Hà Nội khai mạc các hoạt động đón mừng Xuân mới

NDO -

NDĐT - Ngày 18-1, tại hồ Văn, thuộc Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội), Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám đã tổ chức khai mạc Hội chữ Xuân Canh Tý 2020.

Hội chữ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám thu hút đông đảo công chúng tham gia.
Hội chữ tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám thu hút đông đảo công chúng tham gia.

Với chủ đề “Thành Đức”, đề cao ý nghĩa rèn đức đi đôi với luyện tài trong truyền thống khoa cử, giáo dục Việt Nam xưa và nay, Hội chữ Xuân có sự tham gia của 52 ông đồ được tuyển lựa kỹ càng. Chủ đề “Thành Đức” nhằm nhấn mạnh con người bên cạnh rèn giũa tài năng, còn phải có ý thức xây dựng, gìn giữ đạo đức. Khuôn viên hồ Văn, nơi diễn ra các hoạt động mua – bán chữ cũng là nơi diễn ra triển lãm thư pháp của nhiều nhà thư pháp nổi tiếng trong nước. Các bức thư pháp đều có nội dung thể hiện truyền thống hiếu học, hiếu nghĩa, tôn sư trọng đạo, tôn trọng hiền tài... Ban Tổ chức mong muốn những giá trị văn hóa đó sẽ góp phần nuôi dưỡng tình yêu đối với di sản, với văn hóa dân tộc của thế hệ trẻ, góp phần phát triển giáo dục “Thành Đức, Đạt Tài”.

Ngoài hoạt động thư pháp, Hội chữ Xuân còn có nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật hấp dẫn và ý nghĩa, như: Giới thiệu, quảng bá nghề thủ công truyền thống, tinh hoa ẩm thực dân gian, trải nghiệm nhiều trò chơi ngày xuân của dân tộc.

Ngay trong lễ khai mạc, rất đông người dân Thủ đô và du khách đã đến tham quan Hội chữ Xuân, thưởng lãm các tác phẩm thư pháp và xin chữ đầu năm. Các ông đồ cũng phấn khởi khi được giới thiệu đến công chúng nét văn hóa truyền thống của Việt Nam thông qua nghệ thuật thư pháp.

Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 diễn ra đến hết ngày 5-2, mở cửa từ 8 giờ đến 20 giờ hằng ngày. Riêng đêm giao thừa sẽ mở cửa đến 2 giờ ngày mồng một Tết.

* Cũng trong sáng 18-1, tại đình Kim Ngân (số 42 và 44 phố Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội đã khai mạc chuỗi hoạt động mừng Xuân Canh Tý.

Với chủ đề “Tết Phố”, chương trình gồm nhiều hoạt động diễn ra tại các di tích, nhằm tái hiện lại nhiều nét văn hóa truyền thống của người dân phố cổ Hà Nội. Tại đình Kim Ngân, khách tham quan được chứng kiến việc sắp mâm lễ của đại diện một số dòng họ ở Hà Nội, để dâng cúng Thành hoàng; các hoạt động diễn xướng dân gian: Hát, múa cửa đình, hát xoan, múa trống bồng, hát văn… Tại Ngôi Nhà Di sản 87 phố Mã Mây, khách tham quan sẽ thấy hình ảnh người Hà Nội xưa đón Tết thông qua sự sắp đặt trong không gian ngôi nhà và hoạt động gói bánh chưng.

Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (số 50 phố Đào Duy Từ) giới thiệu về hình tượng con chuột – linh vật của năm Canh Tý – trong văn hóa dân gian. Những ai quan tâm về tranh Tết sẽ có dịp tìm hiểu về ba dòng tranh dân gian của Việt Nam, gồm: tranh Hàng Trống, Kim Hoàng (Hà Nội); tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) tại Trung Tâm Thông Tin Di sản Phố cổ Hà Nội (số 28 phố Hàng Buồm). Tại đây, các nghệ nhân sẽ giới thiệu quy trình sản xuất và một số sản phẩm tiêu biểu của ba dòng tranh dân gian Việt Nam.

Trong sáng 18-1, Ban Quản lý Phố cổ đã tổ chức lễ dựng cây nêu và giới thiệu về phong tục dựng cây nêu ngày Tết. Ngoài ra, tại các điểm di tích, điểm văn hóa nêu trên còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ dân gian để phục vụ nhu cầu vui xuân của công chúng cũng như thu hút khách du lịch.

Các hoạt động sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 9-2 (tức 16 tháng giêng năm Canh Tý).

Hà Nội khai mạc các hoạt động đón mừng Xuân mới ảnh 1

Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp Nhóm Đình Làng Việt và các đơn vị tổ chức, cá nhân tổ chức chuỗi hoạt động văn hóa với chủ đề “Tết Phố” tại các điểm di tích.

Hà Nội khai mạc các hoạt động đón mừng Xuân mới ảnh 2

Đoàn rước lễ trong trang phục truyền thống gồm các nam thanh, nữ tú và đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Hà Nội khai mạc các hoạt động đón mừng Xuân mới ảnh 3

Đoàn lễ đi từ Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây qua các tuyến phố Hàng Buồm, Tạ Hiện ... sang đình Kim Ngân số 42,44 Hàng Bạc.

Hà Nội khai mạc các hoạt động đón mừng Xuân mới ảnh 4

Nghi lễ dâng hương, cáo yết thành hoàng tại đình Kim Ngân.

Hà Nội khai mạc các hoạt động đón mừng Xuân mới ảnh 5

Nghi lễ treo cá chép, chuông, khánh bằng đất nung lên cây nêu.

Hà Nội khai mạc các hoạt động đón mừng Xuân mới ảnh 6

Việc dựng cây nêu ngày Tết ngoài ý nghĩa dân gian giúp xua đuổi ma quỷ, còn mang ý nghĩa cầu cho quốc thái dân an, mùa màng tốt tươi, đất nước thịnh vượng.