Dịch giả Đoàn Tử Huyến qua đời

NDO -

8 giờ sáng nay 22-11, dịch giả Đoàn Tử Huyến đã đột ngột qua đời tại thị xã Sơn Tây (Hà Nội). 

Dịch giả Đoàn Tử Huyến. Ảnh: FB nhân vật.
Dịch giả Đoàn Tử Huyến. Ảnh: FB nhân vật.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến sinh năm 1952 tại Hà Tĩnh. Ông tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp ở Liên Xô. Ông từng là giảng viên văn học Nga Trường Đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, biên tập văn học Nhà xuất bản Lao Động.

Ông cũng từng là ủy viên Hội đồng Văn học dịch (Hội Nhà văn Việt  Nam), Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn học nước ngoài. Hiện nay ông là Chủ tịch Hội đồng Văn học nước ngoài, Hội Nhà văn Hà Nội.

Dịch giả Đoàn Tử Huyến được biết đến với rất nhiều tác phẩm đưa bạn đọc đến gần hơn với nền văn học bác học của thế giới như “Diễn từ của các nhà văn Nga đoạt giải Nobel”, “Các nhà thơ đoạt giải Nobel”, Các nhà văn đoạt giải Nobel”, “108 nhà văn thế kỷ 20”… Ngoài ra, ông còn đem đến cho bạn đọc những tác phẩm nổi tiếng như “Tiếng gọi vĩnh cửu” (tiểu thuyết của Ivanov), “Kỳ lạ thế đấy cuộc đời này” (tiểu thuyết của D.Granin), “Nhật ký vũ trụ của Ion lặng lẽ” (chuyện giả tưởng của S.Lem), “Nghệ nhân và Margarita” (tiểu thuyết của M.Bulgacov)...

Ngoài vai trò dịch giả, ông còn biên soạn và dịch chung nhiều tác phẩm khác, trong đó có tiểu thuyết “Bố già” (tác giả Mario Puzo, dịch chung với dịch giả Trịnh Huy Ninh); “Người đàn bà mà tôi ruồng bỏ” (dịch chung với Hoàng Thái); “Cái chuông điện” (dịch chung với Nguyễn Đình Tài; Vũ Quần Phương giới thiệu); sưu tầm và biên soạn “Trịnh Công Sơn, một người thơ ca một cõi đi về” cùng Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Thụy Kha...

Ông từng được trao Giải thưởng Văn học dịch (Hội Nhà văn 1990 - 1991) cho tác phẩm “Nghệ nhân và Margarita” (tiểu thuyết của M.Bulgacov).

Trong sự nghiệp của ông, không thể không nhắc đến Trung tâm Văn hóa ngôn ngữ Đông – Tây, không gian sáng tạo, kết nối văn hóa dành cho các nhà văn.

Cách đây 5 năm, ông từng bị tai biến mạch máu não, phải trải qua đợt phẫu thuật và gần như mất trí nhớ. Tuy nhiên sau đó, ông đã sớm hồi phục, nhanh chóng trở lại. 

Nhà thơ, nhà giáo dục học Nguyễn Thụy Anh đã bày tỏ lòng thương tiếc dành cho dịch giả Đoàn Tử Huyến, bậc tiền bối mà chị hết sức kính trọng và coi như hình mẫu để noi theo: “Tính cách khảng khái không màng danh lợi của chú, phong thái tự do tự tại, cách sống chân tình, yêu quý bạn hữu, tôn trọng lớp trẻ của chú, sức lao động bền bỉ và mạnh mẽ của chú, phong cách làm việc chuyên nghiệp, biết lắng nghe mà không thoả hiệp của chú... không chỉ khiến cháu kính trọng chú mà còn coi chú như một chỗ dựa tinh thần trong dịch thuật”.