Whitmore, không như đồn đại

Theo các chuyên gia y tế, hiện chưa có số liệu chính xác về tình hình mắc bệnh Whitmore tại Việt Nam, nhưng ghi nhận nhiều trường hợp trong tình trạng rất nặng. Tuy nhiên các chuyên gia cũng cho rằng, Whitmore - không phải là “vi khuẩn ăn thịt người” và bệnh không đáng sợ như mọi người lầm tưởng.

Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đang thăm khám cho bệnh nhân được xác định bị bệnh Whitmore. Ảnh: ĐẶNG THÙY
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đang thăm khám cho bệnh nhân được xác định bị bệnh Whitmore. Ảnh: ĐẶNG THÙY

Trung tâm bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) xác nhận, từ đầu năm đến nay có tổng cộng hơn 80 ca mắc bệnh Whitmore, trong đó có bốn ca tử vong, riêng tháng 8 đã tiếp nhận 12 ca. Trong điều trị cho các bệnh nhân, bác sĩ thấy rằng phần lớn người dân vẫn khá mơ hồ về căn bệnh này.

ThS, BS Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm bệnh nhiệt đới cho biết: Bệnh này do nhà bệnh học có tên Whitmore tìm ra cách đây hơn 100 năm. Whitmore có nhiều thể bệnh khác nhau, có thể bệnh mạn tính và cũng có thể bệnh diễn biến tối cấp, bệnh nhân có thể tử vong sau 48 giờ. Tuy nhiên, thể bệnh tối cấp gặp không nhiều, mà chủ yếu là thể bệnh trung bình, diễn biến cấp tính, bán cấp tính và một số trường hợp diễn biến mạn tính, thậm chí kéo dài nhiều tháng, nhiều năm.

Còn theo PGS,TS Bùi Vũ Huy - giảng viên cao cấp Bộ môn Truyền nhiễm, Trường đại học Y Hà Nội, đồng thời là Cố vấn Khoa nhi, BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, nơi đã tiếp nhận, điều trị cho nhiều bệnh nhân nhiễm Whitmore: “Whitmore không phải là bệnh “vi khuẩn ăn thịt người” như dư luận đồn thổi trong thời gian vừa qua”. Theo ông, đây là một loại vi khuẩn gram âm, yếu, tồn tại trong bùn, đất và chỉ lây nhiễm cho con người thông qua các vết xước, vết thương ngoài da. Trong trường hợp người bệnh không được điều trị kịp thời bằng thuốc kháng sinh sẽ gây ra hoại tử các tổ chức cơ thể, trong đó các tổ chức mà vi khuẩn hay tiến công là xương cánh mũi, xương hàm, cơ tay và chân.

Lý giải nguyên nhân gia tăng số bệnh nhân mắc căn bệnh này trong thời gian gần đây, PGS Huy nhìn nhận: Người nông dân thường xuyên phải tiếp xúc với môi trường bùn đất, nơi vi khuẩn Whitmore cư trú nên việc nhiễm vi khuẩn Whitmore là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt, với những người có cơ địa yếu, sức đề kháng kém, thì nguy cơ nhiễm bệnh càng cao, nhất là người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, viêm gan, người có các bệnh mạn tính về phổi và thận… Đây là các đối tượng cần cảnh báo cao nguy cơ nhiễm vi khuẩn này. Tuy nhiên không vì thế mà người dân phải quá lo lắng. “Chỉ cần bác sĩ xác định đúng bệnh nhiễm khuẩn Whitmore và điều trị theo phác đồ thì sẽ khỏi hoàn toàn. Bệnh không dễ dàng lây lan, không trực tiếp lây từ người qua người”- PGS Huy khẳng định.

Hiện nay, bệnh Whitmore vẫn chưa có vắc-xin phòng bệnh. Để có thể tránh nhiễm bệnh, ThS, BS Nguyễn Quốc Thái khuyên: Vi khuẩn Whitmore không phải tự nhiên từ “trên trời rơi xuống” mà nó có sẵn trong đất. Do đó, cần tăng cường hơn nữa các phương tiện bảo hộ, phòng hộ khi lao động, cũng như trong sinh hoạt nhằm tránh nguy cơ vi khuẩn trong đất xâm nhập cơ thể qua các vết thương. Mặt khác, căn bệnh này hiện cũng chưa có bất kỳ khuyến cáo nào về sử dụng kháng sinh dự phòng, cho nên biện pháp dự phòng cơ bản nhất vẫn là che chắn tốt đường hô hấp trong môi trường khói bụi; và tăng cường biện pháp phòng hộ trong lao động, sinh hoạt nhằm tránh để da bàn chân, bàn tay, các bộ phận trong cơ thể tiếp xúc với đất bẩn.

Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chủ động phòng bệnh Whitmore bằng cách hạn chế tiếp xúc với đất, hoặc nước bẩn, những nơi bị ô nhiễm nặng; sử dụng giày dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tiếp xúc với đất và nước bẩn, đặc biệt đối với những người có nguy cơ cao.