Ðánh thức Ngân Thủy

Ngân Thủy là xã miền núi của huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), nằm bên tuyến đường 10 nối hai nhánh đông và tây đường Hồ Chí Minh. Trước đây, mỗi khi nhắc đến Ngân Thủy, nhiều người ngại vì phải đi trên tuyến đường 10 hoang sơ, gập ghềnh. Giờ thì nhiều người đã đến với Ngân Thủy, không chỉ để tìm hiểu nét văn hóa đặc sắc của mảnh đất, con người nơi đây, mà còn được hòa mình vào vẻ đẹp nguyên sơ của đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, khám phá hệ thống hang động độc đáo...

Núi rừng Ngân Thủy trong ánh bình minh.
Núi rừng Ngân Thủy trong ánh bình minh.

Vùng đất giàu tiềm năng

Tuyến đường 10 được bộ đội, dân công mở trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang diễn ra ác liệt để nối nhánh đông với nhánh tây con đường chiến lược Hồ Chí Minh huyền thoại. Kết thúc chiến tranh, tuyến đường lịch sử này gần như bị lãng quên cùng với thời gian. Chỉ dài 33 km nhưng trước thời điểm năm 2000, để đi hết tuyến đường, ô-tô phải chạy mất nửa ngày. Còn với bà con Vân Kiều ở hai bên đường thì đôi chân phải bám riết trên từng mô đá để đi. Cuộc sống khó khăn, đi lại trắc trở cho nên hễ nhắc đến Ngân Thủy, ai cũng ái ngại. Những bản nhỏ bên đường 10 cũng vì thế mà tụt hậu dần so với các làng quê đồng bằng cách đó vài chục cây số. Bù lại, Ngân Thủy có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với đầy đủ hồ, khe suối, đồng cỏ bao la và hệ thống hang động kỳ vĩ chờ được khám phá. Ðặc biệt, nơi đây còn có “hang Ðại tướng” - nơi ghi dấu chân của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trong những ngày ông lưu lại đây để chỉ đạo chiến dịch Ðường 9 Nam Lào và Bộ đội Trường Sơn những năm 1971-1972.

Thế rồi, được sự quan tâm của Nhà nước, đường 10 được hồi sinh và cuộc sống bà con Vân Kiều ở Ngân Thủy có nhiều thay đổi. 15 năm trước, việc đưa cây lúa nước lên với đồng bào Vân Kiều nơi đây đã trở thành một kỳ tích trên hành trình xóa đói nghèo cho bà con các dân tộc thiểu số ở miền tây Quảng Bình. Cùng với lúa nước, nhiều mô hình, cách làm mới như chăn nuôi gia súc, giao đất trồng rừng, làm công nhân quốc phòng để khai thác cao-su đã giúp cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc Vân Kiều dần ổn định đời sống. Nhiều công trình hạ tầng như đưa điện lưới vào bản, làm đường, công trình cấp nước cũng được đầu tư để nâng cao đời sống cho người dân, kéo gần khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng. Từ chỗ ngại đến Ngân Thủy, bây giờ nhiều người lại muốn đến đây để trải nghiệm, khám phá vẻ hoang sơ, lãng mạn của núi rừng đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Một người bạn ở Ngân Thủy đã giúp tôi trải nghiệm một số điểm đến lý tưởng đang dần được “đánh thức” dọc bên tuyến đường 10. Ðầu tiên là khe Nước Lạnh. Có lẽ tên của khe nước được đặt từ chính đặc điểm của nguồn nước chảy dưới khe - mát lạnh dưới cái nắng tháng 5 chói chang. Khe Nước Lạnh với cảnh đẹp hoang sơ giữa đại ngàn, không khí trong lành, nước suối trong xanh chảy len lỏi qua những khe đá, tạo ấn tượng thiên nhiên rất khó quên đối với bất kỳ ai. Ðặt chân đến đây, có cảm giác như lạc sâu vào một không gian yên bình giữa cánh rừng đại ngàn. Con suối nước mát lạnh đổ ra từ đầu nguồn va vào những tảng đá lớn rêu phong của hàng nghìn năm thiên nhiên tạo tác, thành những dòng thác nhỏ tuyệt đẹp. Những làn gió mát rượi của đại ngàn xua tan ngay cái nắng chói chang, oi ả của mùa hè...

