Văn hóa và Đạo đức

Gần nhà, xa ngõ

Ông Hoàng từ quê ra chơi với gia đình cậu con trai cả là anh Ðạt đang ở tại căn hộ tầng 10 của một khu chung cư cao cấp. Mấy hôm đầu ở đây, được tận hưởng tiện nghi hiện đại trong căn hộ, ông Hoàng rất hài lòng.

Nhưng được vài hôm, cứ quanh quẩn ở nhà, ông cảm thấy bức bối vì đã quen với sự thoáng mát của hương đồng, gió nội và nhất là ở quê còn có bầu bạn trong thôn, ngoài xã hay họ hàng, láng giềng thân quen.  Ðằng này, ở chung cư thành phố, chẳng có ai để giao lưu, trò chuyện, trong khi con trai, con dâu và các cháu  đi làm, đi học đến tối mới về. Ngay cả người lớn sống cùng tầng, sát nhà nhau mà gặp nhau trong thang máy cũng cứ như kiểu không quen biết. Ðám trẻ con thì cứ về đến nhà là mở ti-vi, điện thoại, máy tính bảng…, chẳng chịu “giao lưu” với nhau, dù cùng tầng 10 cũng có mấy đứa bạn trạc tuổi cháu ông Hoàng.

Có lần, ông Hoàng hỏi anh Ðạt: “Ở đây các con sống không có hàng xóm, láng giềng gì à? Bố thấy mọi người dù gần nhà mà như xa ngõ ấy!”. Anh Ðạt cười: “Thành phố mà bố, ai cũng thế cả! Ðây lại là chung cư cao cấp, người ta càng ít qua lại, giao lưu với nhau”. Nghe con trai nói, ông Hoàng buồn rầu bảo: “Có câu bán anh em xa, mua láng giềng gần. Ở dưới quê, hồi các con còn nhỏ, lần nào các con ốm, bác Liên hàng xóm cũng chạy sang thăm hỏi, cho cân đường, quả trứng gà. Rồi có lần bác Liên ốm, chồng lại đi công tác xa, chẳng phải mẹ con đã xin nghỉ việc chăm sóc đấy sao. Sống ở đâu cũng phải có hàng xóm, láng giềng chứ!”. Dường như cũng không muốn giải thích với bố nhiều, anh Ðạt chỉ buông một câu: “Cuộc sống bây giờ không như trước bố ạ!”, rồi lảng sang chuyện khác...

Một hôm, ông Hoàng ở nhà với cháu, vợ chồng anh Ðạt đi làm chưa về. Ðang nấu ăn, bỗng dưng khói từ chiếc bếp điện bốc lên nghi ngút, rồi còi báo cháy kêu inh ỏi. Ðứa cháu sợ quá khóc thét lên, ông Hoàng lại càng cuống, không biết phải làm sao. Rất may, anh hàng xóm ở bên cạnh nghe thấy, chạy sang bế đứa cháu chạy nhanh ra ngoài, rồi quay vào dìu ông Hoàng đang ho sặc sụa. Mãi một lúc sau, khi ông cháu hoàn hồn thì anh Ðạt mới về. Sau khi cảm ơn anh hàng xóm, ông Hoàng quay lại bảo với con trai: “Ðấy, con xem, không có hàng xóm thì hai ông cháu chẳng biết phải làm thế nào. Ở đâu cũng phải có hàng xóm, láng giềng để còn “tắt lửa tối đèn” có nhau chứ!”.

Biết được đầu đuôi câu chuyện, anh Ðạt quay lại cảm ơn người hàng xóm tốt bụng, hỏi han nhau rồi hẹn lúc nào rảnh thì qua nhà nhau chơi. Ðến lúc đấy, anh Ðạt mới hiểu được ý nghĩa của hai từ “hàng xóm”, hai từ mà dường như trong bộn bề cuộc sống, anh đã để “gần nhà, xa ngõ”.