Giới thiệu về lịch sử và nghệ thuật ca trù

Tại đây, nhóm ca trù Thái Hà đã trình diễn những tiết mục đặc sắc. Đông đảo khán giả là các nhà nghiên cứu Việt Nam và Pháp, những người yêu nghệ thuật ca trù đã đến dự.

"Lịch sử và nghệ thuật ca trù" là công trình luận án Tiến sĩ của Nguyễn Xuân Diện, bảo vệ thành công trước hội đồng luận án cấp nhà nước vào tháng 3-2007.

Nhận thấy đây là một công trình nghiên cứu công phu, thiết thực, Quỹ Thụy Điển - Việt Nam Phát triển Văn hóa đã tài trợ xuất bản. Sách do NXB Thế giới ấn hành, vừa ra mắt vào cuối tháng 11-2007.

Giới thiệu ngắn gọn nhưng khá đầy đủ về lịch sử phát triển, cũng như những nét hấp dẫn có một không hai của nghệ thuật ca trù, TS Nguyễn  Xuân Diện thực sự đã làm những người nghe - phần lớn là những văn nhân trí thức, những người am hiểu về bộ môn này- hết sức khâm phục và thích thú.

Theo những nghiên cứu mới nhất của anh, thì tài liệu về ca trù sớm nhất là từ thế kỷ XV. Và trong suốt quá trình phát triển từ đó đến nay, ca trù đã qua những thăng trầm biến đổi, lúc vượng lúc suy. Sinh ra trong cái nôi của văn hoá dân gian, nhưng ca trù lại trở thành một bộ môn nghệ thuật bác học vào bậc nhất của nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam.

Từ những bức chạm khắc dân gian ở các ngôi đình, chùa rải rác khắp nơi từ Bắc Bộ đến Thanh Hoá, Hà Tĩnh, từ những bản thác văn bia, đến những thư tịch cổ trong kho tư liệu  Hán Nôm, cho thấy một quá khứ phát triển rực rỡ của bộ môn nghệ thuật này.

Từng có thời, ca trù là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với các văn nhân trí thức. Tài liệu cổ cũng cho biết, vào thế kỷ 18, ca trù đã được dùng trong nghi lễ đón tiếp ngoại giao cấp nhà nước. Thế kỷ 19 ghi dấu sự phát triển rực rỡ nhất của ca trù, với việc hình thành những "địa danh" nổi tiếng về hát cô đầu như Khâm Thiên, Ngã Tư Sở (Hà Nội). Báo Trung Bắc chủ nhật số 129, năm 1942 cho biết, năm 1938, ngoại ô Hà Nội có 216 nhà hát và gần 2000 cô đầu.

Trong các khu phố có các ca quán ả đào, Khâm Thiên và Ngã Tư Sở là những địa chỉ nổi tiếng vì sự gắn bó với các nhà văn nhà thơ nổi tiếng: Tản Đà, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Hoài Điệp Thứ Lang, Vũ Hoàng Chương.

Nhà văn Vũ Bằng gọi xóm Khâm Thiên là “cái nôi văn nghệ của Hà Nội”.

TS Nguyễn Xuân Diện đưa ra những chi tiết hết sức thú vị như, trong ca trù ngày xưa, có một cô đầu hát và một cô đầu rượu. Cô đầu rượu tất nhiên không bao giờ hát, mà chỉ phục vụ những nhu cầu "thư giãn" của quan viên (quan viên ở đây là người nghe hát).

Còn cô đầu hát thì không bao giờ tiếp rượu, luôn đi với anh trai hoặc chồng, và lúc nào cũng trong tư thế hết mực đoan trang, kể cả trong cách lấy hơi nhả chữ. Chính vì có một thời hiểu nhầm những quy định nghiêm ngặt này, mà những ca nương bị nghi ngờ, ca trù bị "mang tiếng xấu". Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự "suy thoái" của ca trù sau này. Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cùng với một số tàn dư xấu của chế độ cũ, ca trù cũng đã bị quét đi, không thương tiếc.

Cho đến năm 1976, GS Trần Văn Khê  mang ca trù đến với thế giới qua việc ghi âm giọng hát của NSND Quách Thị Hồ. Và bà được Hội đồng Âm nhạc quốc tế của UNESCO và Viện Nghiên cứu quốc tế về Âm nhạc so sánh đã trao bằng danh dự vào năm 1978. Và từ đó tên tuổi của bà cùng tiếng hát ca trù độc đáo của Việt Nam được thế giới biết đến.

Năm 1988, tại Liên hoan Quốc tế Âm nhạc truyền thống ở Bình Nhưỡng, có sự tham gia của 29 quốc gia, băng ghi âm tiếng hát của bà đại diện cho Việt Nam đã được xếp hạng cao nhất. Sau đó, Bà được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Cho đến nay, bà là người đầu tiên và duy nhất được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân ngành Ca trù.

Những năm gần đây, nhiều nhóm, nhiều câu lạc bộ ca trù được thành lập và đi biểu diễn nhiều nơi trong và ngoài nước. Nhiều hội thảo, liên hoan ca trù cũng được tổ chức. Nhiều nhà nghiên cứu tâm huyết, những nhà quản lý, các cơ quan chức năng, cũng như những người yêu mến ca trù đang mong muốn sự trở lại của một bộ môn nghệt thuật truyền thống độc đáo, hấp dẫn và tinh tế, thấm đẫm bản sắc Việt.