Đêm nhạc Hoàng Dương: Nỗi buồn sang trọng

NDO - NDĐT – Không quảng bá ồn ào, đêm nhạc mừng “lên lão 80” của nhạc sĩ Hoàng Dương tối 2-10 tại Nhà hát Lớn TP Hà Nội vẫn chật kín khán giả. Cùng với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và các giọng ca Trọng Tấn, Đăng Dương, Mỹ Linh, Thanh Lam, Tùng Dương… những nhạc phẩm của một thời xa vắng đã được hát lên, phảng phất một nỗi buồn sang trọng…
Nhạc sĩ Hoàng Dương với khán giả.
Nhạc sĩ Hoàng Dương với khán giả.

Nhắc đến Hoàng Dương - mọi người sẽ nhớ ngay đến “Hướng về Hà Nội”. Có lẽ, cũng không nằm ngoài suy nghĩ đó, những người tổ chức lấy tên bài hát này làm tiêu đề của chương trình mừng sinh nhật nhạc sĩ (12-10), cũng vừa vặn tổ chức tại Hà Nội vào tháng 10. Tuy thế, trong gia tài âm nhạc của Hoàng Dương, phần ca khúc chỉ chiếm rất nhỏ. Ông chủ yếu viết khí nhạc. Rất nhiều những tác phẩm mà ông tâm đắc chưa từng được công bố.

41939.jpg

Ca sĩ Đăng Dương với "Tím chiều" mộng mơ và sang trọng

Mặc dù vậy, trong chương trình này, phần lớn những tác phẩm được trình diễn vẫn là ca khúc. Chỉ có ba tác phẩm khí nhạc là Vũ khúc H’rê (Dàn cello), Hát ru (cello Trần Thị Mơ) và Tiếng hát sông Hương (cello Ngô Hoàng Quân). Vậy mà kể cả ca khúc, thì phần lớn những bài hát được trình diễn tối qua cũng hiếm hoi được nghe, cho dù hàng đêm show lớn show nhỏ liên tiếp trên các sân khấu âm nhạc ở Hà Nội. Tiếc thu, Tiếng mưa rơi, Tím chiều, Tình ca, Đôi mắt đen, Tiếng hát anh tìm em… với rất nhiều khán giả, có lẽ là được nghe lần đầu. Những giai điệu đẹp, đậm chất cổ điển phương Tây, phảng phất u hoài của bolero tiền chiến đã làm nên một Hoàng Dương với nỗi buồn sang trọng.

Cũng có thể nói như vậy về đêm nhạc đặc biệt này. Hiếm hoi có một chương trình ca nhạc mà các ca sĩ từ đầu đến cuối đều được hát với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam. Phần phối khí của nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng và chỉ huy Tetsuji Honna, cùng với solo của các nghệ sĩ cello Ngô Hoàng Quân và Trần Thị Mơ có thể làm hài lòng những đôi tai sành âm nhạc. Dàn nhạc Giao hưởng Quốc gia Việt Nam khiến cho phần trình diễn của các ca sĩ được thăng hoa.

41938.jpg

Chỉ huy Tetsuji Honna và Ngô Hoàng Quân
trong "Tiếng hát sông Hương" (cello và dàn nhạc)

Tuy nhiên, hát với dàn nhạc chính là lúc thể hiện “đẳng cấp” của ca sĩ. Trọng Tấn, Đăng Dương gần như hoàn hảo và đạt đến độ “phiêu”. Đặc biệt nghe Trọng Tấn với Tiếng hát anh tìm em, có thể cảm nhận giọng hát và tiếng đàn hoà âm đã chạm tới sự sang trọng trong nét nhạc buồn sâu lắng của Hoàng Dương. Trong khi đó, Thanh Lam với Kỷ niệm Matxcơva và đặc biệt là với Hướng về Hà Nội lại chưa được như mong muốn khi chị thể hiện cùng dàn nhạc. Tùng Dương với Đôi mắt đen tuy đem lại cảm giác sôi nổi cho cả chương trình vốn hơi u hoài trầm lắng, nhưng lại có vẻ không được “ăn xăm” lắm với phần trình diễn tinh tế của các nhạc công…Một chút tiếc nuối khi Phương Uyên - giọng ca từng đoạt giải tại cuộc thi hát thính phòng nhưng ít khi xuất hiện- cũng chưa được như mong muốn khi thể hiện ca khúc hiếm hoi khá quen thuộc của Hoàng Dương Mai em đi rồi…

41941.jpg

Thanh Lam với ca khúc gắn liền tên tuổi nhạc sĩ Hoàng Dương "Hướng về Hà Nội".

Tuy thế, có thể nói đây là một chương trình hiếm hoi, thật nghiêm ngắn theo kiểu cổ điển, đúng phong cách chỉ huy Tetsuji Honna, hiền hoà và đều đặn, chương trình để lại chút tiếc nuối vì hơi thiếu điểm nhấn.

Không chỉ là nghệ sĩ sáng tác, Hoàng Dương còn là một nghệ sĩ biểu diễn nối tiếng với cây cello. Ông là một trong những giảng viên đầu tiên xây dựng bộ môn violoncelle và khoa Đàn dây của Nhạc viện Hà Nội. Hơn thế, ông còn là tác giả của hàng chục đầu sách viết và dịch về âm nhạc. Là nghệ sĩ, nhưng Hoàng Dương cũng được phong danh hiệu Nhà giáo nhân dân vì những đóng góp của ông trong lĩnh vực đào tạo âm nhạc.

41940.jpg

Nhạc sĩ Hoàng Dương (giữa) dưới hàng ghế khán giả.

Xuất hiện sau đêm diễn với dáng vóc có phần hơi gầy và giọng nói run run, nhạc sĩ bày tỏ niềm xúc động khi đến tuổi “trời cho” ông lại có được một đêm nhạc để hồi tưởng những ký ức về cuộc đời. Có lẽ, đối với người nhạc sĩ, không có hạnh phúc nào lớn hơn là khi những tác phẩm của mình được vang lên, đặc biệt trên sân khấu Nhà hát Lớn- cùng với Dàn nhạc Giao hưởng và những giọng ca hàng đầu- dù chỉ một lần. Bởi, không được như ông, nhiều nhạc sĩ thế hệ ông cả một đời lặng lẽ sáng tác, với hàng chục, thậm chí hàng trăm tác phẩm khí nhạc, nhưng cả đời cũng chỉ được biết đến với vài ba ca khúc…