Trần Đăng Ninh, một tấm gương sáng ngời phẩm chất cách mạng

Do nhà nghèo, và do điều kiện lịch sử, ở quê, đồng chí chỉ học đến tiểu học. Nhưng với những tố chất thông minh bẩm sinh, với tình yêu sâu sắc đối với con người, với quê hương, đất nước; đồng chí đã tự học, tự rèn luyện thành một con người có tài năng hiếm hoi, xuất chúng, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Ðảng, quân đội; một tấm gương đạo đức cách mạng.

"Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới, chúng ta cần có những người như anh Trần Ðăng Ninh. Bác Hồ nói: "Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, phải xây dựng con người xã hội chủ nghĩa, con người cộng sản chủ nghĩa". Phải chăng anh Ninh là một mẫu người mà Bác Hồ muốn xây dựng?".

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp
(Trích bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 55 năm
Khởi nghĩa Bắc Sơn, 85 năm Ngày sinh của
đồng chí Trần Ðăng Ninh)
.

Không thể ở yên nơi làng quê để chịu cảnh làm một người dân nô lệ, khi đã trở thành một thanh niên, đồng chí vượt ra thành phố, thoạt đầu làm công nhân ở Nhà in Lê Văn Tân. Tại đây, năm 1935 đồng chí được đồng chí Nghiêm Kình giác ngộ cách mạng. Năm 1936 được kết nạp vào Ðảng. Với trái tim được soi bừng nắng hạ lý tưởng, với năng lực công tác xuất sắc, mới ba tuổi Ðảng, đồng chí đã được chỉ định vào Thành ủy Hà Nội; năm 1940 tham gia Xứ ủy Bắc Kỳ; tháng 5-1941, tại Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương, đồng chí được bầu làm Ủy viên BCH T.Ư Ðảng; tháng 7-1941 làm Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ.

Từ khi được gặp và làm việc bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trần Ðăng Ninh trở thành một người được tin cậy, giao cho nhiều trọng trách của Ðảng và Nhà nước, nhiều nhiệm vụ đặc biệt. Ðó là việc chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc; là người phụ trách, Trưởng ban Kiểm tra đầu tiên của Ðảng (năm 1948)...

Năm 1950, đồng chí được cử làm Tổng cục trưởng Tổng cục Cung cấp, trở thành người đầu tiên tổ chức xây dựng ngành hậu cần quân đội. Nhờ tổ chức tốt công tác này mới bảo đảm mọi thắng lợi của các chiến dịch, đặc biệt là Chiến dịch Biên giới và Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Ðồng chí Trần Ðăng Ninh mất ngày 6-10-1955, lúc mới 45 tuổi. Tôi giở lại báo Nhân Dân những ngày đó. Tường thuật trên số báo 584, ra ngày 8-10-1955 như sau:

3 giờ 40 chiều ngày 6-10-1955, đồng chí Trần Ðăng Ninh mất tại nhà dưỡng bệnh riêng ở Hà Nội. Sau khi đồng chí Ninh mất, Hồ Chủ tịch đã đến vĩnh biệt đồng chí lần cuối cùng. Các đồng chí Phạm Văn Ðồng, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chí Thanh, Lê Ðức Thọ, Tôn Ðức Thắng và các đồng chí Ủy viên Trung ương khác có mặt tại Hà Nội, các cấp chỉ huy trong quân đội đã đến nghiêng mình trước thi hài đồng chí.

... Trước khi làm lễ hạ huyệt, đồng chí Hoàng Quốc Việt đọc Ðiếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng: "Hôm nay toàn thể đảng viên và cán bộ chúng ta, cũng như toàn thể bộ đội và nhân dân toàn quốc, rất đau đớn vĩnh biệt đồng chí Trần Ðăng Ninh. Từ đây, Ðảng Lao động Việt Nam, giai cấp công nhân và nhân dân ta mất một người cán bộ xuất sắc và tích cực đã suốt đời phục vụ Ðảng, phục vụ nhân dân... Gương tốt của đồng chí đã được nêu cho toàn Ðảng học tập...".

Bản chất con người được bộc lộ rõ nhất trong những lúc khó khăn gian khổ, lúc nắm giữ những trọng trách lớn. Vào những lúc ấy, đồng chí Trần Ðăng Ninh được sự giáo dục của Ðảng, Bác Hồ, với mục tiêu trong sáng, tầm nhìn xa trông rộng, tính dân chủ nhưng quyết đoán, cẩn trọng và cơ mật, đã hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ mà Ðảng và nhân dân giao phó, để lại tấm gương, sự ảnh hưởng to lớn và tốt đẹp cho đời sau.

