Đôi chân huyền thoại đã về núi Mẹ

NDO -

Bưu tá Anh hùng lao động Cil Múp Ha Kriêng, cánh chim phí tung bay một thời giữa đại ngàn Tây Nguyên, đôi chân trần huyền thoại từng vượt quãng đường bằng năm vòng trái đất, đã không còn “theo dấu chân cha ông từng ngày” để cùng đọc những lá thư bên bếp lửa gọi chiều của bà con buôn làng xa xôi... Anh đã về núi Mẹ LangBiang vào ngày 6-4, sau thời gian dài mang căn bệnh nghiệt ngã.

Đôi chân huyền thoại vượt núi, băng rừng.
Đôi chân huyền thoại vượt núi, băng rừng.

Cơn mưa trái mùa như trút nước, trắng nhòa buôn làng B’Nơh C, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Từ giờ, không còn được nghe Ha Kriêng kể tiếp chuyện xưa, chuyện nghề đưa thư một thời lội suối, băng rừng, chuyện của bà con buôn làng Cơ Ho dưới chân dãy LangBiang huyền thoại nữa.

Ha Kriêng sinh năm 1957. Năm 1982, anh được nhận vào công tác tại Tổ vận chuyển thư báo thuộc Bưu điện huyện Lạc Dương, đảm trách ba tuyến đường thư từ trung tâm huyện đi Đạ Chais, Băng Tiêng, Đầm Ròn. Không có phép màu của chú bé mang đôi hia bảy dặm để vượt núi, băng rừng, anh chỉ có đôi chân trần khỏe mạnh của chàng trai miền sơn cước và sự đam mê nghề nghiệp. Trong suốt 13 năm không ngơi nghỉ, Bưu tá Anh hùng Lao động Cil Múp Ha Kriêng đã vượt hàng vạn km đường rừng, đối mặt với khó khăn, hiểm nguy, trong những cơn đói khát và sốt rét rừng để “nối” những buôn làng hẻo lánh với thế giới bên ngoài.

Năm 2010, đang mạnh khỏe như con nai rừng Ha Kriêng đột nhiên ngã quỵ, đôi mắt tinh anh ngày nào giờ không thấy nổi dãy LangBiang trước mặt. Chị K’Hai, vợ Ha Kriêng đượm buồn: Ổng đang đi làm bình thường rồi thấy đau cái đầu, mắt mờ đi. Thế là báo cho đơn vị để đưa đi chữa trị. Bệnh viện Bưu điện ở Sài Gòn nói Ha Kriêng bị u trong não. Từ ngày đó, Ha Kriêng bị giảm trí nhớ, mắt mờ dần và đã đi lạc nhiều lần. Có lần lạc đến Bến xe miền Đông ở TP Hồ Chí Minh, may còn nhớ số điện thoại nhà để gọi về… Từ ngày bị bệnh, Ha Kriêng phải ngồi xe lăn và K’Hai lại kể tiếp câu chuyện “đôi chân huyền thoại”. “Cũng may, nhờ ngành bưu điện, tình yêu thương của bà con buôn làng mà Ha Kriêng đủ nghị lực để chống chọi bệnh tật, ở lại với mẹ con mình được chừng ấy…”, chị K’Hai trải lòng.

Trở lại chuyện đường thư, quãng đường mà Ha Kriêng vượt qua cộng lại bằng năm vòng chu vi trái đất. Kỳ tích này đã làm sửng sốt tất cả đại biểu tham dự Đại hội Thi đua toàn quốc tổ chức tại Hà Nội năm 2000, khi nghe bản báo cáo tóm tắt, kể chuyện cắt rừng, băng núi để đưa công văn, tài liệu, thư từ… được bưu tá Ha Kriêng trình bày trước khi được trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới” vào năm 2001.

