Ba vở kịch ngắn "Nhớ lời Bác dặn"

NDO -

NDĐT- Những bài học sâu sắc về cách dùng người của Bác vẫn còn nguyên vẹn giá trị đối với ngày hôm nay qua những câu chuyện được kể lại về Bác, được thể hiện qua chùm kịch ngắn “Câu chuyện thứ nhất”, “Phải bắt hết sâu để cứu cây” và “Bút chống tham ô”, do Nhà hát kịch Hà Nội thể hiện, trong khuôn khổ chương trình “Nhớ lời Bác dặn” của Truyền hình Nhân Dân thực hiện, phát sóng trực tiếp từ Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 29-8.

Các nghệ sĩ diễn tập một cảnh trong "Câu chuyện thứ nhất".
Các nghệ sĩ diễn tập một cảnh trong "Câu chuyện thứ nhất".

Chùm kịch ngắn “Câu chuyện thứ nhất”, “Phải bắt hết sâu để cứu cây” và “Bút chống tham ô” do nhà báo Trần Đăng Tuấn viết kịch bản, kết nối các câu chuyện nhỏ về Bác Hồ để xây dựng nên vở kịch. Tác giả cho biết, ba vở kịch này hoàn toàn dựa trên những câu chuyện có thật, được kể nhiều, các chi tiết trong các câu chuyện đều là có thật, và cơ bản nhất vẫn là những lời Bác nói, được trích từ tác phẩm "Hồ Chí Minh toàn tập".

“Câu chuyện thứ nhất” kể về chuyến đi của Bác tới trụ sở ủy ban của một vùng nông thôn ở ngoại thành Hà Nội, và ở đây Bác phát hiện ra thái độ làm việc của cán bộ còn hách dịch với dân, làm chưa đúng chức năng nhiệm vụ. Những lời góp ý của Bác đã khiến cho các cán bộ ở đây hiểu ra và thấm thía…

Ba vở kịch ngắn "Nhớ lời Bác dặn" ảnh 1

Bác Hồ rưng rưng khi biết các chiến sĩ thiếu cả ăn và mặc, trong khi Cục trưởng Quân nhu tổ chức đám cưới xa hoa cho con.

“Phải bắt hết sâu để cứu cây” được lấy từ vụ án xử Trần Dụ Châu, nguyên Cục trưởng Cục Quân nhu, bị kết án tử hình do tham nhũng quân nhu. Vở kịch lấy bối cảnh Trần Dụ Châu tổ chức đám cưới xa hoa cho con, mời rất đông, trong đó có nhà thơ Đoàn Phú Tứ. Bức xúc trước cảnh xa hoa lãng phí, nhà thơ Đoàn Phú Tứ đọc hai câu thơ “Bữa tiệc cưới của chúng ta sắp chén đẫy hôm nay, Được dọn bằng xương máu của các chiến sĩ". Một vệ sĩ của Trần Dụ Châu đã tát vào mặt nhà thơ và quát to “Nói láo”, sau đó nhà thơ bỏ ra ngoài và viết đơn tố cáo gửi lên Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Bút chống tham ô” kể về cuộc họp giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với các Bộ trưởng, các Chủ tịch tỉnh của đất nước non trẻ sau chiến tranh. Người tận tình hỏi han, đưa những việc mà người dân còn thắc mắc ra với các vị đứng đầu ngành, đầu tỉnh, và yêu cầu họ thử đặt mình vào địa vị người dân sẽ hiểu từ những chuyện nhỏ. Kết thúc buổi họp là món quà mà Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng cho các Bộ trưởng, các Chủ tịch tỉnh, có khắc dòng chữ trên thân bút với nội dung chống tham ô, quan liêu.

Ba vở kịch ngắn "Nhớ lời Bác dặn" ảnh 2

Nghệ sĩ Tiến Hợi trong vai Bác Hồ.

Chùm kịch ngắn có sự tham gia của nhiều gương mặt tên tuổi của Nhà hát kịch Hà Nội, đặc biệt là nghệ sĩ Tiến Hợi trở lại trong vai Chủ tịch Hồ Chí Minh. Anh đã lột tả được khá trọn vẹn tâm lý của Bác Hồ qua từng trích đoạn. Một vị Chủ tịch nước áo vải đi xuống thực tế tận nơi công quyền, để tận mắt chứng kiến những người cán bộ của mình ứng xử với dân và xử lý công việc theo cách nào. Trầm tĩnh, kín đáo, nhưng lúc lộ diện lại phê bình rất nhẹ nhàng nhưng “thấm". Một “ông Ké” xót lòng trước cảnh bộ đội thiếu áo ấm, thay nhau mắc sốt rét rừng mà không có thuốc, màn chống muỗi “che đầu thì hở chân, che chân thì hở đầu”… Một người đứng đầu không tránh khỏi phút giây lặng lẽ, trăn trở trước bản án nghiêm khắc dành cho một cán bộ cấp cao, từng có công với cách mạng… Một người đứng đầu Chính phủ lâm thời với nhiều bài học trực tiếp mà sâu sắc cho những người giữ cương vị trọng yếu của các ngành, các địa phương, mà bài học lớn nhất là gần dân, đặt mình vào địa vị dân để hiểu và làm…

Một số nghệ sĩ khác góp mặt trong vở kịch gồm nghệ sĩ Phú Thăng trong vai Trần Đăng Ninh, nghệ sĩ Thanh Tùng trong vai Trần Tử Bình, cùng các nghệ sĩ Xuân Đồng, Đức Quang, Thiện Tùng và tập thể các diễn viên Nhà hát kịch Hà Nội.

Ba vở kịch ngắn "Nhớ lời Bác dặn" ảnh 3

Bác Hồ băn khoăn trong vụ án của Trần Dụ Châu.

Hiện tại, các nghệ sĩ Nhà hát kịch Hà Nội đang gấp rút chuẩn bị cho ngày lên sóng, có những hôm tập đến 2-3 giờ sáng. NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội cho biết, hiện tại Nhà hát có tới 2-3 chương trình cùng chuẩn bị diễn ra, cho nên việc chạy chương trình vô cùng gấp rút.

NSND Lê Hùng chia sẻ: “Chùm kịch nói này mang tính chất chính luận nhiều hơn, chất liệu chủ yếu là những lời dạy của Bác, nhưng để gần gũi với người xem, nhiều chi tiết hiện thực đã được lựa chọn để đưa vào vở kịch. Cho nên những nội dung, lời nói của Bác trong đó rất gần gũi, tạo sự hấp dẫn đối với người xem”.

Đây là chương trình kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9, 49 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và để tưởng nhớ ngày Người đi xa. Đây cũng là chương trình đầu tiên Truyền hình Nhân Dân thực hiện đưa kịch nói vào, cùng với những phóng sự ngắn, phim tài liệu, tư liệu về những lời dạy của Bác, xen kẽ các tiết mục ca nhạc. Chương trình sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Nhân Dân vào lúc 20 giờ tối 29-8.

“Nhớ lời Bác dặn” mang nhiều thông điệp thời sự