Công trình Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc tám năm vẫn còn dang dở

NDO -

Nằm ở vị trí đắc địa, được coi là đẹp và rộng nhất bên đường Hoàng Văn Thụ ở trung tâm TP Thái Nguyên (Thái Nguyên), nhưng dự án xây dựng công trình Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc được khởi công xây dựng từ năm 2012 đến nay chưa xong. 

Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc được xây dựng chín năm chưa xong.
Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc được xây dựng chín năm chưa xong.

Dự án xây dựng công trình Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc (Nhà hát dân gian Việt Bắc) có quy mô lớn, tổng vốn đầu tư là 319 tỷ đồng, được kỳ vọng là thiết chế văn hóa tiêu biểu của vùng trung du, miền núi phía bắc và tỉnh Thái Nguyên.

Công trình này được xây dựng trên khu đất rộng 10.000 m2, trong đó, Nhà hát có diện tích rộng hơn 4.000 m2 với khán phòng lớn quy mô 1.200 chỗ ngồi và hai khán phòng nhỏ, mỗi khán phòng có quy mô 170 chỗ ngồi, toạ lạc bên đường Hoàng Văn Thụ, tuyến đường trung tâm, rộng nhất, đông người dân qua lại ở trung tâm TP Thái Nguyên.

Người dân TP Thái Nguyên mong chờ thiết chế văn hóa có quy mô lớn này sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng để có nơi thưởng thức nghệ thuật và góp phần chỉnh trang, tô đẹp thành phố. Nhưng người dân đã chờ đến chín năm mà đến nay việc xây dựng vẫn chưa hoàn thành, hằng ngày qua lại vẫn chỉ thấy hàng rào tôn quây kín chung quanh trông nhếch nhác.

Nhà hát ca múa nhạc dân gian Việt Bắc còn dang dở -0
 Hành lang rộng lớn trên tầng hai của tòa nhà.

Dự án xây dựng Nhà hát dân gian Việt Bắc do Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc (thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) làm chủ đầu tư, được khởi công xây dựng từ năm 2012, với tổng số 21 gói thầu và dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ công trình vào cuối năm 2013. Do không có chuyên môn và kinh nghiệm quản lý đầu tư xây dựng cơ bản nên Nhà hát dân gian Việt Bắc ủy quyền cho Công ty CP Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng Conico làm đại diện chủ đầu tư quản lý dự án.

Quyền Giám đốc Nhà hát dân gian Việt Bắc Lê Khánh Toàn chia sẻ: “Nguyên nhân chủ yếu khiến công trình kéo dài thời gian thi công là do nhà thầu xây lắp tòa nhà không đủ năng lực và giải phóng mặt bằng chậm, đầu năm 2020 mới hoàn thành toàn bộ khâu giải phóng mặt bằng”.

Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Tây Hồ (Công ty Tây Hồ) được chọn là thầu chính thực hiện nhiều hạng mục quan trọng của dự án. Trong quá trình thi công, Công ty Tây Hồ luôn được tạo điều kiện thuận lợi, được ứng trước vốn, nhưng do năng lực yếu nên không có khả năng hoàn ứng khối lượng theo đúng tiến độ, nhiều hạng mục xây dựng dở dang, khi thi công trở lại đã có biểu hiện hư hỏng.

Công ty Tây Hồ được gia hạn thi công hoàn thành công trình vào cuối năm 2016, nhưng đến thời điểm đó mới hoàn thành chưa được 80% khối lượng. Phó Giám đốc Nhà hát dân gian Việt Bắc Bùi Hải Anh cho biết: “Trong quá trình triển khai xây dựng công trình, chúng tôi luôn bố trí đủ vốn, nhưng Công ty Tây Hồ không có khả năng thực hiện, có năm phải hoàn trả cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hàng chục tỷ đồng do không giải ngân được”.

Trước khi chấm dứt hợp đồng với Công ty Tây Hồ do năng lực quá yếu, để tìm nhà thầu mới vào tháng 12- 2018, chủ đầu tư đã gia hạn thi công hơn 10 lần. Với quyết tâm rất cao, Nhà hát dân gian Việt Bắc đặt ra mục tiêu sẽ đưa công trình vào sử dụng từ giữa năm 2020, nhưng đến nay mới hoàn thành được 95% khối lượng, quyết tâm mới lại được đưa ra là đưa công trình vào sử dụng từ đầu năm 2021.

Đến nay, công trình xây dựng Nhà hát dân gian Việt Bắc đã qua bốn đời giám đốc mà vẫn chưa thể hoàn thành. Quyền Giám đốc Nhà hát Lê Khánh Toàn trần tình: “Thực tình, chúng tôi chỉ biết làm nghệ thuật, không có năng lực và kinh nghiệm quản lý một dự án xây dựng cơ bản có quy mô lớn đến như vậy”. Dự án kéo dài, số vốn đầu tư rất lớn trong nhiều năm không phát huy hiệu quả, lãng phí, dư luận bức xúc, trách nhiệm chủ yếu thuộc về chủ đầu tư và đơn vị được ủy quyền quản lý dự án là Công ty CP Tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng Conico.  

Một vấn đề khác mà dư luận đang quan tâm, tới đây Nhà hát dân gian Việt Bắc có quy mô lớn được đưa vào sử dụng với hệ thống âm thanh, ánh sáng, điều hòa nhiệt độ, trang thiết bị hiện đại, phức tạp, mỗi khi vận hành là rất tốn kém được phát huy như thế nào, mỗi tháng “đỏ đèn” được mấy buổi trong bối cảnh hiện nay.