Xe buýt Hà Nội nâng chất lượng để hút khách

Cùng với việc mở thêm các tuyến để phủ kín tất cả các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, thì hiện nay các đơn vị vận tải của Thủ đô Hà Nội đã, đang từng bước đầu tư nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu xe buýt để thu hút người dân tham gia đông hơn cũng như tạo điều kiện thuận lợi đi lại cho nhân dân trên địa bàn.

Transerco đưa vào vận hành xe buýt tiêu chuẩn khí thải Euro 4, sàn thấp sản xuất tại châu Âu.
Transerco đưa vào vận hành xe buýt tiêu chuẩn khí thải Euro 4, sàn thấp sản xuất tại châu Âu.

Ngồi trên chiếc xe buýt mới chạy tuyến 92 từ Nhổn lên Sơn Tây, ông Nguyễn Văn Lâm ở thị xã Sơn Tây cho biết, bây giờ đi xe buýt rất hài lòng, vì chất lượng xe cũng như cung cách phục vụ của nhân viên ngày càng được nâng cao. “Tôi làm ở quận Bắc Từ Liêm, nên chỉ cần bắt hai chặng xe buýt là về đến nhà. Chẳng việc gì phải đi xe máy cho vất vả, nguy hiểm, ngồi trên xe vừa mát, vừa sạch, lại có cả wifi nữa”, ông Lâm nói.

Đó cũng là cảm nhận chung của nhiều “khách quen”, nhất là những người đi những chiếc xe buýt vừa được Tổng Công ty vận tải Hà Nội (Transerco) thay mới trên tuyến buýt 62 (Bến xe Yên Nghĩa - Thường Tín), tuyến buýt 91 (Bến xe Yên Nghĩa - Kim Bài - Phú Túc) và tuyến buýt 92 (Nhổn - Sơn Tây - Tây Đằng).

Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty vận tải Hà Nội Nguyễn Công Nhật cho biết, tất cả các phương tiện mới được thay thế trên ba tuyến buýt này đều được nhận diện thương hiệu màu sơn xanh nước biển, có hình cánh chim bồ câu cách điệu gắn biểu tượng Khuê Văn Các, với nhiều tiện ích tăng thêm cho khách như xe tiêu chuẩn khí thải Euro 4; Wifi miễn phí; hệ thống GPS được nâng cấp kết nối tự động thông báo điểm dừng đỗ theo hướng thuận tiện, gần gũi hơn với khách hàng... Đặc biệt, xe được trang bị thêm ba camera để quan sát hành khách trong xe và theo dõi hành trình xe.

Trước đó, đầu tháng 8-2018, ba tuyến buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG được đưa vào khai thác, phục vụ nhân dân đi lại. Cả ba tuyến đều sử dụng xe có sức chứa 50 chỗ, do Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ Xây dựng Bảo Yến đầu tư, quản lý và khai thác. Ông Thái Hồ Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông đô thị (Sở Giao thông vận tải - GTVT Hà Nội) cho rằng, với sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, Sở GTVT, nhất là sự nỗ lực của các đơn vị vận tải từ việc nâng cao chất lượng phương tiện đến cung cách phục vụ, độ bao phủ của mạng lưới tuyến buýt đến nay đã đạt 30/30 quận, huyện, thị xã. Dịch vụ xe buýt đã tiếp cận tới 98% các bệnh viện, 100% các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, 86% các khu công nghiệp, hơn 90% khu đô thị trên địa bàn thành phố...

Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết, với việc mở mới các tuyến buýt, thay thế phương tiện đạt chuẩn, điều chỉnh luồng tuyến phù hợp và không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, sản lượng vận tải hành khách công cộng trong tám tháng của năm 2018 đạt 527 triệu lượt (trong đó sản lượng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt là 306 triệu lượt) tăng 3% so với cùng kỳ, đáp ứng được khoảng 14% nhu cầu đi lại của người dân. Đây là con số rất đáng ghi nhận, đặc biệt trong bối cảnh hạ tầng còn khó khăn và lượng phương tiện cá nhân không ngừng gia tăng.

Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, thu hút thêm người dân lựa chọn xe buýt, dự kiến hệ thống thẻ vé điện tử sẽ được thực hiện thí điểm trên tuyến BRT từ đầu tháng 10-2018. Theo lãnh đạo Transerco cho biết: sắp tới chúng tôi tiếp tục triển khai rà soát nâng cấp, bổ sung các hệ thống phần mềm hỗ trợ quản lý điều hành; tăng cường kiểm tra xử lý vi phạm về thái độ phục vụ, vi phạm doanh thu, chất lượng phương tiện; đẩy mạnh khai thác hiệu quả các hệ thống thiết bị, công nghệ để hỗ trợ điều hành, giám sát chặt chẽ thực hiện kỷ luật chạy xe như giờ xe xuất bến, về bến, dừng đỗ, tốc độ chạy xe, thực hiện đúng lộ trình…

Với các giải pháp đồng bộ như vậy, hy vọng người dân Thủ đô sẽ mặn mà hơn mỗi khi tham gia giao thông bằng phương tiện xe buýt!