Làng Thủy Lạc và Thành hoàng Nguyễn Tạo

NDO - Gần 80 năm trước, vùng đất nay là làng Thủy Lạc xã Nam Phú (Tiền Hải, Thái Bình) là nơi hoang vu, bãi đất ven biển cạnh cửa Ba Lạt mọc đầy lau sậy. Rồi tới một ngày, có một người thanh niên cùng hơn chục hộ dân từ Hưng Hà ra đây, khẩn hoang để lập nên làng mới...

Theo các cụ trong làng kể lại, thì gốc gác của bà con làng Thủy Lạc là hai làng Thủy Bông và An Lạc thuộc huyện Hưng Hà. Ðầu những năm 30 của thế kỷ trước, quê hương họ đất chật người đông, lại thêm sưu cao thuế nặng của chế độ thực dân, nên cuộc sống lâm vào cảnh khốn khó. Ðúng lúc ấy, có một người đàn ông còn trẻ tên là Nguyễn Tạo đã đến thăm hai làng, rồi khuyên đi tìm đất mới để lập làng mới. Và năm người đàn ông trong làng là Trần Tiến Ðịch, Trần Xuân Sinh, Trần Nguyên Tín, Trần Bá Thọ, Phạm Thế Ri đã theo Nguyễn Tạo đến vùng đất cạnh cửa Ba Lạt - nơi sông Hồng đổ ra biển. Rồi họ quyết định đưa dân làng ra đây khẩn hoang. Hơn chục hộ dân đầu tiên, rồi lần lượt các hộ sau nữa, theo đường bộ hoặc theo đường sông, vượt hơn 70 cây số đến đây, lập nên làng Thủy Lạc - tên ghép từ Thủy Bông và An Lạc ở quê hương.

Ngày mới lập làng, ông Nguyễn Tạo quán xuyến chu toàn mọi việc. Ông lo dựng nhà, lo cho các gia đình gạo và muối để ăn trong sáu tháng, lại cấp cuốc, dao làm dụng cụ khai hoang. Ông làm cách nào đó mà dân gốc mỗi làng được cấp một con trâu. Ông quy hoạch đất đai, lấy cuốc vạch đường đi cho từng xóm, ngõ để bà con theo đó dựng nhà. Ông lại chọn gò đất cao nhất, bổ nhát cuốc đầu tiên, xác định khu đất dân làng sẽ xây dựng một ngôi đình... Khi làng bước đầu ổn định thì ông Nguyễn Tạo ra đi. Ði biền biệt, chưa bao giờ trở lại. Năm 1939, dân làng Thủy Lạc xây đình. Năm 1940 đình hoàn thành, lúc đầu chỉ là tường đất và lợp bổi (sợi cói già). Có đình thì có thờ cúng, dân làng hỏi, chính quyền khi đó bảo: "Cứ tìm người có công với nước, với dân". Dân làng tổ chức đưa bài vị Ðức thánh Trần Khánh Dư về thờ vọng. Nhưng dù vậy, lớp cư dân đầu tiên của Thủy Lạc vẫn canh cánh nỗi niềm về việc đình làng phải có một vị "hộ quốc tỳ dân" (hộ nước giúp dân), như tín ngưỡng của người Việt Nam. Bà con hướng về Nguyễn Tạo, nhưng không biết ông ở đâu. Lập bài vị đưa vào đình để thờ, nhỡ ông vẫn sống thì không thể được. Nỗi niềm ấy được trao lại cho thế hệ con cháu, yêu cầu họ phải làm cách nào đó tìm được Nguyễn Tạo.

Theo thời gian, đình làng Thủy Lạc đã được tu sửa mấy lần. Hồi kháng chiến chống thực dân Pháp, khi bộ đội ta đánh trận bên Trực Ninh, đình Thủy Lạc là nơi tập kết thương binh rồi chuyển lên chiến khu. Năm 1972, đình bị bom Mỹ đánh sập. Dân làng đã dựng lại đình, rồi đình làng dần dần xập xệ. Thời ấy cuộc sống còn khó khăn, muốn xây lại ngôi đình cho khang trang, nhưng bà con không tìm được nguồn kinh phí. Năm 2005, tấm bia cũ ở đình hỏng, bà con liền làm bia mới. Rồi đến năm 2009, dân làng tổ chức họp bàn xây dựng lại đình. Từ 3,6 triệu đồng tiền công đức ban đầu, dân làng cùng một số nhà hảo tâm đóng góp thành 360 triệu đồng, chủ yếu dùng mua vật liệu, thuê người phụ trách kỹ thuật, còn lại việc xây dựng là đóng góp công sức của cả làng. Và năm 2009, một ngôi đình vừa đẹp, vừa cao ráo, rộng rãi, thoáng mát đã ra đời.

