Các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam hội tụ lung linh trên áo dài

NDO -

NDĐT- Tối 28-6, bên giếng Thiên Quang trong Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), 21 bộ sưu tập của 21 nhà thiết kế với hơn 1.000 mẫu áo dài đã hội tụ trong chương trình Áo Dài - Di sản văn hóa Việt Nam do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phối hợp Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.

Bộ sưu tập áo dài từ cảm hứng Dân ca ví, giặm của NTK Thanh Thúy
Bộ sưu tập áo dài từ cảm hứng Dân ca ví, giặm của NTK Thanh Thúy

Văn Miếu - Quốc Tử Giám lung linh trong ánh sáng tỏa ra từ 400 chiếc đèn lồng và lộng lẫy với 60 người mẫu chuyên nghiệp, 100 học viên của Học viện Phụ nữ, 50 trẻ em, những người nước ngoài sống tại Hà Nội là phu nhân các Đại sứ. Các di sản cũng xuất hiện huyền ảo và rực rỡ cùng với những bộ áo dài.

21 bộ sưu tập được chọn tương ứng với những Di sản văn hóa Việt Nam đã được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa thế giới. Hình ảnh, vẻ đẹp của những di sản văn hóa này được đưa lên những tà áo dài truyền thống, đầy tinh tế và mang nhiều thông điệp. Thông qua những sáng tạo nghệ thuật, các nhà thiết kế (NTK) đầy tâm huyết muốn góp phần “định danh”, “định vị” Áo dài là Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.

Các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam hội tụ lung linh trên áo dài ảnh 1

Bộ sưu tập áo dài từ cảm hứng Cồng chiêng Tây Nguyên của NTK Trung Beret.

Các bộ sưu tập tham gia cuộc trình diễn này được các NTK lấy cảm hứng từ các di sản thế giới: Vịnh Hạ Long (NTK Nguyễn Thúy); Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc (NTK Vũ Trần Đức Hải); Danh thắng Tràng An (NTK Hùng Việt); Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương (NTK Minh Minh); Cao nguyên đá Đồng Văn (NTK Hoài Nguyễn); Hoàng thành Thăng Long (NTK Nhi Hoàng); Ca trù (NTK Hà Duy); Tín ngưỡng thờ mẫu” (NTK Trần Thiện Khánh); Hát Xoan (NTK Công Huân); Dân ca quan họ Bắc Ninh” (NTK Trịnh Bích Thủy); Thành nhà Hồ (NTK Lan Hương); Dân ca ví, giặm Nghệ Tỉnh (NTK Thanh Thúy); Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (NTK Trần Thanh Mẫn); Quần thể di tích cố đô Huế” (NTK Phương Thanh); Nhã nhạc cung đình Huế (NTK Ngọc Hân); Đô thị Hội An (NTK Chu La); Bài chòi (NTK Cao Minh Tiến); Khu đền tháp Mỹ Sơn (NTK Cao Duy); Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (NTK Trung Beret); Đờn ca tài tử Nam Bộ (NTK Huệ Thi) và Đờn ca tài tử Nam Bộ của NTK Minh Hạnh.

Các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam hội tụ lung linh trên áo dài ảnh 2

Bộ sưu tập áo dài từ cảm hứng Đờn ca tài tử Nam Bộ của NTK Minh Hạnh.

Cuộc trình diễn Áo dài này có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và mang theo lời nhắn gửi: Áo dài luôn hiện diện cùng với các di sản văn hóa và chính chiếc áo dài cũng là một di sản văn hóa đặc sắc Việt Nam.

* NTK Cao Minh Tiến: "Tôi muốn mang đến một cái nhìn mới cho áo dài của những người trẻ sống trong thời đại 4.0. Bài chòi là một di sản độc đáo và có thể hiện ra qua chiếc áo dài với phong cách trẻ trung phóng khoáng".

* NTK Nhi Hoàng: "Tôi sinh ra và lớn lên tại Hà Nội với những niềm tự hào từ thời thơ ấu. Tôi được Ban tổ chức chọn thể hiện ý tưởng di sản Hoàng thành Thăng Long và tôi muốn diễn đạt vẻ đẹp của di sản này qua lăng kính của một công dân trẻ của Thủ đô".

* NTK Công Huân: "Đây là một trãi nghiệm rất thú vị để tôi có thể khám phá về di sản hát Xoan. Tôi rất thích hình ảnh những em nhỏ hát Xoan trong bộ áo dài màu đỏ gụ và chiếc khăn mỏ quạ rất đáng yêu với những lời thơ ý nhạc mộc mạc mà sâu sắc".

* NTK Minh Hạnh: "Những NTK đóng góp cho “chiến dịch” Áo dài này là để “định danh”, “định vị” Áo dài bằng cơ sở văn hóa và khoa học chứ không phải bằng cảm tính, dù tình yêu nồng nhiệt vốn có của chúng ta với áo dài luôn luôn bùng cháy".