Văn hóa và phát triển

Độc đáo hành trình hội họa Sơn ta

Bằng tình yêu nghệ thuật sơn mài truyền thống với chất liệu sơn ta độc đáo, nhiều năm qua, nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam (nhóm Sơn ta) đã có những nỗ lực kế thừa, sáng tạo làm mới chất liệu truyền thống, đưa hội họa sơn mài đến những biên độ biểu đạt mới mẻ, hấp dẫn.

Khách xem triển lãm lần thứ 5 năm 2020 của nhóm Họa sĩ Sơn ta Việt Nam.
Khách xem triển lãm lần thứ 5 năm 2020 của nhóm Họa sĩ Sơn ta Việt Nam.

Một triển lãm giàu bứt phá 

Khai mạc vào một ngày hè tháng 6 oi nồng tại Trung tâm triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh phố Hàng Bài, Hà Nội, triển lãm định kỳ lần thứ năm của nhóm đồng thời cũng “nóng” với lượng khách đến quá đông; cho thấy không chỉ do “quan hệ rộng”, mà còn bởi cả sức hút của những tên tuổi nhóm Sơn ta đối với giới chuyên môn và những người yêu hội họa. 18 tác giả góp mặt tại triển lãm lần này là những cái tên quen thuộc, từ lứa tuổi 40 đến ngoài 60, từng có mặt từ ngày đầu nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam thành lập. Hơn 50 tác phẩm về đề tài thiên nhiên, con người, cuộc sống đời thường; được biểu đạt qua các trường phái, phong cách khác nhau; song tất cả đều hướng đến những nỗ lực tìm tòi, khai phá cho một loại hình, chất liệu truyền thống vốn là niềm tự hào của mỹ thuật Việt Nam. 

Sơn mài vốn được cho là khó đem lại cảm giác mềm mại, phóng khoáng, gây rung động tức thì như các chất liệu khác; do đặc thù về chất liệu, bảng mầu, kỹ thuật nên phần nào hạn chế ý đồ nghệ thuật và phong cách của người sáng tác. Tuy nhiên, các họa sĩ nhóm Sơn ta đã nỗ lực vượt lên sự “gò bó” của loại hình để làm mới mình và đem đến những ấn tượng thị giác mới lạ, hiện đại hơn trong khi vẫn phát huy được thế mạnh của các tiêu chí về độ bóng, nhẵn, sâu của tranh sơn mài. Đó là Đỗ Đức Khải biến hóa linh hoạt trong bảng mầu, hình mảng khi chắc khỏe, khi mềm mại, khi tỉ mỉ đến từng đường nét, chi tiết qua tác phẩm Sen 2. Là Trần Tuấn Long với những con sóng cuồn cuộn gầm gào trong Biển đêm. Tác phẩm Men của Trần Phi Trường diễn tả tình yêu mộc mạc bên vườn chuối, dòng sông; kết hợp các mảng mầu đỏ, đen, vàng gây ấn tượng thị giác mạnh. Đặng Hiền giàu nữ tính qua Khu vườn bên sông đầy tĩnh lặng, mộng mơ. Nguyễn Thu Trang với cặp đôi tác phẩm Thế giới bí ẩn bằng lối vẽ siêu thực, gửi gắm thông điệp cần gìn giữ sự trong lành của thiên nhiên. Chu Viết Cường cùng những bức tranh bản làng miền núi trong trẻo như sương sớm… 

Bên cạnh những tác phẩm đặc tả theo phong cách hiện thực là một vệt tranh biểu tượng do các họa sĩ tận dụng hiệu ứng sâu thẳm của tranh sơn mài để gửi gắm nội tâm. Đó là các tác phẩm Giếng và Bóng của Phùng Huy với lối thể hiện tối giản, bảng mầu trầm lặng; cách khắc họa bóng ghế và giếng nước như những biểu tượng khiến bức tranh vừa toát lên nét hiện đại, vừa dẫn dụ người xem phải dụng tâm khám phá. Tranh của Trần Phi Trường, Nguyễn Trường Linh… ẩn chứa những mật mã hấp dẫn qua các biểu tượng đậm chất dân gian như chim muông, phụ nữ, thiên nhiên… 

