Bảo tồn giá trị kiến trúc đô thị Ðà Lạt

Bảo tồn, phát huy những giá trị của kiến trúc đô thị Ðà Lạt đã và đang trở thành nhiệm vụ cấp thiết hiện nay của tỉnh Lâm Ðồng. Theo các chuyên gia kiến trúc, trong hệ thống đô thị nước ta, Huế và Ðà Lạt là hai thành phố có di sản kiến trúc mang tầm cỡ quốc gia và đó là tài sản chung của cả nước.

Thành phố Ðà Lạt hiện có khoảng 1.900 biệt thự lớn nhỏ được xây dựng từ trước giải phóng. Trong đó, có 190 công trình biệt thự mang kiến trúc tiêu biểu, tập trung chủ yếu ở hai khu bảo tồn kiến trúc (là khu biệt thự Trần Hưng Ðạo và Lê Lai). Trên thực tế, hiện một nửa trong số đó đã được tỉnh Lâm Ðồng cho thuê, hoặc bán cho các doanh nghiệp. Nhưng vì mục đích đầu cơ rồi tìm đối tác để sang nhượng trục lợi, phần lớn những ngôi biệt thự này đều rơi vào tình cảnh bỏ hoang, xuống cấp trầm trọng, một số thì đã nhường chỗ cho nhà hàng, khách sạn mọc lên. Thêm vào đó, tình trạng xây nhà trái phép, không phù hợp với quy hoạch chung và thiết kế theo quy định, nhiều khoảng trống của TP Ðà Lạt bị lấn chiếm, rừng nội ô bị tàn phá nặng nề, khiến bộ mặt kiến trúc đô thị của Ðà Lạt ngày càng trở nên nham nhở, nhem nhuốc và nguy cơ sẽ bị phá nát trước "cơn lốc" của quá trình đô thị hóa (ÐTH).

Ông Nguyễn Phước Hùng, một người dân Ðà Lạt cho biết: Ðặt kiến trúc hộp ở Ðà Lạt sẽ không phù hợp. Nếu Ðà Lạt chỉ xây dựng những khối bê-tông như thế mà không chú trọng tôn tạo những giá trị thiên nhiên, thì Ðà Lạt sẽ không còn là Ðà Lạt nữa. Và khi đó, du khách sẽ không lên đây nữa vì những nơi khác cũng có những tòa nhà rất là cao sang hơn.

"Hãy giữ lấy những gì sắp mất và tìm lại những gì đã mất" - Ðó là lời cảnh báo của ông Ku-bô Ta-ku-ô, một người làm công tác quản lý Du lịch ở TP Fu-ji Ka-oa-gu-chi-ko của Nhật Bản, trước cảnh tượng kiến trúc đô thị Ðà Lạt đang xuống cấp nghiêm trọng. Ðể thuyết phục hơn cho nhận định của mình, ông Ku-bô Ta-ku-ô đã đưa ra nhiều minh chứng tương tự mà thành phố Fu-ji Ka-oa-gu-chi-ko của ông đã vấp phải, khiến Chính phủ Nhật Bản đã phải sửa chữa sai lầm bằng cách ban hành nhiều nghiêm luật trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị. Ông Ku-bô Ta-ku-ô cho rằng: "Trong chiến lược phát triển của các bạn có nhắc đến cụm từ "đô thị hóa". Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi hoàn toàn phản đối kế hoạch quản lý các ngôi biệt thự cổ của các bạn. Tuy nhiên, ở Nhật Bản do vai trò người quản lý kinh doanh rất cao nên chính quyền địa phương rất khó quản lý sau khi đã cho thuê các cơ sở này. Nếu ở phía các bạn, chính quyền nói chung và cơ quan quản lý đô thị nói riêng có đủ lực để quản lý, làm sao để các nhà đầu tư nhảy vào mà không thể phá vỡ những quy định chung thì sẽ không có vấn đề gì cả. Hầu hết các đô thị của Nhật Bản đều cố gắng thực hiện điều này, đô thị nào thực hiện tốt thì đô thị đó mới bảo đảm việc bảo tồn các công trình kiến trúc, văn hóa lịch sử".

Tháng 5-2002, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Ðà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2020. Nhưng đến nay, công tác quy hoạch đô thị Ðà Lạt dường như vẫn "dẫm chân tại chỗ", thậm chí thụt lùi so với tốc độ phát triển chung. Ðể cứu vãn Ðà Lạt, chính quyền tỉnh Lâm Ðồng đã quyết định mời một nhóm kiến trúc sư thuộc Viện Thiết kế quy hoạch đô thị Pa-ri và một công ty thiết kế quy hoạch khác của Pháp thực hiện quy hoạch lại Ðà Lạt.

Kiến trúc sư Nguyễn Văn Lập, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Lâm Ðồng cho rằng: Ðà Lạt là thành phố mang dáng dấp của kiến trúc Pháp, có ý nghĩa hết sức đặc biệt, bởi đó là "phố trong rừng, rừng trong phố". Bởi vậy, cần kịp thời bảo tồn, giữ gìn sao cho những giá trị kiến trúc xưa được gắn kết hài hòa với những giá trị kiến trúc nay trong sự phát triển chung của đô thị Việt Nam. Nếu mời được các kiến trúc sư của Pháp tham gia quy hoạch lại Ðà Lạt, thì đó là điều tuyệt vời, thậm chí muộn còn hơn không. Và khi đã có suy nghĩ đúng, thì chắc rằng mọi việc sẽ tốt hơn.

Kiến trúc đô thị Ðà Lạt là cốt lõi quan trọng, có tính chất quyết định sự sống còn của thành phố - đô thị có di sản kiến trúc mang tầm cỡ quốc gia. Vì thế, chính quyền địa phương nơi đây đang ra sức chấn chỉnh, phấn đấu để đưa Ðà Lạt trở thành một đô thị di sản kiến trúc. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, để thực hiện được điều đó, ngoài việc định hướng công tác quy hoạch đô thị một cách riêng và phù hợp, Chính phủ cần ban hành những quy chế riêng cho việc cải tạo và quy hoạch phát triển Ðà Lạt. Có vậy thành phố này mới phát triển đúng hướng theo nét riêng của chính mình, thật sự là thành phố kiểu mẫu trên cao nguyên xanh.