Cho phép khai quật khảo cổ ở Di chỉ Vườn Chuối

NDO -

NDĐT – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định số 1470/QĐ-BVHTTDL về việc cho phép thăm dò, khai quật khảo cổ tại khu vực Vườn Chuối (thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Khu Gót Vườn Chuối đã được trải bạt, rải cát để làm đường.
Khu Gót Vườn Chuối đã được trải bạt, rải cát để làm đường.

Cụ thể, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội phối hợp với Viện Khảo cổ học thăm dò, khai quật tại ba khu vực gò Vườn Chuối, gò Mỏ Phượng, gò Dền Rắn thuộc xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội. Thời gian thăm dò, khai quật từ ngày 25-4 đến 30-11 trên diện tích 500m2, trong đó, hoạt động thăm dò là 300m2, khai quật là 200m2.

Tại gò Vườn Chuối, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội được phép thăm dò 100m2, khai quật 200m2; tại gò Mả Phượng và gò Dền Rắn chỉ diễn ra hoạt động thăm dò trên diện tích 100m2.

Cho phép khai quật khảo cổ ở Di chỉ Vườn Chuối ảnh 1

Đống đất đá của đơn vị thi công đào lên từ Vườn Chuối.

Quyết định nêu rõ, trong thời gian thăm dò, khai quật, các cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích, có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về bảo vệ di sản văn hóa ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa. Những hiện vật thu thập được trong quá trình thăm dò, khai quật phải được tạm nhập vào Bảo tàng Hà Nội để giữ gìn, bảo quản. Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý và báo cáo Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt thăm dò, khai quật, chậm nhất ba tháng, Ban Quản lý di tích danh thắng Hà Nội và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và sau một năm phải có báo cáo khoa học gửi về Cục Di sản văn hóa.

Cho phép khai quật khảo cổ ở Di chỉ Vườn Chuối ảnh 2

Người dân đào bới tìm kiếm những mảnh hiện vật còn sót lại trong đống đất đá.

Ông Nguyễn Văn Thắng, người dân thôn Lai Xá, xã Kim Chung cho biết, người dân sống chung quanh khu vực khảo cổ rất vui mừng khi biết Bộ ra quyết định khai quật khu di chỉ. Hằng ngày, ông vận động người dân ra theo dõi, quan sát khu vực thi công, và một số người dân trong quá trình đào bới đống đất mà đơn vị thi công đổ ra, đã tìm thấy nhiều mảnh hiện vật gốm, sành, sứ…

Ông Nguyễn Văn Thắng cũng cho biết, hiện tại đơn vị làm đường vành đai 3.5 đã dừng đào bới, chặt cây ở khu vực trung tâm Vườn Chuối, còn tại khu Gót Vườn Chuối, họ đã san nền xong và trải bạt chuẩn bị đổ đá…

Khu di chỉ khảo cổ học Vườn Chuối thuộc địa phận làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, có tổng diện tích 19.000 m2, được khai quật lần đầu tiên vào năm 1969. Đây là nơi người Việt cổ từng sinh sống trước kia, trải dài suốt 3.500 năm với dấu ấn các nền văn hóa Đồng Đậu, Gò Mun cho đến Đông Sơn. Những hiện vật tìm thấy được ở đây vô cùng phong phú, từ đồ đá, đồ đồng, đồ gốm cho đến đồ gỗ. Hiện tại, di chỉ đang đứng trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn bởi công trình đường vành đai 3.5 chạy qua toàn bộ phần diện tích của di chỉ.

Di chỉ 3.500 năm tuổi sắp biến mất vĩnh viễn

Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối lại kêu cứu

Di chỉ khảo cổ 3.500 năm kêu cứu

Yêu cầu kiểm tra thông tin san lấp di chỉ khảo cổ Vườn Chuối

Từ vụ di chỉ Vườn Chuối: Cần phải có quy hoạch khảo cổ