Xe buýt - giải pháp chống ùn tắc cho giao thông Hà Nội

Những năm gần đây, số lượng phương tiện cá nhân (PTCN) gia tăng với tốc độ chóng mặt. Phòng CSGT thành phố Hà Nội cho biết, mới tám tháng đầu năm 2018, đã có tới 218.000 ô-tô, xe máy làm đăng ký, cấp biển số mới. PTCN ngày một nhiều, diện tích mặt đường không kịp quy hoạch mở rộng, dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT) ngày càng trở nên nghiêm trọng. Để ứng phó với vấn đề đó, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt luôn được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu nhất.

Vai trò chủ đạo

VTHKCC những năm gần đây được xác định là giải pháp hữu hiệu để giảm ùn tắc, tai nạn giao thông và bảo vệ môi trường, nên hầu hết các thành phố lớn ở nước ta đều có những chính sách ưu tiên phát triển. Các loại hình VTHKCC được công nhận hiện nay gồm có: xe buýt, xe buýt nhanh (BRT), đường sắt đô thị (ĐSĐT), trong đó xe buýt là loại hình phù hợp nhất với hiện trạng giao thông nước ta. Thực tế tại Hà Nội, ĐSĐT vẫn chưa đi vào hoạt động, nên xe buýt đang phải “đóng vai chính”. Hơn nữa trong hệ thống VTHKCC, xe buýt có đầy đủ những ưu điểm như cơ động, thời gian đầu tư nhanh, có thể thay đổi linh hoạt để phù hợp với tình hình giao thông đường bộ cũng như nhu cầu của hành khách.

Không chỉ cơ động, linh hoạt, hệ thống xe buýt cũng là loại hình phương tiện công cộng lâu đời nhất, trải qua thời gian dài được quy hoạch và đầu tư, ngày càng cho thấy những bước tiến đáng kể. Tính đến tháng 5-2018, mạng lưới VTHKCC bằng xe buýt trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có trên 110 tuyến, bao phủ khắp 30 quận, huyện, thị xã tương ứng với 411/584 xã phường, đạt 70,4% độ bao phủ trên địa bàn thành phố, kết nối cơ bản tới các khu đô thị, các cụm dân cư, bệnh viện, trường học và các cụm, khu công nghiệp.

Song song với việc mở rộng tuyến, vùng tiếp cận, hệ thống xe buýt cũng cải thiện nâng cao về chất lượng phục vụ, nhằm thu hút hành khách. Thay thế dần hình ảnh những chiếc xe cũ kỹ, nhả khói đen kịt là hàng loạt xe mới, đẹp hơn, hiện đại hơn. Anh Nguyễn Bá Duy, nhân viên văn phòng tại Hà Nội, một trong những hành khách gần đây đã chuyển sang đi làm bằng xe buýt cho hay “từ ngày chuyển sang đi xe buýt, sáng ra không còn phải chen lấn trên đường, mà còn có wifi miễn phí trên xe để tranh thủ đọc báo sớm”. Không chỉ vậy, xe chạy bằng nhiên liệu sạch (khí CNG) cũng được đi vào hoạt động từ tháng 8 năm nay nhằm hạn chế khí thải ô nhiễm ra môi trường. Xe buýt đã trở nên thân thiện hơn, và được nhiều người dân ưu tiên lựa chọn hơn.

Giải pháp tối ưu trước mắt

Một điều dễ dàng nhận thấy đó là khi xe buýt ngày càng thu hút được nhiều hành khách thì số lượng PTCN lưu thông trên đường sẽ giảm đi đáng kể. Tuy năng lực vận chuyển của xe buýt không bằng ĐSĐT, thế nhưng so với các loại hình PTCN khác, tỷ lệ chiếm dụng mặt đường trên một chuyến đi lại rất thấp.

Những năm gần đây, hệ thống xe buýt phát triển mạnh mẽ ra khu vực ngoại thành. Bà Phạm Thị Liên (xã Cát Quế, Hoài Đức) một hành khách quen thuộc hài lòng: “Từ ngày có xe buýt, mỗi lần bà muốn đi thăm con cháu trong thành phố cũng tiện hơn, đỡ tốn tiền đi ta-xi”.

Xe buýt chính là một trong những phương án hiệu quả nhằm giảm bớt PTCN, từ đó hạn chế tình trạng UTGT, giảm áp lực cho giao thông đô thị. Chỉ cần mỗi PTCN đều có ý thức ưu tiên đường đi cho xe buýt, chỉ cần cơ quan chức năng xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức giao thông hợp lý, xe buýt sẽ càng ngày càng phát huy được những ưu điểm của mình.