Một số họa sĩ từng quan tâm hoạt động của nhóm Sơn ta thời gian qua nhận xét, kế thừa những thành công từ các triển lãm trước, triển lãm lần này của nhóm đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ; thể hiện sức bền của một “đội ngũ”, hành trình khi luôn duy trì được quân số, sáng tác và thêm những gương mặt mới, trẻ với 50% số thành viên nhóm thuộc thế hệ 8X. Tuy nhiên, những chủ đề quen thuộc như thiên nhiên, thiếu nữ, làng quê vẫn là chủ đạo; còn thiếu hình ảnh về cuộc sống đương đại và gương mặt những con người hôm nay.

Lan tỏa vẻ đẹp sơn ta truyền thống 

Năm 2013, từ ý tưởng của họa sĩ Nguyễn Đức Việt, nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam được thành lập với sự tham gia của những họa sĩ cùng chung đam mê hội họa sơn mài và sử dụng sơn ta truyền thống. Tự gọi bằng cái tên “Sơn ta”, nhằm mục đích gắn với việc sáng tác theo cách để tranh của họ không lẫn với các loại tranh làm từ sơn công nghiệp của Nhật Bản hay một số nước khác, vốn không chế từ cây sơn và cách làm đơn giản hơn nhiều. 

Triển lãm đầu tiên “trình làng” rôm rả với sự góp mặt của khoảng 50 nghệ sĩ và nghệ nhân các làng nghề Kiêu Kỵ, Hạ Thái và Chuyên Mỹ (Hà Nội); các nghệ nhân sơn mài và sản xuất quỳ, vàng bạc và các vùng trồng sơn ta tại Phú Thọ. Từ triển lãm này, 30 tác phẩm được chọn tham dự Triển lãm tranh sơn mài Việt Nam trong Những ngày văn hóa Việt Nam tại Nga vào năm 2014. Tiếp đó, triển lãm lần thứ hai năm 2015 đánh dấu những giá trị tạo hình khi cởi mở hơn cả về chủ đề và sự đa dạng của các phong cách như siêu thực, trừu tượng, ấn tượng. Triển lãm lần thứ ba năm 2016 có nhiều tác phẩm khổ lớn với những thể nghiệm mới cho sơn mài. Triển lãm lần thứ tư năm 2018 chủ đề Lam tạo được dấu ấn đặc biệt khi các họa sĩ đã đẩy giới hạn tìm tòi sáng tạo của họ bằng cách sử dụng các hòa sắc xanh, lam hòa với sơn ta; sơn ta trộn với mầu bột - một hòa sắc hiếm trong sáng tác tranh sơn mài truyền thống. Và tháng 6 năm nay, triển lãm lần thứ năm đánh dấu sự trở lại đầy chất thơ, kết hợp tinh tế giữa sáng tạo với phát huy sự phá cách trong nghệ thuật thị giác và nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam. 

