Đạo diễn phim “Về nhà đi con” nói gì về dàn diễn viên?

NDO -

NDĐT- Với mỗi một vai diễn, dù vai chính hay chỉ là nhân vật rất phụ, nhưng các diễn viên đều đầu tư rất công phu cho nhân vật của mình. Điều đó đã góp phần làm nên thành công của bộ phim. Đó là những gì mà đạo diễn phim Nguyễn Danh Dũng chia sẻ khi nói về các diễn viên của “Về nhà đi con”, trong những ngày bộ phim đang dần khép lại.

Cu Bon - em bé được yêu thích nhất trong bộ phim.
Cu Bon - em bé được yêu thích nhất trong bộ phim.

Khơi gợi cảm xúc của diễn viên “đúng lúc”

“Về nhà đi con” là một phim hiếm hoi quy tụ được dàn diễn viên danh tiếng, từng khẳng định mình qua rất nhiều phim rating cao trước đó, như “Người phán xử”, “Sống chung với mẹ chồng”, “Ngự lâm không kiếm”…, gồm NSND Hoàng Dũng, NSƯT Trung Anh, các nghệ sĩ trẻ Bảo Thanh, Thu Quỳnh… Bên cạnh đó, các diễn viên ở những tuyến phụ, từ những người lần đầu diễn xuất như Bảo Hân, người đã lâu mới quay trở lại màn ảnh nhỏ như Tuấn Tú, Quỳnh Nga, người lần đầu làm phim ở Hà Nội như Quốc Trường, người làm “bùng nổ” màn ảnh nhỏ chỉ qua một tập phim như Khánh Linh, người “âm thầm” chiếm tình cảm của khán giả như Anh Vũ… đều đã thể hiện rất xuất sắc vai trò của mình. “Chúng tôi đã có được một dàn diễn viên ưu tú, vào vai rất chân thật” - đạo diễn Nguyễn Danh Dũng tổng kết như vậy về dàn diễn viên của mình. Thậm chí, nhân vật xe ôm chỉ diễn một cảnh rất ngắn nhưng vẫn phải là NSƯT Trọng Trinh.

Anh cho biết, khi diễn viên nhận được vai diễn, họ rất trân trọng những gì mình thể hiện và đầu tư kỳ công, từng nhân vật đều có những sự đầu tư và định hình rất rõ ràng. Sự định hình ấy không mang yếu tố chủ quan của một người mà được kết hợp, từ việc diễn viên chia sẻ với đạo diễn, với bạn diễn, với các thành phần của đoàn làm phim để tìm ra được cách biểu đạt hữu hiệu nhất.

Đạo diễn phim “Về nhà đi con” nói gì về dàn diễn viên? ảnh 1

Trong phim có những đoạn mà sự diễn xuất của diễn viên vượt qua sự tưởng tượng của đạo diễn. Đó là những đoạn mô tả tâm trạng hoặc kịch tính đẩy lên cao, như cảnh bố Sơn rời khỏi nhà ông bà Luật - Giang khi biết con mình lấy chồng với một bản hợp đồng hôn nhân, hay cảnh Thư cãi vã với cô Hạnh… “Tôi vẫn hay nói đùa với diễn viên: “Diễn viên cho như thế nào thì mình hưởng như thế”, đùa mà là thật. Kịch bản không quy định cảnh này phải khóc, cười, hay đập ly, bát… nhưng khi anh em ngồi trước mỗi cảnh quay, chọn một điểm rơi, bàn bạc thế nào để diễn viên bộc lộ ra tốt nhất. Khi diễn viên thấy đủ cảm xúc để cho mình bộc lộ tốt nhất nhân vật thì bắt tay vào làm, như thế mọi người đều có sự sáng tạo, và diễn viên thường thể hiện được tốt nhất”. Khi đó, yêu cầu của đạo diễn có thể chỉ cần nước mắt rơm rớm, hoặc một nét buồn thôi, nhưng diễn viên lại đẩy được cảm xúc dâng trào khiến cảnh phim thăng hoa. “Thí dụ cảnh bố Sơn khi Thư đập giỏ hoa của cô Hạnh xuống đất, người bố lặng đi và hứng những giọt nước mắt của con. Chúng tôi cũng đã tính trước là cảnh này sẽ có nước mắt và sẽ gợi mở, nhưng đến khi diễn, anh Trung Anh đã thăng hoa và diễn rất xúc cảm” - đạo diễn Danh Dũng kể.

