Trần Thanh Phương:

Giọt phù sa nơi tận cùng Tổ quốc

Đang còn không khí của Tết, của Xuân, nhưng tin nhà báo - nhà văn Trần Thanh Phương qua đời vào ngày 7-2-2020 vẫn gây xúc động lớn trong đông đảo bạn bè, đồng nghiệp và bạn đọc của anh.
Giọt phù sa nơi tận cùng Tổ quốc

Trần Thanh Phương sinh ra và trải qua những năm tháng tuổi thiếu niên tại ấp Đường Cày, xã Phú Tân, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, nơi mảnh đất tận cùng của Tổ quốc, sông rạch chằng chịt, qua một con kênh bên kia là địa danh nổi tiếng Mũi Cà Mau. Căn nhà anh ở quê mọc lên trong đậm đặc phù sa non màu mỡ, chỉ ít bước chân là ra đến biển. Trong hồ sơ, Trần Thanh Phương ghi sinh ngày 23-9-1940, năm của Nam Kỳ khởi nghĩa, và ngày tháng đó đã theo anh suốt cuộc đời.

Là con em gia đình cách mạng, anh được tập kết ra bắc, học các trường học sinh miền nam, sau khi tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Hà Nội, anh được phân về Báo Nhân Dân, công tác tại Ban Miền nam. Sau một thời gian ngắn làm tư liệu cho báo, ít lâu sau, người ta thường thấy một bút danh mới mang tên Trần Thanh trên những trang Báo Nhân Dân ra hằng ngày, viết về những tấm gương chiến đấu và những vấn đề của chiến tranh ở miền nam với phong cách chân thực, gọn ghẽ và giàu sức cổ vũ. Tám năm trời dưới tán xanh cây đa Hàng Trống, anh đã tích lũy cho mình được nhiều kinh nghiệm làm báo, đồng thời dấy lên trong anh một đam mê kiếm tìm tư liệu, sắp xếp và cắt dán lại cho mình và cả đồng nghiệp trên con đường dài.

Sau Đại thắng mùa Xuân 1975, miền nam giải phóng, đất nước thống nhất, Trần Thanh Phương được điều động về Sài Gòn tăng cường cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên làm báo Giải Phóng, sau sáp nhập với Cứu Quốc thành Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Anh chăm chỉ đi thực tế, năng động trong phát hiện những vấn đề nóng bỏng nơi địa bàn mới giải phóng làm đề tài cho bài viết của mình. Không chỉ thông tin, anh còn có nhiều bài mang tính văn học như bút ký, tùy bút để thể hiện những nhận xét, suy ngẫm trên tầm nhìn và vốn hiểu biết mới của một trí thức trẻ được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa, một tấm lòng của người con của miền nam sau hơn hai mươi năm xa nay trở về. Đây là một thời kỳ sáng tạo đầy sung sức và đa dạng trên nhiều lĩnh vực báo chí của anh. Anh còn giữ được ngọn lửa nhiệt thành với sáng tạo báo chí nhiều năm sau khi về hưu, cả trong những ngày nằm bệnh. Anh là người có hiểu biết, thẩm quyền để thông tin và luận bàn về các vấn đề của mảnh đất phương nam, vì không kể thời ấu thơ, anh còn có mấy chục năm gắn bó với nơi này, trải qua các trách nhiệm từ phóng viên, Trưởng Văn phòng đại diện phía nam và Phó Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết. Anh thận trọng, kỹ lưỡng trong viết bài cũng là người kỹ lưỡng trong công việc biên tập và truyền nghề cho các thế hệ sau.

