Đam mê nghề Tổ

Giữa những tất bật, bon chen của cuộc sống đời thường, vẫn còn đó tiếng đàn nhị, tiếng phách, tiếng hát để mọi người có một chút lắng sâu, lặng nghe và lặng nhìn, để rồi cùng suy ngẫm về câu chuyện thăng trầm của xẩm, một loại hình nghệ thuật diễn xướng đã có từ hàng nghìn năm của dân tộc. Có lẽ đó là câu trả lời sinh động và thuyết phục đối với không ít người, thậm chí có cả những nhà quản lý, về việc: Xẩm có thể duy trì và tồn tại trong cuộc sống thời hiện đại, với bao bộn bề mưu sinh?

Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và Nguyễn Quang Long biểu diễn một tiết mục xẩm.
Nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa và Nguyễn Quang Long biểu diễn một tiết mục xẩm.

Ðạo diễn Lương Ðình Dũng kể với tôi, khi anh thực hiện bộ phim tài liệu Xẩm Ðỏ về chân dung Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu vào năm 2011, điều mà anh xúc động nhất và không bao giờ quên trong cuộc đời làm phim của mình là nỗi niềm đau đáu với nghề Tổ của một nghệ nhân được tôn vinh "Báu vật nhân văn" của xẩm lúc ấy đã ở tuổi 95. Rất nhiều lần, bên khuôn cửa sổ trong buổi hoàng hôn của làng quê Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô (Ninh Bình), cụ chậm rãi kể cho Dũng nghe mà như độc thoại về một cuộc đời buồn lắm nỗi chuân chuyên, lận đận với nghề bởi đã trót đam mê những câu ca. Từ năm lên tám tuổi, cô bé Hà Thị Năm (tên thật của cụ Hà Thị Cầu) đã phải theo bố mẹ lê la khắp các chợ quê để hành nghề hát xẩm kiếm sống. Có lẽ những câu xẩm nỉ non, luyến láy không biết bao nhiêu trăm bài của cụ cũng là những "triết lý" đời được đúc kết từ những gì đã vận vào mình, trong đó có những thân phận, có cả các tâm sự thế thái, nhân tình, góp phần xoa dịu những nỗi đau. Một cuộc đời vất vả đến như vậy mà tiếng xẩm của cụ vẫn toát lên tình người, tràn đầy lòng nhân hậu và tình yêu với nghệ thuật truyền thống của ông cha. Thậm chí, đến cuối đời, cụ vẫn nỗ lực dành những hơi sức cuối cùng để trao truyền tinh hoa của nghề cho lớp con cháu. Chỉ qua cách cụ chỉ bảo từng ly, từng tý về câu ca, nhấn âm, nhấn chữ cho các học trò, rồi cách cụ nâng niu cây đàn nhị và nắn nót, cẩn trọng trong từng phím đàn cũng đủ cảm nhận tấm lòng của cụ với xẩm. Về cuối đời, nghệ nhân Hà Thị Cầu ốm yếu không đi hát được nữa, nhưng như cụ vẫn nói là "giời đày tôi", cho nên cụ vẫn lặn lội, chịu khó khi nào khỏe lại tìm cách truyền dạy cho con cái và học trò các bí quyết nghề nghiệp. Ðã nhiều lần, trong quá trình làm phim, cụ Hà Thị Cầu nói mà như "rút ruột", với đạo diễn: "Ai học thì tôi truyền dạy cho ngay, chứ nếu tôi chết rồi thì mang đi để làm gì. Thôi thì còn sống năm nào, có người tìm học là mừng lắm, cũng phải cố mà dạy cho người ta". Xem Xẩm Ðỏ, người ta không chỉ thấy cuộc đời của một nghệ nhân, chứa đựng trong đó còn có niềm trăn trở, day dứt của cụ và những người cùng chung tình yêu xẩm khi loại hình nghệ thuật này đứng trước nguy cơ mai một.

