Di chỉ 3.500 năm tuổi sắp biến mất vĩnh viễn

NDO -

NDĐT - Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội) đang đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn chỉ trong thời gian rất ngắn nữa, bởi công trình thi công đường vành đai 3.5 đã ủi và san lấp sát phần Vườn Chuối, đồng thời, toàn bộ khu vực trung tâm di chỉ khảo cổ này đã bị chặt phá hết cây cối.

Khu di chỉ Vườn Chuối đã được rải bạt để làm đường
Khu di chỉ Vườn Chuối đã được rải bạt để làm đường

Ông Nguyễn Văn Thắng, người dân thôn Lai Xá cho biết, tại công trình đường vành đai 3.5, hiện đơn vị thi công đang san lấp vào sát đến Vườn Chuối, còn ở khu vực trung tâm, toàn bộ cây cối đã bị chặt phá hết để chuẩn bị san ủi. “Vườn Chuối hiện tại đã bị san nền, trải bạt, đổ cát lót đường, chỉ vài ngày nữa là có nguy cơ vĩnh viễn bị chôn vùi dưới nền đường” - ông Nguyễn Văn Thắng xót xa cho biết.

Di chỉ 3.500 năm tuổi sắp biến mất vĩnh viễn ảnh 1

Cây cối bên trong Vườn Chuối đã bị chặt hạ.

Được biết, trước đó, ngày 8-4, Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Hà Nội đã có văn bản gửi UBND huyện Hoài Đức, nêu rõ, di chỉ khảo cổ Vườn Chuối là một trong những địa điểm khảo cổ thuộc giai đoạn văn hóa Đồng Đậu trên địa bàn Hà Nội. Hiện tại, chỉ giới dự án mở đường 3.5 do UBND huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư có đi qua một phần khu khảo cổ học Vườn Chuối. Để chủ động phối hợp giữa các bên liên quan, Sở VHTT Hà Nội đề nghị trong quá trình thực hiện dự án mở đường 3.5, UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo chủ đầu tư phối hợp với Sở VHTT, Viện Khảo cổ học và các đơn vị liên quan quản lý, bảo vệ hiện trạng mặt bằng di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối, giải quyết những phát sinh theo các quy định của pháp luật về công tác thăm dò, khai quật khảo cổ học trên địa bàn Thành phố và tiến độ thực hiện dự án.

Di chỉ 3.500 năm tuổi sắp biến mất vĩnh viễn ảnh 2

Xe, máy đang san ủi mặt bằng tại Vườn Chuối.

Sở cũng đề nghị UBND huyện Hoài Đức chỉ đạo chủ đầu tư cung cấp các mốc chỉ giới Dự án mở đường 3.5 trên hiện trường khu di chỉ Vườn Chuối để Sở có phương án ưu tiên khai quật những địa điểm mà dự án sẽ đi qua, bảo đảm tiến độ thực hiện dự án đúng quy định. Đồng thời, Sở Văn hóa và Thể thao cung cấp bản đồ vị trí thăm dò, khai quật khảo cổ di chỉ Vườn Chuối để chủ đầu tư dự án đường 3.5 căn cứ xác định mốc giới trên hiện trường, thống nhất phương án và kế hoạch triển khai thực hiện.

Di chỉ 3.500 năm tuổi sắp biến mất vĩnh viễn ảnh 3

Ông Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, đầu tháng 4, đơn vị thi công khi di chuyển vị trí một số ngôi mộ đã tìm thấy một số hiện vật bằng sứ và đồng. Người quản trang đã chôn lấp tạm thời các hiện vật này tại nghĩa trang và liên hệ với Ban Quản lý di tích, danh thắng Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội xuống nghiên cứu, tiếp nhận.

Ông Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, đến nay chưa thấy cơ quan chức năng xuống khảo sát, tìm hiểu thực tế tại Vườn Chuối, còn công trình thi công thì vẫn đang ngày đêm xúc tiến, khiến di chỉ khảo cổ 3.500 năm này đứng trước nguy cơ bị xóa sổ.

Di chỉ 3.500 năm tuổi sắp biến mất vĩnh viễn ảnh 4

Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối thuộc địa phận làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, có tổng diện tích 19.000 m2, được khai quật lần đầu tiên vào năm 1969. Đây là nơi người Việt cổ từng sinh sống trước kia, trải dài suốt 3.500 năm với dấu ấn các nền văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun cho đến Đông Sơn. Những hiện vật tìm thấy được ở đây vô cùng phong phú, từ đồ đá, đồ đồng, đồ gốm cho đến đồ gỗ.

Trước đó, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành văn bản về việc bảo tồn di chỉ khảo cổ này. Theo đó, Hà Nội giao UBND huyện Hoài Đức chủ động phối hợp các đơn vị liên quan trong việc bảo vệ, giữ nguyên hiện trạng di chỉ Vườn Chuối như hiện nay; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình cải tạo, xây dựng công trình ở các khu vực liên quan đến di chỉ.

Di chỉ 3.500 năm tuổi sắp biến mất vĩnh viễn ảnh 5

Được biết, tối qua 18-4, khi đơn vị thi công đào múc mặt bằng, đã tiếp tục làm phát lộ một số hiện vật khảo cổ.

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối lại kêu cứu

Di chỉ khảo cổ 3.500 năm kêu cứu

Yêu cầu kiểm tra thông tin san lấp di chỉ khảo cổ Vườn Chuối

Từ vụ di chỉ Vườn Chuối: Cần phải có quy hoạch khảo cổ