Là nhà báo, anh cũng đồng thời là nhà văn. Anh có nhiều trang văn đẹp về bút ký, truyện ngắn, nhất là tính chuẩn xác và phong phú về tư liệu, khiến văn anh đọc có sự hấp dẫn riêng. Anh là Hội viên của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh từ sớm. Anh luôn quan tâm đến văn chương như người trong cuộc. Ngoài những sáng tác thuộc thể tài bút ký, truyện ngắn, truyện dài như San hô đỏ, Trong rừng dẻ hương, Xa xa đất Mũi Cà Mau, Sài Gòn tầng cao, Sài Gòn tầng thấp, Phương Đông... anh có nhiều tác phẩm sưu khảo, biên soạn về lĩnh vực này từ những câu chuyện về Rượu với văn chương, Chân dung và bút tích nhà văn, Lời cuối với nhà văn đi xa, Còn là tinh anh, Hổ phụ sinh hổ tử, Chuyện 12 con Giáp... Trong những trò chuyện anh thường trân trọng nhắc đến các thế hệ nhà văn đương đại của đồng bằng sông Cửu Long, hoan nghênh những việc làm của tôi về khơi gợi vấn đề và xây dựng đội ngũ người viết ở đây, trong thời gian công tác tại báo Đại Đoàn Kết cũng như ở Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh, đồng thời nhắc nhở tôi, trong cương vị và năng lực của mình tiếp tục quan tâm và tác động cho văn học vùng đất này, cả về đội ngũ và chất lượng tác phẩm.

Ngoài sáng tác, anh có ý thức tìm thêm lối đi riêng cho mình. Với sự đam mê hiếm có, với nghị lực và chịu thương chịu khó đến tận cùng, anh dồn nhiều công sức cho việc tích lũy, sưu tầm, khảo cứu… tư liệu. Cho mình, cho đồng nghiệp và cho xã hội. Anh tham gia biên soạn nhiều bộ sách liên quan cần nhiều tư liệu, như địa chí, về chân dung cuộc đời nghệ sĩ. Nhiều cuốn sách được xã hội đánh giá cao, một vài tác phẩm được trao giải thưởng ở tỉnh nhà và tỉnh bạn. Bên cạnh đó, anh và cả người bạn đời của anh, chị Phan Thu Hương, dành nhiều tâm huyết gần như cả cuộc đời, để cắt dán nhiều bộ sưu tập các bài báo hết sức công phu, nhiều chuyên đề tập hợp hàng chục nghìn bài trên các báo, giúp những đối tượng cần thiết khi tra cứu, trong đó hai bộ được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập Người có bộ sưu tập bài báo nhiều nhất Việt Nam và Người có sách sưu tập các bài báo có kích thước lớn nhất Việt Nam.

Còn nhiều điều đáng quý nữa ở con người anh, nên nhiều bạn bè, đồng nghiệp quý mến anh. Anh đặc biệt dành sự yêu thương kính trọng với người má và mảnh đất nghèo khó của quê hương mình. Ngày phương tiện đi lại còn khó khăn, có lần quá vất vả khi về thăm nhà, anh buột lời than “Về nhà mình xa quá má ơi!” liền bị má la “Tại con đi xa chứ nhà mình đâu có xa. Từ trước tới giờ nhà mình vẫn ở đây, có dời đi đâu mà xa với gần. Má sanh con cũng tại căn nhà này…”. Là người nhạy cảm, anh thấy ân hận và giác ngộ sâu sắc khi nghe má nói vậy. Câu chuyện giản dị và cảm động ấy được anh kể lại, và được bạn bè đồng cảm, chia sẻ.

Là người con của miền đất tận cùng phương nam, anh muốn được làm giọt phù sa đắp bồi cho quê hương cũng như trong suốt 80 năm cuộc đời, anh dồn tất cả sức lực và tâm huyết của mình để làm nên những giọt phù sa văn hóa đắp bồi cho lý tưởng và sự nghiệp mà anh dâng hiến. Biết quy luật sinh tử, anh công khai dặn lại người thân và bạn bè rằng, khi anh qua đời, thi hài sẽ đem hỏa thiêu, tro cốt đem về rải tại chốn chôn nhau cắt rún, mảnh đất bùn lầy, nơi có con kênh ngầu đục, thuở nhỏ anh thường ra bơi lội, đùa nghịch với bạn bè, giăng câu, đặt trúm, mò tôm...