Giáo sư Ðặng Ngọc Long - người Việt thành đạt ở nước ngoài

Mới đây tôi lại có dịp gặp lại Ðặng Ngọc Long tại Hà Nội khi anh về nước tham dự Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất. Ngay từ năm 1987 Ðặng Ngọc Long đã đoạt giải đặc biệt Cuộc thi ghi-ta quốc tế tại Hung-ga-ri. Tên tuổi của ông được giới ghi-ta thế giới biết đến và mời đi diễn tại Hung-ga-ri, I-ta-li-a, Tây Ban Nha... Nhiều sách đĩa xuất bản cho ghi-ta: độc tấu, song tấu, tứ tấu của Ðặng Ngọc Long được lưu hành ở châu Âu.

Năm 1994, Trường âm nhạc Béc-nơ (CHLB Ðức) đã tổ chức Cuộc thi ghi-ta mang tên Ðặng Ngọc Long. Năm 2001, ông là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan âm nhạc ghi-ta quốc tế tại Béc-nơ. Năm 2002, Ðặng Ngọc Long về Việt Nam dự Ðại nhạc hội ghi-ta toàn quốc lần thứ nhất và  tài trợ cây đàn trị giá 5.000 USD cho thí sinh đoạt giải nhất. Năm 2004, Ðặng Ngọc Long là Hiệu trưởng Trường âm nhạc Kê-giun-brun-nân và sau đó là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Liên hoan âm nhạc kiêm Chủ tịch Ban Giám khảo cuộc thi ghi-ta quốc tế. Ðầu năm 2009 Ðặng Ngọc Long được phong hàm Giáo sư và được mời giảng dạy tại Ðại học quốc tế Cư-rơ-gư-xtan.

Vừa qua, Nhà xuất bản Âm nhạc Lô-gi-bơ (CHLB Ðức) đã phát hành an-bum ghi-ta mới của Giáo sư Ðặng Ngọc Long có tựa đề: Long plays Long. Trong đĩa CD này tập hợp nhiều tác phẩm của Ðặng Ngọc Long và được chính ông trình tấu. Ngoài các tác phẩm quen thuộc: Núi rừng Tây Nguyên, Hồi tưởng, Bèo dạt mây trôi, Ðặng Ngọc Long đã phát hành một số tác phẩm mới như: Bamboo Ber, Morning-Mai, For Thay... Tại buổi trình diễn ra mắt ở Béc-lin, nhà xuất bản đã giới thiệu chi tiết xuất xứ và nội dung các tác phẩm này và người nghe đã cảm nhận được ý tưởng và triết lý về âm nhạc của Ðặng Ngọc Long và đều nhận thấy nét đặc trưng đó là tính hiện đại pha trộn với chất liệu âm nhạc truyền thống Việt Nam.

Giáo sư Inh-giơ Viếc-sô (Nhạc viện Béc-lin) tặng hoa

cho Giáo sư Đặng Ngọc Long.

Giáo sư Inh-gơ Viếc-sộc (Nhạc viện Béc-lin) nhận xét: "Âm nhạc của Ðặng Ngọc Long mang hơi thở của sự sống đương đại và truyền cảm. Giáo sư tuy sống ở châu Âu nhưng tâm hồn luôn hướng về Tổ quốc và nhiệt huyết luôn tràn đầy. Báo Bưu điện Béc-lin buổi sáng (CHLB Ðức) đánh giá: Nghệ sĩ ghi-ta danh tiếng Ðặng Ngọc Long được người nghe đón nhận nhiệt thành bởi tác phẩm do ông sáng tạo là độc đáo. Nghe ông trình tấu, người ta cảm thấy như đang cùng ông sống  trên quê hương Việt Nam. Tạp chí TIP thì viết: Với kỹ thuật lão luyện khai thác triệt để tính năng cây đàn ghi-ta, Ðặng Ngọc Long đã thể hiện các bản nhạc dân ca truyền thống quê hương ông một cách sinh động và trữ tình.

Chính vì sự mới lạ và hiệu quả của những bản soạn cho ghi-ta của Ðặng Ngọc Long - Hội đồng nghệ thuật liên hoan âm nhạc quốc tế đã chọn làm bài thi bắt buộc cho nhiều kỳ thi ghi-ta quốc tế; tiêu biểu là bài Bèo dạt mây trôi (dân ca quan họ Bắc Ninh do anh chuyển soạn) và Morning-Mai sẽ được chọn làm bài thi vào tháng 10-2010.

Tâm huyết với sự nghiệp phát triển ghi-ta ở quê nhà, Ðặng Ngọc Long hồ hởi cho biết: Tôi đã nhận lời mời của Ban tổ chức Chương trình Xuân quê hương tham gia biểu diễn tại Ðêm hội tôn vinh văn hóa Việt tổ chức vào 6-2-2010 tại Công viên Thiên đường Bảo Sơn, mừng bà con Việt kiều trên khắp thế giới về quê hương ăn Tết. Kế đó tôi sẽ bàn thảo với một số cơ quan để tổ chức Ðại nhạc hội ghi-ta khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 11-2010 tại Việt Nam.

THÁI BẢO