Chuyện thành Rome không chỉ có nụ hôn

NDO -

NDĐT – Hiếm có nhà văn nào ra sách “hăng” như Di Li. Chỉ trong vòng vài tháng mà đủ cả tạp văn, bút ký, tập truyện ngắn và bây giờ là sách du ký. “Nụ hôn thành Rome” là tác phẩm mới nhất của nữ nhà văn vừa được giới thiệu tới độc giả trong tháng 10.

Các Đại sứ, nhà ngoại giao nước ngoài đến chia vui cùng Di Li trong buổi ra mắt sách.
Các Đại sứ, nhà ngoại giao nước ngoài đến chia vui cùng Di Li trong buổi ra mắt sách.

Có thể nói, ở những khía cạnh nào đó, Di Li luôn luôn gây ngạc nhiên cho người khác. Một tác giả viết nhiều thể loại khác nhau, một nhà văn làm nhiều công việc khác nhau, và một phụ nữ ưa trải nghiệm qua nhiều vùng đất khác nhau. Ngay cả khi ra sách, Di Li cũng gây ngạc nhiên khi mời được tới 15 vị đại sứ tới dự buổi giới thiệu “Nụ hôn thành Rome” của mình.

Mang tên “Nụ hôn thành Rome”, nhưng cuốn sách là những trang viết trải dài về những vùng đất ven bờ Địa Trung Hải như Santorini, Athens, Istanbul, Rome…, cho đến khu vực Đông Âu như Budapest, Warsaw, hay New Delhi, Agra, Jaipur, Kolkata (Ấn Độ). Đến mức Đại sứ Australia phải đặt câu hỏi liệu nhà văn có định đi tiếp Bắc Mỹ, Nam Mỹ và Australia để tiếp tục viết sách về những nơi này không…

“Nụ hôn thành Rome” còn khác biệt ở chỗ, nó được lựa chọn tựa do… độc giả. Di Li kể lại, chị đã đưa hai cái tên “Nụ hôn thành Rome” và “Nhảy múa ở Athens” lên Facebook để nhờ bạn đọc chọn tựa sách nào phù hợp. Kết quả, hơn 500 bạn đọc đã lựa chọn “Nụ hôn thành Rome”. Và ngược lại với cái tên đầy chất lãng mạn, những nụ hôn thành Rome thực sự lại là kẻ “phá bĩnh” chuyến đi tham quan Rome của nữ tác giả và các bạn đồng hành bởi vì “chúng tôi đã mệt lử sau khi đi bộ cả ngày, và chỉ muốn ngắm Rome, nhưng hàng trăm cặp tình nhân hôn nhau ở khắp nơi đã cản đường chúng tôi, và chúng tôi phải vượt qua, phải né tránh họ để tiếp tục chặng đường của mình” – Di Li kể lại.

Nữ nhà văn cho biết, khác với các thể loại khác, sách du ký có rất nhiều giá trị: giải trí, cung cấp thông tin cho những người thích xê dịch, và đương nhiên không thể phủ nhận giá trị văn chương. Chị thú nhận: “Rất khó để tôi có thể dung hòa cả ba điều này trong tác phẩm của mình. Nếu sa đà quá vào cung cấp thông tin thì lại trở thành một cuốn Lonely Planet (cẩm nang du lịch thế giới), còn nếu nhấn mạnh quá vào cảm xúc thì lại thiếu thông tin”.

Di Li cũng thừa nhận rằng thể loại truyện phiêu lưu trinh thám ưa thích của chị đã có ảnh hưởng ít nhiều đến cách chị đi du lịch: “Tôi thích những chuyến đi không có kế hoạch trước, ly kỳ và có ít nhiều dấn thân và nguy hiểm”. Chính vì thế mà trong “Nụ hôn thành Rome” có cả vụ chọn nhầm khách sạn ở khu dân cư Omonia có nhiều xã hội đen hay nỗi sợ hãi của các bạn đồng hành ở Kolkata…

Sách du ký của chị cũng được “phân biệt” rất rõ ràng với những tác giả khác, trong thời buổi sách du ký như trăm hoa đua nở hiện nay. Cây bút Đỗ Doãn Hoàng viết: “Tôi thấy rất rõ qua những trang ghi chép đầy báo chí mà cũng đầy văn học của Di Li một cái chất đàn bà. Đàn bà đến đáy chứ không phải đàn bà lớt phớt…. Và đúng là đàn bà ăn vặt, tí tởn, cay nghiệt với từng chi tiết nhỏ nhất trên đường thiên lý, điều không bao giờ có ở Người Dẫn Đường Đàn Ông”.

Sách của Di Li có cái nhìn nghiêng về khía cạnh văn hóa nhiều hơn, và Di Li không giống với bất kỳ người du hành nào bởi khía cạnh này: chị đi du lịch văn hóa, nhìn nhận, mô tả mọi thứ thông qua cái nhìn của một nhà văn.

Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ Akir Ayhan, một trong những người được Di Li chia sẻ bản dịch tiếng Anh đầu tiên của cuốn sách, và cũng là một trong những người chấp bút viết lời tựa cho “Nụ hôn thành Rome” chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với những kỹ năng của tác giả. Dường như Di Li có nhiều khía cạnh khác nhau trong con người: viết văn, viết báo, làm PR, giảng dạy, dịch thuật… Chị có kỹ năng quan sát sắc bén để có thể miêu tả không thiên vị về những thành phố và vùng đất mà chị đi qua. Đây là câu chuyện khám phá được kể lại một cách tài hoa bởi một phụ nữ VIệt Nam đã nổi tiếng vì niềm đam mê khám phá những miền đất lạ…”

Còn Đại sứ Italia Cecilia Piccioni cho biết, bà cảm nhận được sự đồng cảm giữa mình và nữ nhà văn bởi vì niềm đam mê xê dịch để khám phá và hiểu rõ hơn thế giới này.

Giám đốc Bachviet Books Lê Thanh Huy cho rằng, Di Li là người góp phần định hình nên dòng sách du ký ở Việt Nam, tạo cảm hứng cho phong trào du lịch khắp nơi, đặt chân lên những miền đất mới của nhiều bạn trẻ. Còn Di Li, bên cạnh việc chuẩn bị ra tiếp một cuốn sách du ký nữa vào năm 2016, chị còn phải chuẩn bị cho những chuyến đi có và không có kế hoạch để có tư liệu cho những tác phẩm tiếp theo mà bạn đọc chờ đợi… Chỉ có điều không biết đó sẽ là sách du ký hay những câu chuyện phiêu lưu trinh thám đầy bất ngờ.