Ðúng lúc này, ông Cao Vĩnh Hải - cố vấn Chương trình môi trường và tài nguyên, trong chuyến khảo sát lập quy hoạch vùng biển ngập mặn ở Tiền Hải đã đến làng. Ông cho dân làng biết, Nguyễn Tạo là một nhà cách mạng lão thành, nay đã mất, được an táng ở Nghĩa trang Mai Dịch. Biết tin, dân làng mừng lắm. Bà con cử đại diện đi Hà Nội tìm hiểu. Sau ba lần tới Nghĩa trang Mai Dịch, xác định đúng người cần tìm, lại liên lạc được với gia đình ông Nguyễn Tạo, ngày 2-11-2010, dân làng họp và thống nhất làm đơn, bày tỏ nguyện vọng: "suy tôn cụ Nguyễn Tạo là Ðức bản cảnh Thành hoàng làng, điện thờ tại đình làng Thủy Lạc xã Nam Phú... để tri ân cụ". Ngày 11-8-2011, dân làng cử đoàn đại biểu lên thắp hương bàn thờ cụ Nguyễn Tạo tại 125 Lò Ðúc, Hà Nội, rồi xin được thỉnh chân hương, lập bài vị cụ Nguyễn Tạo và rước về đình làng Thủy Lạc, chính thức thờ cụ. Bà con trong làng kể rằng, ngày rước chân hương là ngày hội của làng. Tới dự, có đại diện chính quyền, đại diện ngành văn hóa, lại có đội kèn của xứ đạo bên xã Nam Thanh sang góp vui. Thế là nỗi niềm canh cánh của cha ông và dân làng đã được giải tỏa. Tấm bia đặt trên lưng rùa đá dựng bên đình làng Thủy Lạc ghi rõ: "Bia thờ Ðức thánh Trần ngài Trần Khánh Dư, làng suy tôn cố Bộ trưởng Nguyễn Tạo Ðức bản cảnh Thành hoàng, các cụ tiên công Trần Tiến Ðịch, Trần Xuân Sinh, Trần Nguyên Tín, Trần Bá Thọ, Phạm Thế Ri cùng nhân dân làng Thủy Lạc, tháng 7-2005 (Tân Dậu)".

Ðồng chí Nguyễn Tạo (1905 - 1994) quê ở làng Thái Yên (Ðức Thọ, Hà Tĩnh). Năm 18 tuổi, ông trốn nhà đi hoạt động cách mạng. Ông là một trong các đồng chí thành lập Ðông Dương Cộng sản Liên đoàn, rồi trở thành đảng viên Ðảng Cộng sản Việt Nam từ ngày đầu thành lập. Từ đó, ông đi gây dựng cơ sở cách mạng ở Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Thái Bình, Nam Ðịnh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Năm 1931, ông bị chính quyền thực dân bắt, kết án 20 năm tù và giam ở Hỏa Lò. Sau, ông cùng với các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Trọng Ðàm, Bùi Xuân Mẫn,... tổ chức cuộc vượt Hỏa Lò nổi tiếng. Vượt ngục, Nguyễn Tạo về lại Thái Bình, đây là thời gian ông đã giúp dân hai làng Thủy Bông, An Lạc di cư khẩn hoang. Từ Thái Bình, Nguyễn Tạo vào Thanh Hóa gây dựng cơ sở và lại bị Pháp bắt giam. Sau Cách mạng Tháng Tám, ông đã được cử giữ nhiều chức vụ quan trọng, như: Giám đốc Công an Nam Bộ, Trưởng nha Ðiệp báo Công an T.Ư, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp T.Ư...

Sau gần 80 năm, trên mảnh đất năm xưa đồng chí Nguyễn Tạo từng góp công gây dựng đã là một làng ven biển trù phú. Ông Trần Xuân Bình, Phó Ban khánh tiết của làng, hồ hởi nói với tôi: 85% số ngôi nhà trong làng đã xây mái bằng, số khác là tường gạch lợp ngói. Còn hai ngôi nhà lợp bổi, vì một nhà rất to nhưng chỉ có một cụ già sinh sống, không nỡ phá đi; ngôi khác thì gia đình khóa cửa để đấy, có lẽ để giữ kỷ niệm cho con cháu về thời ở nhà lợp bổi!

