “Khám phá văn hóa cổ truyền Việt dành cho Đoàn Ngoại giao - Tết Nguyên đán cùng Việt Xưa” diễn ra tại Ba Vì, Hà Nội đã để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong lòng các nhà ngoại giao quốc tế.

Các cán bộ ngoại giao nước ngoài thi gói bánh chưng.
Các cán bộ ngoại giao nước ngoài thi gói bánh chưng.

Chương trình khám phá văn hóa cổ truyền Việt Nam được Vụ Ngoại giao Văn hóa - UNESCO, Bộ Ngoại giao và Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN tại Hà Nội (AWCH) tổ chức tại khuôn viên Nhà máy Việt Xưa, Ba Vì. Tại sân ngôi nhà lợp mái cói, chung quanh là vườn hồng, cúc, điểm xuyết vài cành đào, Đoàn Ngoại giao được đón tiếp nồng hậu và được chào mừng bằng các tiết mục hòa tấu nhạc cụ truyền thống Việt Nam...

Trong chương trình, đoàn được giới thiệu về sự tích bánh chưng, bánh dày và một số phong tục ngày Tết cổ truyền của Việt Nam. Ý nghĩa của sự tích bánh chưng, chiếc bánh được làm từ gạo nếp với lá bọc ở ngoài, nhân ở trong, đã lưu lại những hình ảnh đẹp trong ký ức của các vị khách quốc tế. Đây là một món ăn truyền thống không thể thiếu trong ngày Tết, là dịp các gia đình đoàn viên, tri ân ông bà, tổ tiên. Chia sẻ về những trải nghiệm trong chuyến đi Ba Vì, Đại sứ Vê-nê-xu-ê-la tại Việt Nam Ta-ti-a-na Púc Mô-rê-nô cho biết, bà cảm nhận được không khí đón Tết và biết thêm về ý nghĩa sâu sắc của một số món ăn cổ truyền của người Việt Nam.

Phong tục đón Tết của người Việt Nam cũng có sự tương đồng với hoạt động chào đón năm mới ở nhiều nước như trang hoàng nhà cửa, gặp gỡ người thân, bạn bè và dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp. Một số thành viên Đoàn Ngoại giao, những người công tác xa quê hương, cũng tìm ra những điểm tương đồng trong phong tục truyền thống, văn hóa giữa hai nước; cảm nhận được sự gần gũi với đất nước, con người Việt Nam.

Các vị khách quốc tế đều bày tỏ sự hào hứng, thích thú khi được tìm hiểu và trực tiếp trải nghiệm những nét độc đáo của văn hóa cổ truyền Việt Nam. Trong chương trình khám phá, các đại sứ và phu nhân, các cán bộ ngoại giao nước ngoài cùng người dân địa phương được chia làm sáu đội, tham gia cuộc thi “Trải nghiệm làm bánh chưng”. Đại sứ I-ta-li-a tại Việt Nam A.A-lếch-xan-đrô cho biết, các công đoạn gói bánh rất phức tạp, từ khâu xếp lá dong, gạo, đỗ và thịt lợn rồi gói lại sau đó buộc lạt. Tuy nhiên, nhờ sự hướng dẫn của người dân địa phương, Đại sứ A.A-lếch-xan-đrô cũng đã hoàn thành chiếc bánh chưng đầu tiên.

Với những vị khách quốc tế chưa có nhiều cơ hội tìm hiểu về phong tục truyền thống của Việt Nam, trải nghiệm này giúp họ cảm nhận nét văn hóa đặc sắc và sự thân thiện, hiếu khách của người dân địa phương. Mới đến Việt Nam được hai tháng, Đại sứ Thụy Sĩ tại Việt Nam I.Xi-bơ bày tỏ mong muốn được cảm nhận không khí Tết ở Hà Nội; cũng như thăm nhiều tỉnh, thành phố khác trong nhiệm kỳ của ông nhằm hiểu thêm về đất nước và con người Việt Nam.

Các thành viên Đoàn Ngoại giao ngắm nhìn từng nét bút uyển chuyển của ông đồ và được giảng giải về ý nghĩa sâu sắc của từng chữ, giúp họ hiểu thêm về giá trị nghệ thuật thư pháp, một nét đẹp văn hóa của Việt Nam. Sau những hoạt động đầy thú vị, đoàn được thưởng thức ẩm thực truyền thống của Việt Nam.

Chương trình khám phá này là một trong những hoạt động giao lưu văn hóa khởi đầu của Năm Chủ tịch ASEAN 2020 nhằm giới thiệu nét đẹp truyền thống của văn hóa Việt Nam, các phong tục tập quán ngày Tết, qua đó thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa các nước ASEAN, tạo ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Việt Nam. Theo Vụ Ngoại giao Văn hóa - UNESCO, trong năm 2020 sẽ có nhiều chương trình nghệ thuật, tham quan di sản, thắng cảnh... được tổ chức nhằm mang lại cái nhìn sâu sắc hơn về đất nước và con người Việt Nam, quảng bá tới bạn bè quốc tế.