Đưa cổ phục Việt vào phim điện ảnh

NDO -

NDĐT - Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, sau hai năm, dự án phim Phượng Khấu - bộ phim cung đấu đầu tiên của Việt Nam đã có dịp ra mắt khán giả, dự kiến trình chiếu trên các kênh trực tuyến vào đầu năm 2020. Trong đó, việc đưa cổ phục Việt vào bộ phim lấy bối cảnh triều Nguyễn chiếm phần lớn công sức của cả ê-kíp.

Đưa cổ phục Việt vào phim điện ảnh

Khôi phục nét văn hóa cổ truyền

Với sự quyết tâm cao trong việc từng bước khôi phục trang phục truyền thống Việt Nam, để ứng dụng vào điện ảnh, đời sống cũng như sân khấu, nhóm bạn trẻ đầy tâm huyết của Công ty CP Ỷ Vân Hiên đã có dịp chia sẻ khó khăn cũng như thành công của mình trên con đường phục dựng cổ phục Việt.

Là một trong những người mong muốn giữ được giá trị cốt lõi, nét đẹp đặc trưng của văn hóa Việt trên con đường hội nhập văn hóa toàn cầu, anh Nguyễn Đức Lộc, cùng những người bạn có đam mê đã quyết định thành lập Công ty CP Ỷ Vân Hiên, hoạt động với bốn tiêu chí: Nghiên cứu, phục dựng trang phục truyền thống, các nghi lễ trong cung đình và dân gian; tái hiện kết quả nghiên cứu, phục dựng qua nghệ thuật sân khấu, điện ảnh, văn học và trình diễn; cung cấp các sản phẩm văn hóa truyền thống cho thị trường trong và ngoài nước; tư vấn về lĩnh vực văn hóa.

Đưa cổ phục Việt vào phim điện ảnh ảnh 1

Hiện nay, một trong số những nghệ nhân đặc biệt của Ỷ Vân Hiên là bà Công Tôn Nữ Trí Huệ - chắt nội vua Minh Mạng, đang sống tại TP Huế. Dựa vào trí nhớ và tay nghề, bà đã phối hợp dạy nghề, truyền lửa cho thế hệ kế cận.

Theo anh Nguyễn Đức Lộc, các sản phẩm, dịch vụ của Công ty phục vụ khách hàng với mục đích lan tỏa tình yêu văn hóa truyền thống, để những giá trị tinh hoa, đại diện cốt khí của người Việt Nam được phục dựng và chấn hưng, trở lại với đời sống văn hóa hiện đại, đồng thời góp phần quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt ra thế giới.

“Nghiên cứu, phục dựng cổ phục không được phép sai sót. Chỉ một chi tiết nhỏ bị sai cũng là có tội”, Nguyễn Đức Lộc bộc bạch. Với tư tưởng đó, suốt thời gian qua, Ỷ Vân Hiên đã từng bước bóc tách những lớp lang của lịch sử để dần phục dựng và hiện thực hóa khát khao đưa cổ phục Việt trở lại, đi vào đời sống, phim ảnh.

Nói về những khó khăn trong làm cổ phục cho các bộ phim, anh Nguyễn Đức Lộc, Giám đốc Công ty CP Ỷ Vân Hiên chia sẻ, nguồn cứ liệu để phục dựng trang phục cổ được lấy trên thư tịch, tranh ảnh và hiện vật gốc. Khi dựa vào ba nguồn này, mọi tranh cãi sẽ không còn nữa. Tuy nhiên, khi đưa vào điện ảnh, để giảm giá thành, chất liệu được sử dụng đa dạng hơn.

Đưa cổ phục Việt vào phim điện ảnh ảnh 2

Theo GS Sử học Lê Văn Lan, người trong vai trò là cố vấn chuyên môn, cổ phục từ các thời rất bao la, vì vậy, để đi đến quyết định dừng ở đâu thì người làm cổ phục cần có đầy đủ tư liệu để tạo nên bộ trang phục đúng. Và theo ông, việc dư luận hài lòng hay không về cổ phục trong một bộ phim mang đề tài lịch sử đã không còn là câu chuyện mới.