Cách đó không xa là hệ thống hang Chà Lòi - nơi từng in dấu chân của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và bộ đội trong những năm chiến tranh. Trong lòng hang, măng đá và thạch nhũ còn nguyên sơ tạo thành nhiều hình thù kỳ lạ như thử thách, kích thích trường liên tưởng của mỗi người. Hang còn có sông ngầm nước biếc xanh, mát lạnh; hay các hồ nước nhỏ, là nơi sinh sống của một số loài tôm, cá có mầu trong suốt rất đặc biệt. Thạch nhũ trong hang động chứa nhiều silic nên mỗi khi chiếu đèn vào trở nên lung linh, tuyệt đẹp. Trở về với bản Còi Ðá, nơi có đồng cỏ trên thảo nguyên xanh mênh mông, có thể khám phá nét văn hóa độc đáo của đồng bào Vân Kiều để hiểu thêm về con người và vùng đất giàu tiềm năng Ngân Thủy. Anh bạn tôi chia sẻ, việc Ngân Thủy làm du lịch bắt đầu vỡ vạc và hứa hẹn mang lại hiệu quả khi thu hút được những doanh nghiệp làm du lịch cộng đồng tâm huyết và bà con bắt đầu có nguồn thu từ chính hoạt động mới lạ này.

Ðánh thức Ngân Thủy ảnh 1

Du khách khám phá hệ thống hang động ở Ngân Thủy.

Phục dựng lễ hội, hồi sinh sản phẩm đặc trưng

Hai năm gần đây, Ngân Thủy được biết đến nhiều và hấp dẫn hơn nhờ những người luôn tâm huyết với công việc và trách nhiệm với cộng đồng. Ðó là Bí thư Ðảng ủy xã Nguyễn Hữu Hán, là Giám đốc Công ty du lịch Netin Trần Xuân Cương. Nguyễn Hữu Hán là kỹ sư nông nghiệp, cán bộ lãnh đạo cấp phòng của huyện Lệ Thủy được luân chuyển về làm Bí thư xã Ngân Thủy. Anh tâm sự, làm nông nghiệp đồng bào Vân Kiều chỉ đủ ăn chứ không khấm khá lên được; muốn sung túc phải tìm thêm con đường làm dịch vụ phục vụ du lịch đang hình thành trên địa bàn. Việc đầu tiên anh làm là vận động bà con bản Còi Ðá giữ vệ sinh môi trường, sắp xếp nhà sàn ngăn nắp để đón khách đến thăm. Sau nhiều lần tiếp xúc với các già làng, anh Hán nghe kể về giống lúa nếp than quý hiếm trước đây. Trong hành trình du cư của mình, người Vân Kiều luôn mang theo một loại giống lúa nếp quý, có hạt gạo mầu đen để gieo trỉa trên nương. Ðó là giống lúa nếp than nhưng nay đã thất truyền. Tại sao không tìm cách hồi sinh giống nếp quý cho bà con, vừa tạo ra sản phẩm đặc trưng phục vụ du khách khi đến Ngân Thủy? Câu hỏi đó đã thôi thúc kỹ sư Nguyễn Hữu Hán quyết tâm tìm cách khôi phục lại giống lúa nếp than. Anh vào huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) tìm hiểu rồi trở về cùng một nắm hạt giống lúa nếp than của người Pa Cô. Anh mày mò thử nghiệm giống nếp quý trong những chiếc xô, chậu nhựa ngay trong vườn nhà. Thêm một vài vụ thử nghiệm trên đồng ruộng, anh Hán đã thành công khi đưa một giống nếp gieo trỉa trên nương thành giống lúa nước có thể canh tác hai vụ trong năm ở Ngân Thủy. Hạt gạo nếp mầu tím sẫm, cơm nếp thơm ngon, nhiều già làng và khách du lịch tấm tắc khen.