Ha Kriêng từng kể với tôi, tuyến đường thư ngắn nhất, dễ đi nhất là Lạc Dương - Păng Tiêng cũng phải mất 12 giờ đi bộ, vừa đi vừa về. Còn tuyến gian khổ, nguy hiểm nhất là tuyến Lạc Dương - Đầm Ròn, với chiều dài đi tắt băng rừng khoảng 70 km và đi bộ mất 24 giờ… Do anh là người dân tộc bản địa, thông thạo đường rừng, lúc ấy còn trẻ, sức khỏe tốt, đôi chân còn dẻo dai nên Ha Kriêng thường xuyên được phân công đảm trách tuyến đường thư này. 

Để vận chuyển thư báo từ Lạc Dương vào Đầm Ròn, Ha Kriêng và đồng nghiệp phải lên đường từ 5 giờ sáng và đi bộ đến hơn 17 giờ chiều mới tới nơi. Ngoài chuyện cắt rừng, họ còn phải vượt qua nhiều đèo, dốc. Dốc Trời, là con dốc để lại nhiều ấn tượng, khi lên mất khoảng 90 phút, lúc xuống khoảng 50 phút, dốc này dựng đứng, nhiều đoạn phải bám vào cành hay rễ cây rừng mà leo, người đi sau chỉ thấy chân người đi trước vì quanh năm sương mù dày đặc… qua dốc Đá, rồi vượt núi Lâm Brun, dưới đó là dòng suối sâu, nước chảy xiết trong mùa mưa, để qua suối, các anh phải đốn cây rừng làm cầu tạm. Cứ thế, ngày ngày, tháng tháng họ cùng nhau vượt núi, băng rừng đưa công văn, thư báo, tài liệu… Trên suốt đường đi, họ còn phải đối phó với thú dữ, vắt và sốt rét rừng. 

Tôi từng công tác trong ngành bưu điện, sau đó chuyển sang làm báo và đi khá nhiều với anh em bưu tá, nên cũng khá rõ chuyện. Ngày đó, mỗi bưu tá được phát một đôi giày ba-ta, nhưng chỉ đi vài đợt là hư. Anh em tự tạo loại dép có đế bằng vỏ xe hơi, quai là dây cao su hoặc sợi mây rừng. Nhưng Ha Kriêng bảo, đi chân trần vẫn “bền” và tiện nhất, bởi có thể bám vào đá trơn, dù không ít lần bật máu... Bên cạnh sự hiểm nguy của địa hình, ở vùng này từ năm 1975 đến 1985 là trung tâm hoạt động của Fulro. Trước khi đi, Ha Kriêng phải “đóng khố, vai trần” như chàng trai Cơ Ho đi rừng. Công văn, tài liệu thì giấu dưới đáy gùi (gùi hai lớp), phía trên “ngụy trang” mấy thứ thiết yếu để “che mắt” Fulro, nếu lỡ gặp chúng. 

Đôi chân huyền thoại đã về núi Mẹ -0
Bưu tá Ha Kriêng đưa thư đến vùng sâu.

Ngày đó, anh em bưu tá đảm trách tuyến đường thư này đều có chung tâm trạng rất sợ bị phục kích, sự căng thẳng luôn chực chờ trên mỗi chuyến đi. Tổ của Ha Kriêng có hai đồng nghiệp đã ở lại mãi mãi giữa đại ngàn… Nhiều lúc khổ quá, căng thẳng quá, anh cũng muốn bỏ đơn vị về làm cái rẫy, cái nương sống với vợ con cho đỡ vất vả. Nhưng rồi nghĩ đến đồng đội, đồng bào, họ luôn đói cái ăn, thiếu cái áo, cái thư, cái chữ và những lần anh đưa cái thư, cái tin đến cho họ, họ mừng lắm, họ quý lắm… vậy là anh lại tiếp tục với công việc.

Giờ đây, trên con đường của buôn B’Nơh C mỗi chiều chưa tắt nắng, không còn thấy người con ưu tú của buôn làng trên chiếc xe lăn. Đôi chân huyền thoại một thời đã ngơi nghỉ. Buôn làng không còn nghe Ha Kriêng tiếng gọi: Nhà có thư nè!