Di tích khảo cổ Sơn Vi và Gò Mun ở Phú Thọ được xếp hạng quốc gia

Di tích khảo cổ Sơn Vi gồm hai địa điểm là Gò Vườn Sậu và Rừng Sóc Lọi (xã Sơn Vi), được phát hiện từ năm 1968 và khai quật vào năm 1969. Trên địa bàn Phú Thọ, đây là cuộc khai quật đầu tiên và duy nhất về văn hóa Sơn Vi - văn hóa của cư dân thời đại hậu kỳ đá cũ, cách đây khoảng 10 nghìn đến 30 nghìn năm.

Hơn 1000 hiện vật được khai quật và tìm thấy tại hai địa điểm trên chủ yếu là các công cụ lao động được chế tác từ đá cuội, với các loại hình bán nguyệt, hình rẻ quạt, rìa ngắn nguyên sơ, chày nghiền, mảnh tước...

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cư dân Sơn Vi là những người sống bằng săn bắt, hái lượm, phân bố từ các tỉnh miền núi phía bắc đến miền trung, thậm chí vết tích công cụ còn tìm thấy ở Tây Nguyên.

Song, Phú Thọ là nơi phát hiện đầu tiên và tập trung dầy đặc nhất di tích văn hóa Sơn Vi với 104 địa điểm. Di vật đồ đá Sơn Vi là cổ vật lâu đời nhất ở Phú Thọ, gồm công cụ, hạch đá, mảnh tước nằm rải rác trên các ngọn đồi thấp ở Lâm Thao và các gò đồi ở các huyện dọc sông Thao, sông Lô.

Sưu tập hiện vật khảo cổ ở Vườn Sậu và Rừng Sóc Lọi đã khẳng định thêm văn hóa Sơn Vi là khác văn hóa Hòa Bình, và hiện diện trước Hòa Bình không chỉ ở Phú Thọ mà các vùng khác của đất nước. Văn hóa Sơn Vi là mắt xích quan trọng trong văn hóa tiền sử ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Di tích khảo cổ Gò Mun (xã Tứ Xã) được phát hiện đầu năm 1961, qua bốn lần khai quật vào các năm 1961, 1965, 1969, 1971 đã thu được hàng vạn hiện vật đồ đá, đồ đồng, đồ xương, đồ gốm thuộc nền văn hóa thời đại đồng thau có niên đại cách ngày nay 2300 - 3000 năm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, cư dân văn hóa Gò Mun là một thực thể cộng đồng chặt chẽ, đời sống vật chất, tinh thần có chuyển biến rõ rệt so với giai đoạn trước. Họ sống chủ yếu bằng chăn nuôi và trồng trọt, ngoài ra còn săn bắt và khai thác thuỷ sản. Các nghề thủ công như đúc đồng, làm gốm, chế tác đá, dệt vải, đan lát, làm mộc, đan lưới cũng là những hoạt động kinh tế quan trọng. Ngoài các công cụ và vũ khí bằng đồng, cư dân văn hóa Gò Mun đã tạo ra được những đồ trang sức tinh tế như các loại khuyên tai bốn màu, khuyên tai hình gối qua, vật hình “đầu trâu” bằng đá ngọc; đồ gốm nhiều kiểu dáng, trang trí hoa văn phong phú và phức tạp; tượng người, tượng thú sinh động làm bằng đồng, gốm, đá.

Những hiện vật này đã góp phần làm sáng tỏ cuộc sống của cư dân văn hóa Gò Mun, giúp chúng ta thấy được sự phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa, thẩm mỹ của người Việt thời kỳ Văn Lang-Âu Lạc. Văn hóa Gò Mun là giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển từ văn hóa Phùng Nguyên đến Đông Sơn, tương ứng với thời kỳ Hùng Vương dựng nước.