Hội thảo về Dương Thanh - người anh hùng xứ Nghệ

NDO -

NDĐT - Ngày 9-11, tại thành phố Vinh, UBND tỉnh Nghệ An, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam và Hội đồng họ Dương Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Khởi nghĩa Dương Thanh trong lịch sử đấu tranh chống bắc thuộc của dân tộc Việt Nam”.

Đền thờ Dương hanh ở xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An
Đền thờ Dương hanh ở xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An

Diễn ra cách đây tròn 1.200 năm, cuộc khởi nghĩa Dương Thanh được ghi chép khá sớm trong các bộ sử Việt Nam, như Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký tiền biên, Đại Việt sử ký toàn thư, An Nam chí lược, Khâm Định Việt sử thông giám cương mục… Dương Thanh là một hào trưởng ở vùng Hoan Châu (Nghệ - Tĩnh ngày nay) có tinh thần dân tộc. Dù “làm quan” (giữ chức Thứ sử Châu Hoan) nhưng ông căm ghét ách áp bức và sự đối xử hà khắc của những viên quan cai trị nhà Đường.

Cuộc khởi nghĩa Dương Thanh khởi đầu vào năm 819. Dương Thanh chỉ huy hơn 2.000 binh lính dưới quyền tấn công thành An Nam, giết chết viên quan đô hộ nhà Đường là Lý Tượng Cổ “nổi tiếng tham bạo, hà khắc mất lòng dân chúng”. Sau cuộc nổi dậy thành công, Dương Thanh tìm cách xây dựng một chính quyền độc lập.

Tuy chính quyền độc lập của Dương Thanh không kéo dài do tương quan lực lượng quá chênh lệch giữa lực lượng đàn áp với quân khởi nghĩa, nhưng cuộc khởi nghĩa này có thể được đánh giá là dấu mốc quan trọng, “là điềm báo trước”cho những sự kiện trọng đại sẽ diễn ra trong hai thế kỷ 9 và 10 - đều nhằm mục đích chấm dứt ách cai trị của phương bắc và xác lập một quốc gia độc lập, tự chủ của người Việt trên đất nước Việt Nam. Những bước tiến trong diễn trình khẳng định nền độc lập, quyền tự chủ dân tộc gắn liền với tên tuổi của các vị thủ lĩnh Khúc Thừa Dụ, Dương Đình Nghệ, rồi sau đó là Ngô Quyền, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Hoàn đã dần đưa đất nước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập tự chủ bền vững.

Trong những giai đoạn lịch sử tiếp theo, dòng tộc họ Dương ở Nghệ - Tĩnh có nhiều người học vấn cao và đỗ đạt, cả văn lẫn võ, nhiều người đỗ đại khoa. Trong tổng số 2.894 Tiến sĩ văn và 319 Tiến sĩ võ (thời Lê Trung hưng gọi là Tạo sĩ, thời Nguyễn gọi là Tiến sĩ võ) từ khoa thi đầu tiên năm Ất Mão (năm 1075) đến khoa thi cuối cùng năm Kỷ Mùi (năm 1919), dòng họ Dương có 50 Tiến sĩ văn và 7 Tiến sĩ võ (Theo sách của Ngô Đức Thọ, Nguyễn Thúy Nga, Nguyễn Hữu Mùi - Các nhà khoa bảng Việt Nam 1075 - 1919 (Nxb. Văn Học, Hà Nội, 2006) và Nguyễn Thúy Nga - Võ cử và các võ Tiến sĩ ở nước ta (Nxb. Thế Giới, Hà Nội, 2003).

Những nhà khoa bảng của nhiều gia đình họ Dương bằng sự thành công trên con đường cử nghiệp của mình đã tạo nên truyền thống hiếu học và đỗ đạt của dòng tộc, góp phần tạo nên tiếng vang cho dòng họ khoa bảng nổi tiếng trong vùng. Trong dòng chảy chung của lịch sử dân tộc, dòng họ Dương đã có đóng nhiều góp vào quá trình dựng nước và giữ nước. Truyền thống yêu nước, hi sinh vì độc lập dân tộc được con cháu họ Dương vun đắp qua nhiều thế hệ và trở thành truyền thống cao đẹp của dòng họ.

Cũng trong dịp kỷ niệm 1200 năm khởi nghĩa Dương Thanh, dòng tộc cùng với ngành văn hóa tỉnh Nghệ An đã tổ chức khánh thành Đền thờ “Dương tướng công” - Dương Thanh tại thôn Văn Lang, xã Hưng Phúc, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An. Đây sẽ là nơi tưởng niệm người anh hùng và giáo dục truyền thống cho các thế hệ sau. Hội Khoa học Lịch sử cũng đề xuất đặt tên Dương Thanh cho một số trường học, đường phố.