Ðến nay, cụ Hà Thị Cầu - "Báu vật nhân văn" của xẩm đã về với miền Tổ nghề, không còn kịp để được kiểm nghiệm những gì mình truyền dạy cho các học trò và con cháu, những người mà cụ vẫn gọi là các "truyền nhân" của mình, thể hiện khả năng và các bí quyết cụ đã truyền dạy trước khi nhắm mắt. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là cụ đã kịp thẩm thấu vào họ niềm đam mê và quyết tâm không để cái hay, cái đẹp của xẩm thất truyền. Chúng tôi gặp chị Nguyễn Thị Mận, con gái và cũng là một "truyền nhân" của cụ trong căn nhà nhỏ nơi nghệ nhân hát xẩm Hà Thị Cầu từng sống ở làng Quảng Phúc, xã Yên Phong, giờ đã là nơi thờ tự cụ và cũng là không gian sinh hoạt của gia đình. Cuộc đời của chị Mận không đến nỗi long đong, lận đận, phải đi hát rong kiếm sống như mẹ, nhưng cũng không khá giả gì khi vẫn phải mưu sinh bằng những nghề khác để nuôi xẩm, nuôi niềm đam mê của mình. Chị gần như thuộc hết các bài xẩm nổi tiếng của nghệ nhân Hà Thị Cầu và biểu diễn giống hệt mẹ trong từng câu hát, điệu nhấn nhá và thường tự hào mình là "truyền nhân" số một của cụ.

Những năm gần đây, xẩm đã và đang từng bước được đánh giá đúng, được tôn vinh với các giá trị độc đáo, thể hiện đậm đà bản sắc của dân tộc. Khi cụ Hà Thị Cầu còn sống, nhiều người, trong đó có không ít nghệ sĩ, diễn viên đã tìm về huyện Yên Mô học hỏi cụ. Một trong số đó phải kể đến nghệ sĩ Mai Tuyết Hoa. Theo đuổi nghiên cứu và biểu diễn nhạc truyền thống, khi tiếp cận những đĩa hát của nghệ nhân Hà Thị Cầu, nữ nghệ sĩ đã mê mệt với những câu ca trĩu nặng nỗi đời. Ban đầu chị học, làm quen với xẩm theo các băng đĩa, sau đó trực tiếp về Ninh Bình thỉnh giáo và được cụ Cầu tiếp nhận truyền dạy khi nhận thấy tình yêu tha thiết với xẩm ở cô gái trẻ. Có thể nói, Mai Tuyết Hoa là một trong những học trò "cưng" nhất của cố nghệ nhân. 20 năm gắn bó nghiên cứu xẩm, chị không những góp phần gìn giữ, bảo tồn mà còn phát huy các giá trị của xẩm, quảng bá đến với mọi miền đất nước, giúp xẩm được tôn vinh trên các sân khấu quốc tế. Mai Tuyết Hoa cũng là một trong những người sáng lập nhóm Xẩm Hà Thành với các chương trình xẩm ở khu phố cổ Hà Nội và trên sân khấu các nhà hát lớn. Niềm vui lớn nhất với Mai Tuyết Hoa là thấy khán giả đến với xẩm, dành tình cảm cho xẩm. Chị cho biết, xẩm là một phần cuộc sống của mình và sẽ gắn bó đến trọn đời. Không chỉ nghiên cứu, biểu diễn về xẩm, Mai Tuyết Hoa còn sáng tác nhiều bài dựa trên các làn điệu cổ, truyền tải các nội dung mới, phù hợp cuộc sống đương đại.

Ðồng hành cùng Mai Tuyết Hoa trong hơn 20 năm qua còn có nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, cũng là một học trò của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu. Anh đã cùng nhiều thầy cô và đồng nghiệp tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam nghiên cứu khôi phục và quảng bá những câu hát xẩm, ra mắt nhiều chương trình, tiết mục, an-bum về xẩm bên cạnh việc trực tiếp sáng tác những bài mới. Nhạc sĩ Nguyễn Quang Long cho biết, những việc làm của mình xuất phát từ tình yêu nghệ thuật dân tộc và sự tri ân của một học trò với cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, thực hiện ước nguyện của cụ mong muốn phục hồi xẩm trước khi nhắm mắt, xuôi tay. Ðã có nhiều chương trình xẩm trên sân khấu có sự tham gia của hai nghệ sĩ, nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa và Nguyễn Quang Long được công chúng đón nhận nhiệt tình trong những năm qua. Có chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội và lưu diễn ở các nước luôn chật kín khán phòng. Khi còn khỏe, nhận xét về chương trình của hai nghệ sĩ, Giáo sư Hoàng Chương cho biết, đó là một hiện tượng lạ đối với sân khấu trong thời điểm nghệ thuật giải trí đơn thuần đang chiếm lĩnh, giành giật khán giả và cũng là một tín hiệu đáng mừng cho thấy công chúng cũng như giới trẻ nước ta vẫn yêu thích nghệ thuật dân tộc.