Chủ nhiệm nhóm họa sĩ Sơn ta Việt Nam là họa sĩ Nguyễn Trường Linh, Trưởng Khoa Mỹ thuật Trường cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Hà Nội, người tham gia thành lập và đồng hành với nhóm từ những ngày đầu. Trường Linh cho biết, để duy trì, thắp lửa cho nhóm hoạt động bền bỉ và tỏa sáng thời gian qua là nỗ lực, tâm huyết của những họa sĩ nòng cốt trong nhóm. Nhóm Sơn ta quy tụ khoảng 30 thành viên ở các lứa tuổi, thành phần. Người cao tuổi nhất là giáo viên dạy Toán Đặng Khánh Hội đã ngoài 70, chuyên phong cách hiện thực với những bức tranh về phong cảnh thiên nhiên, con người. Nữ họa sĩ trẻ nhất thuộc thế hệ 8X là Nguyễn Tú Quyên, sinh năm 1988, một cô giáo dạy vẽ cho các em nhỏ; sáng tác theo lối trang trí với những tác phẩm về tình yêu, thiên nhiên và loài vật. Qua giai đoạn đầu tích cực, có thời kỳ nhóm tưởng chừng phải giải thể bởi nhiều nguyên nhân. Song nhờ sự kiên trì, bền bỉ của các nghệ sĩ “hạt nhân” và tình yêu mãnh liệt với hội họa sơn mài, sơn ta truyền thống mà mọi người cùng nhau trụ lại, tiếp tục vươn lên. Vào năm 2016, Bảo tàng Ottchile, Pusan, Hàn Quốc tổ chức triển lãm quốc tế sơn mài gồm bốn quốc gia: Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc; sau đó Truyền hình quốc gia Hàn Quốc đã đến các quốc gia tìm hiểu những nét đặc trưng của sơn mài mỗi quốc gia để làm bộ phim tài liệu về nghệ thuật sơn mài châu Á. Sự kiện này đã tạo một cú huých đối với nghệ thuật sơn mài Việt Nam nói chung và nhóm Sơn ta nói riêng, để từ niềm tự hào về một loại hình, chất liệu nghệ thuật truyền thống độc đáo, họ lại cùng nhau thắp sáng ngọn lửa đam mê, tiếp tục hành trình. Đến nay, nhóm duy trì được quân số và hoạt động đều đặn. Ban Chủ nhiệm gồm các họa sĩ: Nguyễn Trường Linh, Đỗ Đức Khải, Nguyễn Đức Việt, Nguyễn Thu Trang, Nguyễn Tú Quyên; thường xuyên đứng ra tổ chức các hoạt động định kỳ như họp nhóm, xem xưởng vẽ của các thành viên, đến các làng nghề tư vấn, hỗ trợ kinh nghiệm; tổ chức các triển lãm trong nước đồng thời tham gia triển lãm, giao lưu, quảng bá, đưa sơn mài truyền thống Việt Nam ra nước ngoài… Dự kiến, năm 2021, nhóm sẽ tổ chức triển lãm ở TP Hồ Chí Minh; mở rộng hoạt động đến một số địa phương như Lạng Sơn, Hải Phòng…; mời họa sĩ các nước, vùng lãnh thổ như Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc tham gia triển lãm. Đặc biệt, ý tưởng đưa nghệ thuật hội họa vào mỹ nghệ, đưa các sản phẩm mỹ nghệ sơn mài thành tác phẩm tạo hình có giá trị là điều nhóm đang hướng tới trong hành trình sát cánh cùng các làng nghề truyền thống thời gian tới.

Chất liệu sơn ta góp phần quan trọng làm nên tranh sơn mài Việt Nam từng được thế giới rất yêu thích, là tiếng nói đặc sắc riêng biệt của hội họa nước nhà. Lịch sử mỹ thuật Việt Nam từng lưu dấu những tác phẩm tranh sơn mài vô giá của nhiều danh họa thời kỳ Mỹ thuật Đông Dương, như: Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Tô Ngọc Vân, Phan Kế An... Trong bối cảnh nhiều họa sĩ có xu hướng chạy theo thị trường đã sử dụng sơn công nghiệp, sơn pha chế, thậm chí bỏ hẳn công đoạn mài tranh nhằm cho sản phẩm ra đời và tiêu thụ nhanh, việc sử dụng sơn ta chính là một nỗ lực bảo tồn nghệ thuật truyền thống đáng quý; đồng thời góp phần hỗ trợ các vùng trồng và sản xuất sơn ta trong nước duy trì, phát triển. 

Đánh giá cao sự đóng góp của nhóm Sơn ta trong hội họa sơn mài Việt Nam, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn khẳng định: Các họa sĩ nhóm Sơn ta đã đem đến sự thay đổi “đĩa màu” cho sơn mài hiện đại khi đưa những gam mầu lạnh, các sắc xanh như lam, chàm, lá cây, lục vào sơn mài một cách hiệu quả mà vẫn giữ được đặc trưng, thế mạnh của sơn ta. Đáng nói, trong bối cảnh chất liệu sơn ta truyền thống ít và ngày càng khó về khả năng biểu đạt, họ đã thành công khi “Việt hóa” các chất liệu sơn ngoại để tiếp tục mở ra hướng đi đầy triển vọng cho nghệ thuật sơn mài Việt Nam.