Ðiều còn lại sau chiến tranh

Không chỉ người lính mới phải chịu đựng hy sinh, mất mát nơi chiến trường mà những người mẹ, người vợ của họ ở quê nhà cũng mang nặng bao nỗi niềm, bi kịch. Thân phận người phụ nữ trong chiến tranh và thời hậu chiến cùng nỗi đau của họ đã được thể hiện phần nào trong vở Ðiều còn lại của Nhà hát kịch Việt Nam do đạo diễn trẻ Kiều Hiếu Minh vừa dàn dựng.

Cảnh trong vở Ðiều còn lại.
Cảnh trong vở Ðiều còn lại.

Nội dung vở Ðiều còn lại không quá xa lạ bởi trước đây đã có các tác phẩm sân khấu, điện ảnh mang nội dung tương tự. Câu chuyện kịch xoay quanh thân phận những người phụ nữ ở làng Bòng, một làng quê vùng nông thôn Bắc Bộ thời kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và sau chiến tranh. Ở đó có bà Muộn, vợ một liệt sĩ thời chống Pháp ở vậy nuôi người con trai tên Bân trưởng thành. Nhưng khi bà vừa cưới vợ cho con trai thì Bân đã phải nhập ngũ lên đường vào nam chiến đấu, để lại quê nhà người vợ trẻ. Mất chồng từ sớm, bà Muộn hiểu nỗi nhớ nhung, khát khao của cô con dâu tên Thuyến trong tiếng chày giã cốm vật vã thâu đêm. Trong khi đó, chiến tranh ngày càng ác liệt, đàn ông trai tráng ở khắp các miền quê đất nước lần lượt ra trận và không ít giấy báo tử đã gửi về. Nhiều người trong số họ còn quá trẻ. Trong bối cảnh ấy, chỉ vì một phút bồng bột, không kiềm chế được bản thân, Thuyến đã có quan hệ tình cảm với Bường, một chiến sĩ của đơn vị bộ đội đi qua làng, trú quân ở nhà mình trước khi vào nam. Chuyện yêu đương của hai người bị phát hiện, nhưng bà Muộn đã đứng ra bảo vệ Thuyến, dàn xếp với đơn vị bộ đội để Bường không bị kỷ luật và kịp lên đường chiến đấu. Có con với Bường, nhưng hai mẹ con Thuyến vẫn được bà Muộn chở che, bao bọc. Tuy nhiên, bi kịch thời hậu chiến được đẩy lên cao độ khi chồng Thuyến là Bân trở về sau nhiều năm tưởng là mất tích. Không chấp nhận sai lầm của vợ, bỏ ra ngoài ở, nhưng Bân vẫn lặng lẽ tìm kiếm tung tích của Bường cũng là một thương binh nặng để đưa anh trở lại gặp Thuyến, nhận con. Ðến khi kết thúc vở diễn, mọi người mới biết Bân bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh không thể sống được và mới hiểu hết những hy sinh thầm lặng của anh.

Chỉ giới hạn trong không gian làng Bòng nhỏ bé, không có tiếng súng đạn ì ầm, nhưng sự khốc liệt của chiến tranh vẫn hiện hữu trong từng cảnh diễn và đeo bám dai dẳng, ám ảnh với vô vàn vết thương lòng thời hậu chiến. Ðó là nỗi đau của bao người phụ nữ mất chồng, mất con, của các cô gái chôn vùi tuổi thanh xuân trong nỗi chờ đợi, nhớ nhung, là những người lính trở về không còn sự vẹn nguyên hình hài thể chất và tinh thần. Hình ảnh bà mẹ Muộn vực Bường đứng dậy sau sai lầm với con dâu của mình, giục cậu lính trẻ bước theo đoàn quân mà vẫn nghẹn ngào dặn phải gắng sống, không được để chết đã mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. Bà mẹ ấy là hiện thân của hậu phương vững vàng, tiếp sức mạnh cho các đoàn quân ra trận, giúp họ vượt qua bom đạn, chết chóc để trở về với đồng rạ quê hương.

Là gương mặt mới trong làng đạo diễn sân khấu, song Kiều Hiếu Minh đã cho thấy sự tinh tế trong xử lý, cài cắm các mảng miếng, chi tiết để tăng phần hấp dẫn và truyền tải được thông điệp trong từng cảnh và hành động kịch. Xuyên suốt vở diễn là tiếng chày giã cốm như sự điểm nhịp của thời gian, đồng thời cũng là điểm nhịp tâm trạng nhân vật. Có lúc hối hả những đam mê vùi chôn mọi lý trí, cuồng si trong khát khao cháy bỏng, có lúc rối bời, quay cuồng bởi sự dằn vặt, giằng xé, hối hận, đớn đau, có lúc rộn ràng niềm vui hội tụ. Nó không chỉ là vật dụng trao truyền nghề truyền thống qua các thế hệ trong gia đình, trong làng, trong xã mà còn là biểu tượng cho nền nếp gia phong và những quy định, răn dạy của cha ông bao đời. Việc bà Muộn sụp xuống bên chiếc cối sau phút nông nổi của đôi trẻ như một lời tạ lỗi trước gia tiên, tuy thấu hiểu và bao dung, nhưng vẫn đầy nỗi lòng xót xa của một người mẹ chồng đã vun tay vào bi kịch. Cũng vẫn như vậy, khi bà và Thuyến hì hục lật úp chiếc cối đá nặng nề thể hiện sự cương quyết không để tái diễn sai lầm, khép lại một quá khứ buồn để tiếp tục sống và hy vọng về tương lai. Nhịp đời vui trở lại với mẻ cốm thơm hương đồng nội khi nỗi đau và bi kịch thời hậu chiến được hóa giải từ tấm lòng người mẹ, từ nghĩa tình đồng đội của những người lính đã trải qua bom đạn chiến tranh, thấu hiểu giá trị của tình yêu và cuộc sống hòa bình…

Bên cạnh một vài chi tiết trong nội dung kịch bản còn có phần khiên cưỡng, mang tính áp đặt chủ quan, chưa thật sự phù hợp diễn biến tâm lý nhân vật, nhìn chung vở Ðiều còn lại được giới chuyên môn đánh giá thành công, bổ sung vào kịch mục của Nhà hát kịch Việt Nam một vở diễn hấp dẫn. Ðáng chú ý, vở được thực hiện với dàn diễn viên trẻ mới được tuyển dụng, cho thấy sự tin tưởng vào lớp trẻ của lãnh đạo nhà hát, tạo cơ hội và củng cố tình yêu của họ với sân khấu.