Ông Trần Tiến Thạc, con trai cụ Trần Tiến Ðịnh, một trong năm người đầu tiên theo đồng chí Nguyễn Tạo đi lập làng mới, nay đã 85 tuổi. Ông kể về lịch sử của làng, kể về ngày ông theo cha từ Hưng Hà ra đây, ông bảo: "Giờ đã đưa được cụ Nguyễn Tạo về đình thờ, có nhắm mắt tôi cũng yên lòng". Giống như ông Trần Tiến Thạc, bà con ở Thủy Lạc luôn tự hào về Thành hoàng của làng mình. Một vị Thành hoàng không những có công với làng, mà còn có công với cách mạng, với đất nước. Ði trên đường làng, nắng xế chiều dịu dịu, lại thêm làn gió mát từ ngoài biển thổi vào, mới thấy hết vẻ trù phú, thanh bình của làng quê Việt Nam thời đổi mới. Ðường dây điện lưới quốc gia thẳng hàng đưa điện tới từng hộ gia đình, cần ăng-ten vô tuyến truyền hình lô nhô, thi thoảng một hai chiếc xe máy phóng qua. Ðược quy hoạch từ thời mới lập, nên đường xóm ngõ nghiêm ngắn như bàn cờ, hai bên đường là những ngôi nhà rộng rãi có vườn rau, có hàng cây ăn quả. Ngoài con đường lớn do Nhà nước đầu tư trải nhựa, còn lại toàn bộ đường xóm ngõ đã đổ    bê-tông, kinh phí do bà con đóng góp. Ðất ruộng của làng còn khá rộng, mỗi khẩu được chia 1,6 sào, còn lại hợp tác xã để bà con đấu thầu. Ngoài làm ruộng, một số gia đình ở làng Thủy Lạc còn làm công việc chăn nuôi, đi biển đánh bắt hải sản... Ngôi nhà hai tầng của vợ chồng Vũ Văn Trung - Vũ Thị Quỳnh vừa mới xây, tường ve xanh. Hai con đi học, vừa làm việc nhà, chị Quỳnh vừa nói với tôi: "So với trước, dân làng em đã khá hơn nhiều. Vợ chồng em chịu khó làm lụng, lại được bố mẹ anh em gom góp xây ngôi nhà, cứ từ đây mà đi lên".

Tới nhà ông Nguyễn Văn Kỉnh thì tôi thật sự ngạc nhiên. Nhà cửa thoáng đãng, nhôm kính sáng choang, tiện nghi trong nhà không khác gì gia đình khá giả ngoài thành phố. Ông Kỉnh vừa cùng mấy người em từ Hà Nội về. Họ đi đăng ký xét nghiệm ADN xác định hài cốt người anh trai hy sinh năm 1968 tại Quảng Nam mà gia đình mới tìm được. Nụ cười hồn hậu, cái bắt tay vồn vã, ông Kỉnh là cựu chiến binh. Từ ngày về nhà, ông xoay xở đủ nghề, làm ruộng, làm vườn, thu mua hải sản và tham gia việc làng xóm. Nghe ông kể về ba người con đang học đại học, tôi hiểu thu nhập hằng tháng của ông ra sao. Ông bảo: "Hơn chục năm làm Bộ đội Cụ Hồ, về nhà phải phát huy chứ anh. Ở làng tôi bây giờ, chịu khó làm ăn thì sẽ sung túc. Có vị Thành hoàng như cụ Nguyễn Tạo mà lười nhác, không sống cho tử tế thì làng khác người ta cười cho!".

Về thăm Thủy Lạc, tôi nhận ra sự kết hợp hài hòa giữa hành động hiện thực và tâm thức dân gian. Trong khi ước mơ năm xưa về một cuộc sống ấm no, đủ đầy của đồng chí Nguyễn Tạo cùng các vị "tiên công" làng Thủy Lạc đã và đang trở thành hiện thực, thì hình ảnh của Thành hoàng làng lại được làm đẹp thêm bằng những giai thoại có ý nghĩa tôn vinh. Tôi được nghe các vị cao niên trong làng hãnh diện kể về cụ Nguyễn Tạo phương phi nhưng hiền hậu và giỏi võ, dậm chân một cái là phi thân qua nóc nhà; thi đấu vật ở các làng chung quanh, luôn giành giải nhất; có lý trưởng hống hách với dân, cụ chỉ dẫm lên mu bàn chân một cái là lý trưởng liền đứng ngay như phỗng... Ở ngôi làng đáng mến này, hành động hiện thực và giai thoại tôn vinh của tâm thức dân gian hòa vào nhau, trở thành niềm tự hào, thành động lực văn hóa cho phát triển. Con đê lấn biển ngày nào nay đã thành con đường trải nhựa, con đê mới đã vươn mãi ngoài mép biển xa xa. Chiều về, tiếng trống trường rộn rã, từng đoàn em nhỏ ríu rít tỏa về các xóm ngõ. Trên sân đình trống phách rộn ràng, đội chèo của làng đang tập luyện chuẩn bị dự hội diễn của tỉnh. Trong danh sách tiết mục của đội, tôi thấy có bài hát chèo kể chuyện năm xưa người dân nơi đây chèo thuyền đưa đồng chí Văn Tiến Dũng qua sông trên đường đánh giặc... Vâng, với lịch sử 80 năm, làng Thủy Lạc còn rất trẻ. Và từ những gì đã có, chắc chắn người dân Thủy Lạc sẽ tiếp tục góp công góp sức phát triển quê hương, để xứng đáng với ước nguyện của Thành hoàng, của các vị tiền nhân đã có công lập nên làng mới.