Vướng mắc quỹ đất tái định cư vùng lũ

Hơn một tuần sau những trận lũ quét, sạt lở đất xảy ra ở các tỉnh miền núi phía bắc, công tác khắc phục hậu quả vẫn đang được tiến hành khẩn trương. Lúc này, ngoài việc tặng quà, cứu trợ, hỗ trợ xây dựng lại nhà cửa là hướng ổn định sinh kế lâu dài cho người dân.

Cán bộ và nhân dân xã Lùng Tám chung tay dựng nhà mới.
Cán bộ và nhân dân xã Lùng Tám chung tay dựng nhà mới.

Dựng nhà mới và cải tạo đất

Bản Tùng Nùn, xã Lùng Tám (Quản Bạ, Hà Giang) vốn rất bình yên. Vậy mà gần 30 ngôi nhà bị cuốn trôi hoàn toàn chỉ trong nháy mắt giữa một đêm mưa lũ. Ông Lý Thanh Sơn, Chủ tịch UBND xã Lùng Tám cho biết, ngay sau khi xảy ra lũ quét, người dân đã được đưa đến nơi tránh trú an toàn và hiện nay đang tiến hành xây dựng lại nhà cửa trên nền khu đất mới bằng phẳng và an toàn hơn. Gạt nước mắt, nhiều hộ gia đình đang gượng dậy khẩn trương ổn định cuộc sống ở Tùng Nùn. Anh Lò Chính Cồ, một người dân bị lũ cuốn mất nhà, chia sẻ: “Gia đình tôi đang được các lực lượng chức năng hỗ trợ, anh em họ hàng xắn tay vào mỗi người một việc. Đá hộc đã được chuyển về. Móng đã đào. Nhanh như vậy thì chỉ trong vòng một tháng là các hộ dân có nhà mới để ở”.

Theo tìm hiểu, địa hình xã Lùng Tám chủ yếu là đồi núi hiểm trở dễ xảy ra sạt lở khi có mưa lớn kéo dài, nhiều hộ gia đình bị lũ cuốn trôi trong trận lũ lịch sử này thuộc diện vừa được hạ sơn từ núi cao xuống. Những tưởng sẽ có cuộc sống ổn định sau khi định cư ở nơi mới, nhưng thiên tai khó lường đã lại cướp đi tất cả. Trao đổi với ông Nguyễn Ánh Dương, Bí thư Đảng ủy xã Lùng Tám, được biết, nhiệm vụ trước mắt là ổn định cuộc sống bà con, và khắc phục hậu quả lũ lụt. Sau đó, xã và huyện sẽ lên kế hoạch di dời những hộ gia đình nằm trong vùng có nguy cơ cao về sạt lở sang nơi ở mới an toàn hơn. Ruộng nương cũng đang được cải tạo lại. Bên cạnh đó, xã Lùng Tám sẽ có kế hoạch kêu gọi các nguồn tài trợ trong và ngoài tỉnh giúp bà con chuẩn bị con giống để bắt tay sản xuất, bảo đảm sinh kế lâu dài.

Ở Hà Giang, xã Cao Bồ thuộc huyện Vị Xuyên cũng là một trong những nơi chịu nhiều thiệt hại nhất. Ngày 30-6, hơn 100 đoàn viên thanh niên huyện Vị Xuyên đã chung tay cào cát, đá tràn vào vùi lấp ruộng nương, giúp bà con gieo trồng lại hoa màu. Anh Cháng A Rảy, xã Cao Bồ, cho rằng, do địa hình dốc, chia cắt, nên việc cải tạo đất rất khó khăn và cần làm ngay. Việc làm của các bạn thanh niên đã giúp cho người dân rất nhiều.

Tại Lai Châu, các xã Noong Hẻo, Tả Ngảo (huyện Sìn Hồ) thiệt hại nặng nề. Nhiều người dân được di chuyển đến chỗ ở tạm, sau đó tiếp tục được cảnh báo nguy cơ sạt lở nên phải di chuyển đi xa hơn. Đặc biệt, thiên tai khiến 25/28 ngôi nhà ở bản Sáng Tùng (xã Tả Ngảo) bị vùi lấp, 162 người phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất”. Trưởng bản Sáng Tùng, anh Hạng A Mình cho biết đã tìm được chỗ dựng nhà mới cách bản cũ 3 km là chân núi Chúng Há Là. Lãnh đạo xã Tả Ngảo đã đi khảo sát, cắm mốc, làm việc với chủ nương để tiến hành san phẳng mặt bằng. Đây là nơi an toàn nhất hiện nay cho bà con về định cư. Hiện người dân đang sống bằng nguồn hỗ trợ, mì tôm và lương khô, khó khăn nhất là thiếu nước uống khi lượng người quá đông và thiếu thốn dụng cụ đun nấu.

Các tổ chức tín dụng tiếp tục “vươn tay”

Trước tình hình thiệt hại do đợt mưa lũ, ngày 26-6-2018, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh một số tỉnh phía bắc thực hiện các biện pháp hỗ trợ đồng bào trên địa bàn. Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ đạo các chi nhánh rà soát mức độ thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, cho vay mới khôi phục sản xuất sau mưa lũ; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định tại Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Những ngày qua, ở Lai Châu, Hà Giang, Lào Cai… các ngân hàng đã tích cực ủng hộ, chia sẻ với bà con gặp nạn. Ngân hàng chính sách xã hội trao tặng tỉnh Hà Giang, Lai Châu mỗi tỉnh 300 triệu đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trao 300 triệu đồng cho thân nhân có người chết, bị thương và sập nhà... Ngày 29-6, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Lai Châu cũng đã trao số tiền ủng hộ 1 tỷ đồng cho tỉnh Lai Châu.

Ngoài ra, những việc cần làm gấp lúc này, theo các chuyên gia ở vùng núi phía bắc cần có cơ chế tái định cư, sắp xếp dân cư ra khỏi vùng có nguy cơ sạt lở cao, không để nước đến chân mới nhảy. Nguồn tài chính sẽ rất lớn nên cần huy động mọi nguồn lực để đầu tư. Về vấn đề này, ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu cho biết, hằng năm tỉnh đều có kế hoạch cảnh báo, phòng chống lũ quét, sạt lở đất trên toàn tỉnh. Tuy nhiên cái khó là do địa hình phức tạp, người dân sống bám theo dòng suối, canh tác thâm canh theo mùa ở vùng sâu nên gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền. Về công tác tái định cư, sắp xếp dân cư là một chủ trương lớn, cần bài toán quy hoạch hợp lý mà tỉnh sẽ xin ý kiến của Chính phủ để triển khai.

PGS, TS Khoa học Vũ Cao Minh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), đề nghị, để ứng phó với lũ quét, sạt lở đất cần xây dựng lực lượng tại chỗ, chính là các trưởng thôn bản, đoàn viên thanh niên. Cần tập huấn kỹ năng để họ có thể cùng dân tự ứng phó khi có các biểu hiện bất thường về thời tiết, địa hình nứt, lún.