Hội thảo khoa học “Văn Miếu - Quốc Tử Giám và giáo dục Nho học Việt Nam”

NDO -

NDĐT - Ngày 26-11, tại Hà Nội, Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức Hội thảo khoa học “Văn Miếu - Quốc Tử Giám và giáo dục Nho học Việt Nam” với sự tham gia của nhiều nhà khoa học.

Toàn cảnh Hội thảo.
Toàn cảnh Hội thảo.

Các tham luận tham gia Hội thảo đã tập trung nghiên cứu và làm rõ các chủ đề: Lịch sử giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam; Văn Miếu - Quốc Tử Giám với vai trò và vị thế của Trường Quốc học; Truyền thống giáo dục khoa cử của các vùng văn hóa. Hội thảo đã làm rõ những giá trị văn hóa của giáo dục Nho học trong lịch sử Việt Nam cũng như dấu ấn còn lưu lại trong đời sống hôm nay.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư ghi: Năm 1070, “mùa thu, tháng tám, vua Lý Thánh Tông cho dựng Văn Miếu” để thờ các bậc tiên thánh, tiên sư của đạo Nho. Văn Miếu cũng là trường học cung đình mà học trò đầu tiên là Thái tử Lý Càn Đức (vua Lý Nhân Tông sau này) lúc đó mới năm tuổi. Năm năm sau, năm 1075, triều đình mở khoa thi Nho giáo tam trường để tuyển chọn người học rộng, tinh thông sách vở bổ dụng làm quan trong triều đình. Đây là khoa thi đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam. Vị đỗ đầu khoa thi này là Lê Văn Thịnh, người làng Đông Cứu vùng Kinh Bắc, nay là thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1919, kỳ thi cuối cùng được tổ chức ở Trung Kỳ là dấu mốc chấm dứt chế độ khoa cử Nho học tại Việt Nam.

Trải qua 844 năm phát triển, giáo dục khoa cử đã tổ chức 183 kỳ thi đại khoa, lấy đỗ 2.898 vị Tiến sĩ, Phó bảng. Tuy thịnh suy tùy thời, nhưng nền giáo dục khoa cử đã gánh vác sứ mệnh “bồi thực nguyên khí” - chăm lo phát triển nguyên khí của quốc gia, và “cử hiền nhiệm năng” - tiến cử người hiền, nêu cao những phẩm chất khí tiết, đức độ. Nển giáo dục Nho học dần tạo ra một tầng lớp sĩ phu trí thức có uy tín trong nhân dân. Nhiều người ưu tú trong số đó là những danh nhân văn hóa có nhiều cống hiến cho đất nước bằng tài năng và nhân cách của mình.

Gắn liền với nền giáo dục Nho học ở Việt Nam,Văn Miếu - Quốc Tử Giám cùng tồn tại, gắn bó chặt chẽ và trở thành biểu tượng của sự nghiệp giáo dục cấp quốc gia trong thời trung đại. Nơi đây đã chứng kiến và lưu dấu chặng đường phát triển của giáo dục Đại Việt, từ giai đoạn Nho học phát triển rực rỡ đến những ngày suy vi của chế độ quân chủ. Những kinh nghiệm của nền giáo dục khoa cử tôn vinh tinh thần nhân văn, tinh thần học thuật, truyền thống hiếu học của dân tộc, có thể gợi mở những ý kiến cho nền giáo dục hiện nay và phát huy giá trị của Văn Miếu - Quốc Tử Giám đối với giáo dục Việt Nam. Ngày nay, Văn Miếu - Quốc Tử Giám là di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt. Ở đây lưu trữ di sản tư liệu của nhân loại là 82 tấm bia tiến sĩ thời Lê - Mạc và là nơi quảng bá những giá trị văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế. Đây cũng là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, đề cao tinh thần tôn sư trọng đạo, hiếu học, hiếu nghĩa của cha ông.