Bảo đảm an toàn giao thông

Xóa “điểm đen” từ chính con người

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến Sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) sáu tháng đầu năm 2019, và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ ra tình trạng đang xuất hiện các “điểm đen” ngay chính tại cơ quan đào tạo, kiểm tra người lái xe. Làm thế nào để xóa những “điểm đen” nguy hiểm hơn “điểm đen” trên đường này?

Hiện trường vụ TNGT thảm khốc tại Hải Dương ngày 23-7.
Hiện trường vụ TNGT thảm khốc tại Hải Dương ngày 23-7.

Còn quá nhiều lỗ hổng

Chiều 22-7, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, báo cáo: Sáu tháng đầu năm tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả ba tiêu chí, giảm sâu nhất trong nhiều năm. Toàn quốc xảy ra 8.385 vụ TNGT (giảm hơn 7%), làm chết 3.810 người (giảm hơn 7,5%), bị thương 6.358 người (giảm hơn 9,6%) so với cùng kỳ năm 2018. Ðằng sau những con số biết nói này là những nỗ lực không ngừng nghỉ của các cấp, ngành và người dân trong việc phòng ngừa, bảo vệ trật tự an toàn giao thông. Nhưng chỉ chưa đầy 24 giờ sau khi những con số này được công bố, sáng 23-7, trên một đoạn quốc lộ 5 đi qua huyện Kim Thành (Hải Dương), xảy ra ba vụ TNGT nghiêm trọng, cướp đi sinh mạng của bảy người và khiến một số người bị thương. Ngay khi trở về từ hiện trường, trả lời báo chí, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã chia sẻ, ông thật sự bàng hoàng và bị ám ảnh bởi vụ tai nạn này. Ông cho biết, các vụ tai nạn trong sáu tháng đầu năm nay tuy có giảm cả ba tiêu chí, nhưng những vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra đều có chung một nguyên nhân, người điều khiển ô-tô không tỉnh táo, không làm chủ được phương tiện.

Rõ ràng, chưa thể yên tâm với những kết quả đã đạt được khi mà vẫn còn tồn tại nhiều lỗ hổng, bất cập trong bảo đảm ATGT. Ðơn cử như: Chế tài đối với lái xe vi phạm về nồng độ cồn, dùng ma túy còn nhẹ; Quy trình kiểm tra xử lý lái xe dùng ma túy mất nhiều thời gian. Hơn thế, việc kiểm tra sức khỏe đều do lái xe tự đi khám, thiếu sự giám sát của cơ quan chức năng, dễ xảy ra gian lận. Có trường hợp lái xe nhờ người lấy hộ mẫu nước tiểu. Ðối với xe quá khổ, quá tải, có trường hợp chủ xe thuê người giám sát hoạt động của lực lượng chức năng để trốn tránh.

Một vấn đề rất đáng lưu tâm, hiện nay tại các phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) của tất cả các địa phương trong cả nước đều đang lưu giữ rất nhiều giấy phép lái xe (GPLX) nhưng không có người đến nhận. Trong đó, có 122.137 trường hợp (585 GPLX ô-tô) bị tạm giữ để bảo đảm việc xử phạt vi phạm hành chính nhưng quá thời gian hẹn mà người vi phạm không đến nhận; 37.378 trường hợp đã hết thời hạn tước quyền sử dụng GPLX nhưng người vi phạm không đến nhận lại. Ðại tá Cao Minh Phượng, Trưởng phòng CSGT Công an tỉnh Nghệ An cho biết: “Chúng tôi đã gửi thông báo đến người vi phạm yêu cầu đến làm việc theo quy định nhưng đều “bặt vô âm tín”. Một khi điều kiện thi lại GPLX quá dễ, số tiền bỏ ra để xin cấp lại, thi lại ít hơn số tiền phải nộp phạt, thì nhiều người vi phạm sẵn sàng “lách luật”!

Bên cạnh đó, lực lượng CSGT phát hiện không ít người sở hữu hai đến ba GPLX. Ðiển hình như trường hợp ông Ðặng Hữu Bình ở Ðiện Ngọc (Ðiện Bàn, Quảng Nam) sử dụng cùng lúc hai GPLX do Sở Giao thông vận tải (GTVT) Ðà Nẵng cấp. Trong thời gian ông Bình bị Công an Thừa Thiên - Huế tạm giữ GPLX hạng B2 thì ông lại được Sở GTVT Ðà Nẵng cấp GPLX hạng C.

Cần những giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Muốn giảm một cách bền vững cả ba tiêu chí về TNGT, trước hết cần phải xóa được “điểm đen” về ý thức của người tham gia giao thông, và quan trọng hơn là “điểm đen” trong đào tạo, sát hạch, quản lý lái xe. Ðại tá Ðỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng CSGT cho rằng, phải nâng cao công tác quản lý đào tạo và cấp GPLX. Hiện nay, công tác này không đáp ứng được yêu cầu. Các cơ sở cạnh tranh giá học phí, theo dõi thời gian học lỏng lẻo, nhiều người không muốn học nhưng lại muốn có giấy phép... Trong bài thi cấp GPLX thì lỗi dẫn đến không đạt nhiều nhất là lỗi trên sa hình, nhưng lỗi này không phải là lỗi chính dẫn đến TNGT. Trong khi nội dung quan trọng, tiềm ẩn nguy cơ TNGT là kỹ năng đi trên đường thì việc sát hạch đường trường lại rất ít bị trượt!?

Nhiều chuyên gia kiến nghị sửa đổi quy định về cấp lại GPLX ô-tô, quy định trước khi cấp lại do bị mất hoặc hư hỏng phải được Cục CSGT hoặc Phòng CSGT cấp tỉnh xác nhận GPLX không bị tạm giữ do vi phạm quy định pháp luật; quy định đối với tất cả các trường lái xe từ bằng B2 trở lên bắt buộc về sát hạch lại lý thuyết khi bị tước GPLX từ một tháng trở lên, sát hạch lại thực hành khi tước GPLX từ sáu tháng trở lên, học và sát hạch lại cả lý thuyết và thực hành để cấp đổi đối với lái xe bị tước GPLX từ 24 tháng trở lên…

Một điều nữa, khi phát hiện lái xe sử dụng ma túy cần tước bằng lái xe ngay, bởi nếu nương tay, sẽ có nguy cơ gây ra những vụ tai nạn nghiêm trọng. Chỉ khi quy định của pháp luật chặt chẽ, nghiêm khắc, mới có thể kéo giảm sâu số lượng các vụ TNGT hơn nữa, xóa những “điểm đen” do chính con người tạo ra.