Xẩm đang trở lại Hà Nội và các sân khấu biểu diễn, trong các chương trình nghệ thuật quốc gia và nhiều địa phương. Ngày càng có nhiều những người trẻ đến với xẩm, yêu thích xẩm. Gần đây nhất, nhóm các bạn trẻ có tên gọi LTF đến từ Khoa Văn hóa học, Trường đại học Văn hóa Hà Nội, với khao khát được tiếp thêm nguồn cảm hứng, tình yêu cho những "nghệ sĩ dân gian" đã tìm hiểu, khảo sát và từ đó dàn dựng một chương trình xẩm với mục tiêu để lời ca, câu hát xẩm sống mãi trong đời sống của cộng đồng. Khán giả đến với chương trình được thưởng thức các tiết mục đặc sắc do chính những người học trò của cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, nhóm Xẩm Hà Thành và các nghệ sĩ dân gian đến từ câu lạc bộ xẩm - chèo chùa Cống biểu diễn, đồng thời có thể tìm hiểu về hoạt động của xẩm do nhóm LTF và các cộng tác viên thực hiện. Chương trình đã được thực hiện tại một số trường phổ thông và trở thành bài giảng sinh động cho các em học sinh về bộ môn nghệ thuật đặc sắc của dân tộc.

Tình yêu với xẩm có thể thấy rõ nhất tại quê hương Ninh Bình của Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu. Thành công của Liên hoan các câu lạc bộ hát xẩm phía bắc tổ chức tại Ninh Bình trong năm vừa qua với sự tham gia của nhiều đơn vị và các nghệ sĩ, nghệ nhân là một minh chứng. Hiện nay, phong trào học và hát xẩm ở huyện Yên Mô mà cụ thể ở xã Yên Phong, quê hương cụ Hà Thị Cầu đã phát triển mạnh mẽ. Ðến nay, nhiều thôn, xóm đã thành lập các câu lạc bộ hát xẩm và đang từng bước hoạt động có hiệu quả. Cho đến nay, toàn huyện Yên Mô đã thành lập được 28 câu lạc bộ (CLB) và đội xẩm và chèo đi vào hoạt động thường xuyên, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Trung bình mỗi CLB có từ 15 - 27 hội viên tham gia hoạt động thường xuyên, bài bản, sinh hoạt thường kỳ một tháng hai lần, tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích cho nhân dân. Hiện tại, từ các xã có phong trào hát xẩm phát triển mạnh mẽ nhất trong huyện như: Khánh Thịnh, Yên Phong, Yên Nhân, Yên Hòa, Yên Mạc, UBND huyện Yên Mô đã xây dựng kế hoạch thực hiện Ðề án hằng năm tổ chức "Liên hoan các câu lạc bộ hát xẩm và chèo". Huyện đã tổ chức thành công liên hoan hát xẩm, hát chèo của huyện với gần 200 diễn viên, nhạc công của 11 CLB (thuộc 9 xã), đại diện cho 28 CLB tham gia. Trong thời gian tới, để bảo tồn và lưu giữ nét văn hóa truyền thống, nhất là hát xẩm, ngành văn hóa đã tham mưu cho lãnh đạo huyện xây dựng kế hoạch bảo tồn loại hình nghệ thuật hát hát xẩm, quan tâm, hướng đến đối tượng trẻ tuổi. Ðặc biệt sẽ phối hợp ngành giáo dục gắn với phong trào "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực", đưa các loại hình diễn xướng dân gian, nhất là hát xẩm, hát chèo vào giảng dạy ngoại khóa trong các nhà trường, nhằm giáo dục truyền thống cũng như phát huy nét văn hóa đặc sắc của địa phương.

Với niềm đam mê, gắn bó cùng nghề Tổ và sự sáng tạo, tiếp thêm sức sống cho xẩm từ các "truyền nhân" của cố Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu, chúng ta cùng hy vọng xẩm sẽ tiếp tục hồi sinh, lan tỏa, đến với đông đảo công chúng trong nước và nước ngoài.