65 năm đào tạo ca sĩ - chiến sĩ

Ðược sự chỉ đạo của Tổng cục Chính trị QÐND Việt Nam, tháng 9-1955, Cục Tuyên huấn đã quyết định thành lập các lớp tập huấn, đào tạo nghệ thuật trong quân đội. Ðây chính là nền tảng ban đầu để phát triển thành Trường Nghệ thuật quân đội, Trường cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật quân đội và đến nay là Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội, trong đó, thanh nhạc là một trong những lớp học đầu tiên thuở ấy, nay là Khoa Thanh nhạc của nhà trường.

65 năm qua, Khoa Thanh nhạc đào tạo hệ quân sự và hệ dân sự, là một trong những khoa quan trọng của Trường đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội, đào tạo ra những diễn viên thanh nhạc đạt chuẩn đầu ra theo từng cấp học, đồng thời cung cấp nhiều nghệ sĩ cho các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài quân đội. Bên cạnh nhiệm vụ trọng tâm là giảng dạy chuyên ngành thanh nhạc, khoa còn có các môn bổ trợ chuyên ngành như: thực hành biểu diễn, hợp xướng, kỹ năng biểu diễn, ngoại ngữ chuyên ngành, hát dân ca… cho đối tượng sinh viên ở các bậc trung cấp, đại học, đại học hoàn thiện thanh nhạc, trong điều kiện cơ sở vật chất được quan tâm cải thiện. Nội dung chương trình đào tạo thanh nhạc bảo đảm tính nền tảng, khoa học, đẩy mạnh thực hành, thường xuyên cập nhật, đổi mới, nâng cao phương pháp giảng dạy theo kịp sự phát triển ca hát thời kỳ mới và đòi hỏi ngày càng cao trong đào tạo, phù hợp với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của xã hội, có chất lượng, hiệu quả và tính định hướng. Cho đến nay, khoa đã đào tạo được 18 khóa, trong đó có bảy khóa bậc trung cấp, bảy khóa bậc đại học chính quy (bốn năm) và bốn khóa bậc đại học liên thông (18 tháng) với tỷ lệ tốt nghiệp bình quân các khóa hơn 85% khá, giỏi, hầu hết sinh viên ra trường đều có việc làm và làm đúng nghề.

Ðội ngũ giảng viên của Khoa Thanh nhạc đã tích cực nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học theo các hình thức tổ, nhóm và từng cá nhân, gắn lý thuyết, kỹ thuật cơ bản với thực hành biểu diễn, thực tập, phát huy tính năng động, sáng tạo và cá tính âm nhạc của từng học viên, sinh viên, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nghiên cứu - sưu tầm, cập nhật nhiều tài liệu chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng bài giảng và phương pháp giảng dạy; tổ chức tốt các kỳ thi, kiểm tra đánh giá kết quả học tập của học viên, sinh viên, nhất là các kỳ thi tốt nghiệp chuyên ngành ở các nội dung kỹ thuật cơ bản và thực hành hát sân khấu. Hoạt động thực hành biểu diễn của giảng viên, học viên, sinh viên trong khoa được chú trọng nâng cao từ giọng hát, kỹ năng biểu diễn, đến kỹ năng hát nhóm, hát bè và được tiến hành thường xuyên. Qua tổng kết hằng năm, chất lượng đào tạo của khoa ngày càng được nâng lên, thể hiện rõ nét thông qua số lượng giải thưởng tại các liên hoan ca hát chuyên nghiệp toàn quân hoặc liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và ở nhiều cuộc thi chuyên nghiệp khác mà học viên, sinh viên của khoa đã đạt được ở cả ba phong cách hát. Nhiều giảng viên của khoa được công nhận là giảng viên dạy giỏi cấp cơ sở và được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. 

Cùng với công tác đào tạo, công tác nghiên cứu khoa học cũng được lãnh đạo khoa thực hiện hiệu quả trên thực tế. Công tác này từng bước giúp các cán bộ, giảng viên tiếp cận các phương pháp dạy học mới, tham gia viết tài liệu dạy học, viết bài báo khoa học đăng trên các báo, tạp chí, đồng thời chú trọng hơn việc gắn kết giữa kiến thức nền tảng và thực tiễn đổi mới của nghệ thuật thanh nhạc, để nghiên cứu khoa học gắn liền với nâng cao chất lượng dạy học của khoa.

Từ năm 2015 đến nay, cán bộ, giảng viên trong khoa đã tham gia viết và bảo vệ thành công hai đề tài cấp Bộ Tổng Tham mưu, bốn đề tài cấp cơ sở, ba tài liệu tham khảo đang trong quá trình hoàn thiện; xây dựng mới và bổ sung chương trình thi chuyên ngành phù hợp với định hướng và tiêu chí đào tạo thanh nhạc của khoa và nhà trường trong tình hình mới. 65 năm qua, Khoa Thanh nhạc xứng đáng là một trong những trung tâm hàng đầu đào tạo các nghệ sĩ - ca sĩ của làng ca múa nhạc nước ta.