Xây dựng hạ tầng để xe buýt phát triển

Dù đã có nhiều chính sách ưu đãi và thường xuyên nâng cao chất lượng phương tiện nhưng xe buýt tại Hà Nội vẫn chưa đạt được mức tăng trưởng như mong muốn, đòi hỏi các cấp, ngành của thành phố cần vào cuộc quyết liệt hơn nữa để vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) thật sự thu hút người dân.

Các tuyến xe buýt hiện vẫn sử dụng chung đường với các phương tiện khác nên rất dễ gây xung đột giao thông.
Các tuyến xe buýt hiện vẫn sử dụng chung đường với các phương tiện khác nên rất dễ gây xung đột giao thông.

Còn nhiều rào cản

Chủ tịch Hiệp hội VTHKCC thành phố Hà Nội Nguyễn Trọng Thông đánh giá, những năm qua, tốc độ vận hành của xe buýt ngày càng giảm. Nếu như vào năm 2013, tốc độ bình quân của xe buýt đạt 23 km/giờ thì nay chỉ còn khoảng 17 km/giờ. Ðiều này là do thiếu hạ tầng dành riêng cho xe buýt. Bên cạnh đó, hạ tầng điểm dừng đỗ, đầu - cuối của xe buýt cũng đang rất thiếu và yếu. Hầu hết các quy hoạch không gian và giao thông đô thị đều chưa tính đến hạ tầng dành riêng cho xe buýt, dẫn đến nhiều bất cập. Trong đó, nhiều tuyến đường nối trung tâm với ngoại thành như quốc lộ (QL) 1 cũ, QL 21B, QL 32… không có vị trí cắm điểm dừng chờ xe buýt an toàn hoặc đủ điều kiện làm nhà chờ che mưa nắng cho người dân. Mặt khác, phần lớn điểm dừng chờ xe buýt trong nội thành đều chưa có điểm gửi xe, chưa đáp ứng nhu cầu kết nối, chuyển từ xe cá nhân sang xe buýt của người dân.

Cần một “lối riêng”

Trước những rào cản hạn chế sự phát triển của xe buýt, nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, trước hết cần tháo gỡ vướng mắc về hạ tầng. Theo ông Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), cần có cơ chế, chính sách ưu tiên để nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt như ưu tiên sử dụng cơ sở hạ tầng và tổ chức giao thông, lựa chọn một số tuyến đường xây dựng đường dành riêng cho xe buýt để nâng cao tốc độ chạy xe, bảo đảm an toàn cho vận hành xe buýt. Ðồng thời khuyến khích người dân đi xe buýt bằng cách ưu tiên về giá vé, phát hành vé miễn phí cho các đối tượng chính sách xã hội, gia tăng tiện ích tại các nhà chờ, điểm dừng, điểm đỗ, điểm trung chuyển tạo thuận lợi cho hành khách.

Giám đốc Trung tâm Quản lý và Ðiều hành giao thông đô thị Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cho rằng, việc tổ chức làn đường riêng là mô hình khá phổ biến ở nhiều đô thị trên thế giới nhằm tăng tính hấp dẫn và hiệu quả cho xe buýt. Tới đây, nguyên tắc lựa chọn hành lang ưu tiên của Hà Nội bao gồm: đủ chiều rộng mặt cắt đường; có lượng xe buýt hoạt động lớn; lưu lượng giao thông phù hợp để không tạo áp lực quá lớn khi có làn đường riêng. Ðặc biệt thành phố sẽ không tổ chức tràn lan mà thực hiện từng đoạn tuyến, từng thời điểm khi đủ điều kiện; tổ chức linh hoạt phối hợp các hình thức ưu tiên (tạo làn riêng kết hợp với giải pháp ưu tiên qua nút giao thông; ưu tiên trong khung giờ cao điểm). Sở Giao thông vận tải Hà Nội sẽ khảo sát cẩn trọng và cân nhắc thời điểm phù hợp. Dự kiến, thành phố sẽ tổ chức phân làn riêng cho xe buýt trên bốn tuyến đường gồm: Nguyễn Trãi - Trần Phú (đoạn từ Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng - Hà Ðông dài 5 km), tuyến Pháp Vân - Giải Phóng - Ðại Cồ Việt (4,7 km), tuyến Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự (5,9 km), tuyến Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Linh Ðàm (9,6 km)...

Với các giải pháp đồng bộ, nhất là ưu tiên hơn về hạ tầng, hy vọng xe buýt sẽ trở thành phương tiện di chuyển tiện lợi với nhiều người dân, góp phần giảm ùn tắc, cải thiện năng lực giao thông cho Thủ đô.