Là người từng nắm toàn bộ hậu cần, tài chính quân đội, đồng chí luôn tự răn mình và nhắc nhở cán bộ: "Không phải không thích và không biết ăn ngon mặc đẹp, nhưng người đảng viên phải cần kiệm, chỉ hưởng những gì có quyền hưởng"; "Người cán bộ, người đảng viên phải biết tự kiềm chế lòng ham muốn, phải luôn luôn cảnh giác, đừng nay lỡ một chút, mai lỡ một chút, sẽ đi tới phạm tội to". Có lần trót nổi nóng không đúng với một cán bộ cấp dưới, ngay sau đó, đồng chí đã viết thư xin lỗi. Ði kiểm tra việc sửa đường, thấy cấp dưới không thực hiện nghiêm chỉ lệnh, đồng chí đã gửi một bức điện đọc cho Chủ tịch Cao Bằng như sau: "Kính gửi ông Hồng Kỳ, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính Cao Bằng. Tôi lạy ông! Xin ông điều động người đi sửa ngay con đường như tôi đã quy định!". Ngay chiều hôm sau, đồng chí Hồng Kỳ đến báo cáo công việc đã hoàn thành, đồng chí Trần Ðăng Ninh vui vẻ mời ông Kỳ một chén rượu, coi như không có bức điện quyết liệt hôm qua!

Một lần khác, đồng chí điều động đồng chí Ðinh Ðức Thiện, lúc đó là Cục trưởng Vận tải về Tổng cục gấp. Từ Ðu lên Yên Thông, còn chưa kịp thở, thì đồng chí Ðinh Ðức Thiện thấy thủ trưởng Ninh đặt phịch một đĩa sứ to lên bàn: "Ðây, mời anh văng hết cả ra đây cho tôi! Tôi là người phụ trách anh, vậy là tôi phải tiếp nhận chứ không phải là cán bộ, chiến sĩ dưới quyền anh phải chịu đựng!". Ông Thiện hiểu ngay là thủ trưởng phê bình thói hay văng tục của mình gãi gãi tai: "Có gì đâu mà đưa ra ạ! Mà cái đĩa của anh cũng to quá!" Ðến khi, nghe đồng chí Thiện nghiêm túc tự phê bình và xin hứa sửa chữa, đồng chí Trần Ðăng Ninh mới gạt cái đĩa sang một bên và mời đồng chí Thiện ở lại ăn cơm "tớ mới có một chai nước mắm ngon!" (Theo lời kể của Thiếu tướng Vũ Văn Ðôn).

Trong sách giáo khoa bậc phổ thông cơ sở trước đây có đăng tác phẩm "Hoàng Văn Thụ ra pháp trường" của Trần Ðăng Ninh. Là một tác phẩm chính trị bằng văn xuôi, nhưng sau bao nhiêu năm, nhiều người trong chúng ta vẫn thuộc lòng, thuộc và luôn luôn xúc động:

"Sáu giờ kém mười lăm, cánh cửa sắt lại mở một lần nữa, và lần này thì tiếng giày đinh lạo xạo ngoài sân. Một tốp lính lê dương súng ống nai nịt, lưỡi lê tuốt trần đứng sắp hàng trước buồng chúng tôi... Thôi, đúng anh Thụ phải "đi" rồi!

... Ðến cửa buồng giấy mật thám, cố đạo, quan tòa, chúa ngục đã đợi anh đông đủ. Quan tòa hỏi:

- Anh có muốn nói gì nữa không?

- Không có gì phải nói nữa. Trong cuộc đấu tranh sinh tử giữa chúng tôi, những người mất nước và các ông, những người cướp nước, sự hy sinh của những người như chúng tôi là một sự dĩ nhiên. Chỉ biết rằng cuối cùng chúng tôi sẽ chiến thắng.

Cố đạo hỏi:

- Anh có muốn rửa tội không?

- Cảm ơn ông, tôi không có tội gì. Nếu yêu nước, cứu nước mà có tội thì những người Pháp hiện giờ đang đấu tranh chống phát-xít Ðức bên nước ông đều có tội cả. Ông hãy về hỏi xem họ có tội không?

Giặc đưa thuốc lá cho anh hút. Anh cầm điếu thuốc hút thản nhiên, miệng mỉm cười, nét mặt vẫn tỉnh. Sáu giờ sáng, giặc đưa anh đi.

Tôi nhớ mãi câu trầm trồ của người giám thị: "Thật là một người gang thép! Thật là một người gang thép!"

Những áng văn ấy, những tấm gương của các anh hùng dân tộc, của những người cộng sản đã hun đúc tinh thần yêu nước cho biết bao thế hệ ngay từ còn thơ bé.

Những tấm gương ấy, trong đó có đồng chí Trần Ðăng Ninh, vẫn tỏa sáng, hướng ta noi theo để sống làm một người chân chính; vẫn là sức mạnh cổ vũ chúng ta tiến bước thành công trên con đường xây dựng đất nước mạnh giàu.

Ðảng ta cần nhiều những con người như vậy.

NGUYỄN SĨ ĐẠI