Đào tạo và tìm nguồn diễn viên xiếc

Với sự cạnh tranh của nhiều loại hình nghệ thuật và giải trí ngày càng đa dạng, đòi hỏi xiếc Việt Nam phải không ngừng đổi mới, tìm tòi các hình thức biểu diễn thu hút khách. Một yếu tố quan trọng là cần nâng cao chất lượng đào tạo, tìm nguồn bổ sung để có được diễn viên tài năng, yêu nghề.

Tiết mục lắc vòng của diễn viên Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Tiết mục lắc vòng của diễn viên Liên đoàn Xiếc Việt Nam.

Lâu nay, các nhà quản lý và nghệ sĩ, diễn viên thường lên tiếng về việc cần có một chiến lược đào tạo đội ngũ đạo diễn nghệ thuật, âm thanh, ánh sáng và tác giả kịch bản cho xiếc, quan trọng hơn cả là xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ diễn viên có trình độ cao. Đây là điều kiện tiên quyết giúp chúng ta có thể xây dựng được những chương trình, tiết mục xiếc chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của khán giả.

Chính vì vậy, việc tìm nguồn diễn viên được đặt lên hàng đầu đối với lãnh đạo mỗi đơn vị xiếc và cần được khai thác triệt để từ nhiều hướng khác nhau. Hiện nay, nguồn đào tạo diễn viên xiếc ở nước ta chủ yếu từ Trường trung cấp Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Việt Nam (Trường Xiếc Việt Nam) đảm nhận, trong khi đội ngũ giáo viên chưa thật sự mạnh, còn thiếu thực tế và kinh nghiệm nghề nghiệp. Về lâu dài, muốn nghệ thuật xiếc phát triển, trước tiên cần nâng cao chất lượng giảng dạy mà ở đây là trình độ sư phạm của giáo viên thông qua việc mời các chuyên gia giỏi về tập huấn, thực hiện đào tạo và đào tạo lại, tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên được giao lưu, học tập ở các nước có trình độ xiếc phát triển như: Trung Quốc, Nga, U-crai-na, Ca-na-đa..., tích cực tham gia vào các cuộc thi, liên hoan xiếc quốc tế để nắm bắt xu hướng và sự phát triển của xiếc thế giới hiện đại.

Ngoài nguồn diễn viên đào tạo bài bản từ trường xiếc, có một hướng bổ sung nguồn diễn viên mà các “cường quốc xiếc” trên thế giới vẫn áp dụng. Đó là các vận động viên thể thao như thể dục dụng cụ, thể dục nghệ thuật, lực sĩ cử tạ, vận động viên vật... có khả năng và phù hợp. Những vận động viên này khi qua thời kỳ thi đấu đỉnh cao chuyển sang tập luyện xiếc và với thể lực cũng như kỹ năng tập luyện, sự nhạy bén vốn có, họ có thể trở thành những diễn viên giỏi. Nguồn bổ sung này vừa tạo được đầu ra cho vận động viên say mê thể thao và nghệ thuật, vừa tạo nguồn diễn viên cho xiếc có trình độ. Đồng thời phát huy được khả năng của vận động viên, tránh lãng phí công sức tập luyện nhiều năm của họ. Khi các vận động viên này lựa chọn được tiết mục phù hợp với các yêu cầu kỹ thuật, họ sẽ tiếp tục được bổ túc thêm kiến thức về nghệ thuật, kỹ năng và phong cách biểu diễn cũng như nghiệp vụ sân khấu.

Tuy nhiên, để đào tạo và tìm nguồn diễn viên cho ngành xiếc phát triển bền vững, đòi hỏi cần có cơ chế riêng với sự hỗ trợ của Nhà nước. Các vận động viên nếu muốn chuyển sang làm xiếc, trở thành diễn viên chuyên nghiệp, cần có chính sách giúp họ yên tâm với nghề. Với việc nâng cao chất lượng đào tạo của trường xiếc, bổ sung diễn viên từ nguồn vận động viên thể thao đỉnh cao, xiếc Việt Nam sẽ có được sự phát triển bền vững.