Ở một cảnh diễn ấn tượng khác, cảnh bố Sơn đến gặp ông bà thông gia, và phát hiện thêm vụ “hợp đồng hôn nhân”, bình thường có thể dừng luôn ở cảnh ông bố ra về. Nhưng đạo diễn đã quyết định đẩy nhân vật ra ngoài, để ông bố thất thểu dắt xe đi, con gái đứng ở cổng và chạy theo bố. “Khi đó tôi chỉ mong chờ sự bịn rịn của cô con gái và sự day dứt của người bố, nhưng khi diễn, diễn viên đã rất nhập tâm và đẩy cảm xúc lên. Nước mắt của người đàn ông cộng với tâm trạng dằn vặt, cảnh quay đó đã được Trung Anh diễn rất thăng hoa và lấy được nhiều cảm xúc của khán giả. Đó là sự thăng hoa tuyệt vời của các diễn viên” - anh chia sẻ.

Những diễn viên “trúng vai”

Nói về các diễn viên trong bộ phim của mình, đạo diễn Danh Dũng luôn dành cho họ những tình cảm trân trọng và yêu quý. Bởi với anh, việc họ nâng niu chăm chút cho từng chi tiết nhỏ của vai diễn chính là điều anh mong muốn nhất khi thực hiện bộ phim.

Đạo diễn phim “Về nhà đi con” nói gì về dàn diễn viên? ảnh 2

Bảo Hân là một diễn viên hoàn toàn mới, chưa từng đóng phim, và khi được mời vào vai Ánh Dương mới là một sinh viên năm thứ nhất trường ĐH Sân khấu điện ảnh. Nhưng đạo diễn cho biết, ở Bảo Hân có một sự tự tin, rất thông minh, đoàn làm phim casting Bảo Hân là chọn cá tính và sự thông minh chứ không kỳ vọng vai diễn đó của cô bé lại xuất sắc và được khán giả yêu quý như bây giờ. Bảo Hân là một diễn viên nắm bắt rất nhanh, sau một hai ngày đầu ngỡ ngàng đã bắt vào vai rất tốt, nhưng nghỉ một hai ngày lại bỡ ngỡ như mới. Khoảng một tháng, Hân bắt vào mạch chính được. “Lúc đầu Hân khóc rất khó, mắng chửi, tâm sự cũng không khóc. Sau này khi đã thấm được nhân vật, Hân mới có được tương tác rộng hơn, vào vai ngọt hơn, từ bản lĩnh, sự thông minh của Hân và sự tương tác với mọi người trong đoàn” - đạo diễn kể.

Về Thu Quỳnh, nữ diễn viên đã “có thương hiệu” và khẳng định mình qua rất nhiều bộ phim, đạo diễn cho biết, cô vừa bước ra từ phim “Quỳnh búp bê” với vai My sói, một vai hoàn toàn khác với Huệ trong “Về nhà đi con”. “Ở những tình huống khi nóng lên hoặc cần biểu cảm, như một thói quen, Quỳnh đã bộc lộ ra, một phần chưa thoát khỏi hẳn phim kia. Chúng tôi, hay kể cả DOP, bạn diễn hay bản thân Quỳnh cũng nhận ra và “nắn” lại. Có lần, Quỳnh diễn xong rồi buột ra “Ơ hình như em sai sai”, có thể làm đi làm lại và đó là ý thức nghề của các diễn viên, nhất là những diễn viên chuyển đổi từ thái cực này sang thái cực khác” - anh cho biết.

Đạo diễn phim “Về nhà đi con” nói gì về dàn diễn viên? ảnh 3

Một diễn viên khác cũng có “thương hiệu” là Bảo Thanh, đạo diễn nhận xét cô đã “biến hóa” khá tố những cảnh quay tương đối giống nhau tại nhà ông Luật. “Chúng tôi bàn nhau cứ định hình kỹ và tìm những cách thể hiện khác. Bảo Thanh sợ nhất là sự nhàm chán vì cô ấy là diễn viên có thương hiệu. Tôi động viên cô ấy cứ tự tin diễn, rồi sẽ ổn. Quay xong bối cảnh nhà ông Luật, tôi ôm lấy Bảo Thanh và nói - Cảm ơn em”.