“Trang phục vừa là hình ảnh, vừa là biểu tượng, tinh kết của một thời đại, do đó cần được nghiên cứu kỹ càng và không được phép sai sót khi phục dựng, ứng dụng vào đời sống hay bất cứ lĩnh vực nghệ thuật nào. Tuy nhiên, nghiên cứu và phục dựng, đưa trang phục cổ vào điện ảnh lại là một vấn đề hoàn toàn không đơn giản”, GS Lê Văn Lan nhấn mạnh.

Đưa cổ phục Việt vào điện ảnh

Đối với dòng phim lịch sử, trang phục hoàng gia luôn thu hút sự quan tâm của công chúng. Và đây cũng là khó khăn bậc nhất của đoàn phim Phượng Khấu. Nhóm Ỷ Vân Hiên và nghệ nhân Vũ Kim Lộc đảm trách vai trò nghiên cứu, thiết kế và chế tác phỏng dựng trang phục triều Nguyễn cho đoàn phim.

Những bộ áo Nhật Bình, mũ mão thời nhà Nguyễn đều được tái hiện một cách công phu bên cạnh những phong cách trang điểm rất sát với những tài liệu lịch sử để lại.

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh chia sẻ, dự tính sẽ có trên 200 bộ phục trang cho gần 100 nhân vật trong phim “Phượng Khấu”. Ở những đại cảnh như đám tang vua Minh Mạng hay lễ thiết triều của vua Thiệu Trị, những bộ phục trang cùng hỗ trợ của kỹ xảo sẽ giúp tạo độ hoành tráng, hấp dẫn cho phim. Mặc dù vậy, với những thách thức rất lớn về kinh phí, chỉ có khoảng 35% bộ trang phục được thêu, còn lại là in để giảm giá thành. “Dù in hay thêu thì độ chân xác, mãn nhãn về trang phục cũng là yếu tố hứa hẹn thành công, hấp dẫn cho phim. Ở đó, khán giả sẽ nhận thấy một phần của những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam mà không gì có thể thay thế được...”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh tâm sự.

Đưa cổ phục Việt vào phim điện ảnh ảnh 3

Đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết, dẫu trang phục của Phượng Khấu sẽ có khả năng gây tranh cãi, nhưng ê-kíp cũng chỉ biết cố gắng bám sát với các cứ liệu lịch sử nhất có thể và mong khán giả đón nhận cởi mở.

Với đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh, khi bắt tay vào thực hiện bộ phim lịch sử, ông biết mình đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Mà khó khăn lớn nhất chính là trang phục của diễn viên sao cho trúng và đúng với thời đại mà bộ phim đề cập.

“Có người hỏi tôi vì sao phim giải trí mà lại cầu kỳ về trang phục như thế. Tôi nghĩ rằng chính trang phục là yếu tố thể hiện rõ nét nhất những đặc sắc, tinh hoa trong văn hóa thời Nguyễn”, đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh cho biết.

Phượng Khấu là một dự án web drama được đạo diễn Huỳnh Tuấn Anh thực hiện, anh từng nổi tiếng với nhiều dự án mang đậm nét văn hóa Việt như Gạo Chợ Nước Sông, Lô Tô... Bộ phim xoay quanh câu chuyện về cuộc đời của Nghi Thiên Chương Hoàng hậu (còn được gọi với tôn hiệu Từ Dụ Hoàng Thái hậu), bên cạnh khai thác những câu chuyện tranh đấu hậu cung dưới thời vua Thiệu Trị (1840 - 1847), do nhóm Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi viết kịch bản.

Phim có sự tham gia của các tên tuổi gạo cội như: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSND Hồng Vân, nghệ sĩ Hồng Đào, Quang Minh, Kiều Trinh, Thanh Tú... Phim được kỳ vọng sẽ là một món ăn tinh thần cho khán giả Việt và truyền bá kiến thức về văn hóa, lịch sử nước nhà đối với người xem.