Đón “Xuân vùng cao” tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam

NDO -

NDĐT – Tháng 1 năm nay, chủ đề hoạt động của Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam là “Xuân vùng cao” với nhiều chương trình, sự kiện phong phú, hấp dẫn. Tháng “Xuân vùng cao” kéo dài đến hết 31-1.

Du khách vui chơi tại Làng.
Du khách vui chơi tại Làng.

Năm nay, các hoạt động của “Xuân vùng cao” thu hút sự tham gia của hơn 100 đồng bào 15 dân tộc (Tày, Dao, Mông, Nùng, Thái, Mường, Ơ Đu, Khơ Mú, Ba Na, Tà Ôi, Cơ Tu, RagLai, Ê Đê, Khmer), 12 địa phương (Thái Nguyên, Hà Nội, Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Ninh Thuận, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Sóc Trăng) và điểm nhấn là các địa phương có đồng bào hoạt động hằng ngày.

Tháng “Xuân vùng cao” sẽ có một số hoạt động hấp dẫn như tái hiện Lễ giải hạn đầu năm của đồng bào dân tộc Tày, Nùng tỉnh Thái Nguyên vào lúc 9 giờ sáng 11-1 tại không gian làng dân tộc Tày, Khu các làng dân tộc I. Lễ giải hạn đầu năm nhằm xua đuổi đi cái xấu, cầu mong năm mới an lành, mọi việc hanh thông, thuận lợi. Đầu năm đồng bào thường mời then, giàng (pựt), tào… (gọi chung là thầy) về nhà hoặc đến nhà thầy làm lễ giải hạn để giảm bớt các rủi ro, vận hạn, bệnh tật, cầu mong an lành cho cả năm. Đây là một phong tục, hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng dân gian đã tồn tại lâu đời, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến nay, vẫn được bảo tồn, lưu giữ.

Ngoài ra, du khách đến Làng dịp này còn được tham gia nhiều hoạt động thú vị như giới thiệu nghi thức “Lẩu Then” của bà con dân tộc Tày, các tiết mục dân ca dân vũ, trò chơi dân gian, sản vật truyền thống, các món ăn ngày xuân, Gói bánh chưng xanh cùng người nghèo ăn Tết…

Đón “Xuân vùng cao” tại Làng Văn hóa Du lịch các dân tộc Việt Nam ảnh 1

Nghệ nhân chuẩn bị làm pháo đất.

Đặc biệt, vào đúng Tết Nguyên Đán, tại Làng sẽ diễn ra Hoạt động tâm linh Chúc phúc đầu năm mới và “Bát hội đầu xuân” vào đêm 30 và sáng mùng 1 Tết tại chính điện chùa Khmer, chùa Pháp Ấn. Đại đức trụ trì chùa Khmer và các nhà sư tụng kinh chúc phúc cầu an cho phật tử, du khách dịp đầu năm mới và cột chỉ tay dịp đầu năm mới. Ngày mùng 5 Tết là hành trì bình khất thực đầu Xuân để mang đến sự may mắn, an lành, tĩnh tâm cho tất cả mọi người.

Trong các dịp cuối tuần, tại Làng vẫn có các hoạt động của đồng bào các dân tộc như múa xòe, nhảy sạp, hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng, nghệ thuật hát then, đàn tính, các điệu múa chuông, múa rùa, tìm hiểu văn hóa ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc: xôi đồ, thịt gà nấu măng, cá ốt đồ, rau đồ, cá nướng, các món ăn từ thịt lợn, xôi màu… của dân tộc Mường; khâu nhục, cá om măng chua, lạp sườn, thịt gác bếp, măng nhồi… của dân tộc Tày; cá nướng, gà nướng, xôi màu…của dân tộc Thái, các hoạt động khác: hái chè, dệt vải, chế tác nhạc cụ, đan lát đồ thủ công, nấu rượu, chế biến thuốc Nam...

Du khách còn có thể tham gia chương trình du lịch Homestay để trải nghiệm tại nhà Mường, nhà Tày và một số nhà dân tộc phong tục đón Tết truyền thống.

Các trò chơi dân gian truyền thống được đẩy mạnh giới thiệu cho du khách như trò ném pao, nhảy sạp, đi cà kheo, kéo co, bập bênh, đánh đu được liên tục sửa sang trang trí để thu hút khách; đồng bào cùng hướng dẫn du khách trải nghiệm để hòa cùng với không khí vui tươi ngày xuân.