Ở tuyến nhân vật phụ, việc lựa chọn diễn viên cũng được đạo diễn và ê kíp làm phim thực hiện rất kỹ lưỡng: “Không chỉ tuyến nhân vật chính, mà các diễn viên phụ cũng được tập trung đầu tư. Chúng tôi tính toán với nhau rất kỹ để mời các diễn viên vừa giỏi nghề vừa phù hợp với nhân vật, từ những vai như Sinh, Liễu, cô Ngọc vợ của anh bác sĩ, chúng tôi đều mời các diễn viên yêu nghề, tài năng. Từ những vai nhỏ như thế, trong một thời lượng hạn chế, họ đã bộc lộ ra được tính cách nhân vật, thân phận nhân vật. Chúng tôi cố gắng triệt tiêu các vai quần chúng râu ria, và cố gắng tìm ra được âm hưởng của cuộc sống, có những cay nghiệt, mâu thuẫn, nhưng cuộc sống luôn luôn tươi đẹp, ấm áp để họ tìm ra được giá trị sống”.

Với nhân vật Linh, bạn của Thư, đạo diễn cho biết, nhân vật này được định hình rất kỹ. Anh chia sẻ, bởi kịch bản phim rất nặng, nhiều tự sự, nhiều phân đoạn một mình, mà với thời lượng mới 25 phút một tập, nếu cứ để chất trầm, buồn, các nhân vật có màu u ám thì người xem không “tiêu hóa” được. Vậy phải làm thế nào để phim vừa gần gũi, chân thực và dễ xem. Vì thế phim được đẩy tiết tấu nhanh hơn, giảm bớt sự u ám và biến hóa đi cho sinh động, đưa yếu tố hài hước vào từ những câu thoại, những khuôn mặt diễn viên. Một số diễn viên phụ có thiên hướng được chọn phù hợp với tiêu chí này và Khánh Linh là một trong số đó. “Khánh Linh rất nhanh và thông minh, làm việc cùng Linh rất dễ chịu, chỉ có điều phải tiết chế cô ấy vì khi Linh lên đồng là không ghìm lại được”.

Về Quỳnh Nga, người đảm nhận nhân vật bị ghét nhất bộ phim, đạo diễn cho biết cô là một diễn viên thông minh và tự tin, thể hiện diễn xuất rất tốt: “Nhiều người chê cô ấy diễn đơ, nhưng về sau này sẽ có một cảnh phim giải thích tại sao lại như thế”.

Đạo diễn phim “Về nhà đi con” nói gì về dàn diễn viên? ảnh 4

Trong phim còn một diễn viên đặc biệt nữa, mà khi nhắc đến, đạo diễn Danh Dũng không khỏi có những cảm xúc đặc biệt. Đó là em bé đóng vai cu Bon, khi vào phim, bé mới được tháng rưỡi tuổi, đến khi đóng máy, em bé đã bốn tháng rưỡi: “Quay cảnh cu Bon, chúng tôi rất mệt. Phải tính hai đến ba tình huống, khi em bé khóc thì diễn kiểu gì, đang khóc nín luôn thì diễn thế nào để diễn viên vừa thể hiện tâm trạng vừa phải nương theo bé. Chúng tôi phải cho diễn viên tập kỹ xong rồi mới bế bé vào, vì chỉ có thể quay một đúp thôi, tập trung tất cả các máy”.

“Tôi đã có một dàn diễn viên tuyệt vời. Tôi rất trân trọng thái độ làm việc của họ, tất cả đều rất chân thật và nâng niu vai diễn. Đó là mong muốn của tôi” - đạo diễn nói.

Đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, sinh ngày 28-1-1970, sinh tại xã Nga Thủy, huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Tốt nghiệp ĐH Sân khấu Điện ảnh năm 1998. Năm 1998 làm phim đầu tay là "Rời nhà ra phố", phát trên Văn nghệ chiều chủ nhật của VTV.

Phim: "Nhà ra phố", "Khi đàn chim trở về", "Cảnh sát hình sự", "Người ở bến sông", "Người phán xử".