Cùng với việc tìm lại giống lúa nếp bản địa mang tới sự mới lạ và hiệu quả cao trong sản xuất cho người dân, Bí thư Ðảng ủy Nguyễn Hữu Hán dày công sưu tầm và đề nghị cấp trên hỗ trợ phục dựng lễ hội mừng cơm mới của người Vân Kiều. Già làng Hồ Thầm ở xã Ngân Thủy cho biết, mừng cơm mới là Lễ hội lớn nhất, được tổ chức vào tháng 10 âm lịch hằng năm của người Vân Kiều, là dịp để bà con tạ ơn trời đất, cầu cho “mưa thuận, gió hòa”, vụ mùa bội thu, cuộc sống ấm no. Ngoài Lễ tế thần lúa và cảm ơn các vị thần linh đã cho dân làng mùa màng bội thu, Lễ hội mừng cơm mới còn là dịp để người Vân Kiều tấu diễn các nhạc cụ truyền thống, hát các làn điệu dân ca, uống rượu cần và thưởng thức các món ẩm thực bản địa. Những năm gần đây, Lễ hội cơm mới của người Vân Kiều bị mai một, còn rất ít người biết. Năm 2019, với sự hỗ trợ của Sở Văn hóa, Thể thao tỉnh Quảng Bình, Lễ hội cơm mới của đồng bào Vân Kiều Ngân Thủy được phục dựng trong niềm vui của những người cao niên như già làng Hồ Thầm. Vậy là từ đây, những làn điệu dân ca như sa nớt, o oát, chà chấp; của những tiếng chiêng, tiếng sáo như sáo pi, sáo khsui, kèn amam, đàn achung, pư kua... đã có dịp để tấu lên. Bản làng rộn rã tiếng đàn, sáo và dân bản mềm môi bên những lu rượu cần. “Già rất vui cái bụng, rất cảm ơn cán bộ Hán và các cán bộ văn hóa giúp bà con nhớ lại Lễ hội mừng cơm mới của người Vân Kiều để bản sắc của đồng bào không mất đi”- già làng Hồ Thầm chia sẻ.

Từ thế mạnh để phát triển du lịch khám phá thiên nhiên hùng vĩ ở Ngân Thủy, Trần Xuân Cương và Công ty du lịch Netin của anh quyết định mở tua du lịch “Khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiều ở huyện Lệ Thủy” trong sự ngỡ ngàng của nhiều người. Ở Quảng Bình trước nay, làm du lịch ai cũng chọn “vương quốc hang động Phong Nha - Kẻ Bàng” còn Trần Xuân Cương lại ngược dòng sông Long Ðại, lên với núi rừng đại ngàn Ngân Thủy. Ở đó, những hang Văn Công, hang Chà Lòi rồi “thung lũng tình yêu” Còi Ðá… cùng những nét văn hóa bản địa đặc sắc, các phong tục độc đáo của bà con Vân Kiều như níu kéo, lôi cuốn anh. Cương kể, ngày đầu anh dẫn nhóm chuyên gia đi khảo sát để mở tua, dân bản nhìn anh với con mắt lạ lùng pha lẫn dò xét, bởi chưa ai hiểu đoàn người lạ đến chốn “khỉ ho cò gáy” này làm gì. Khi nghe anh trình bày cách tổ chức du lịch khám phá, tuyệt đối tôn trọng cảnh quan thiên nhiên thì bà con hiểu và cộng tác tích cực. Sau một năm thử nghiệm làm du lịch ở Ngân Thủy, Trần Xuân Cương quyết định phát triển mô hình du lịch cộng đồng ở đây lên một tầm cấp mới, với những sản phẩm trải nghiệm hấp dẫn như: khám phá hang động, tắm suối, ngủ lều giữa rừng, cắm trại trên thảo nguyên, tìm hiểu cuộc sống và thưởng thức sản vật của bà con dân tộc Vân Kiều...

Bí thư Ðảng ủy xã Ngân Thủy Nguyễn Hữu Hán nhận xét, cùng với khe Nước Lạnh đang được đầu tư khai thác du lịch trải nghiệm, thì sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên, tìm hiểu văn hóa cộng đồng người Vân Kiều của Công ty du lịch Netin bước đầu mang lại hiệu quả trong việc đánh thức, khai thác tiềm năng của vùng đất Ngân Thủy. Bà con nơi đây cũng bắt đầu có thu nhập từ việc cung cấp các sản vật nuôi trồng để phục vụ du khách. Các lễ hội của đồng bào vừa được phục dựng cũng sẽ nương vào du lịch để có điều kiện phát triển. Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao Quảng Bình Nguyễn Mậu Nam cho biết: Phục dựng Lễ hội mừng cơm mới là việc làm thiết thực nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Vân Kiều. Sở sẽ phối hợp với chính quyền địa phương và doanh nghiệp du lịch phát triển lễ hội thành sản phẩm du lịch độc đáo, gắn liền với các danh thắng trên địa bàn.

Tôi rời Ngân Thủy với một hy vọng chứa chan: Ngân Thủy sẽ là địa chỉ mới lạ, hấp dẫn trên bản đồ du lịch Quảng Bình và cả nước!