Vùng rốn lũ căng mình vượt khó

Đợt mưa lớn bất thường đang gây ngập lụt diện rộng, ảnh hưởng đến đời sống của hàng nghìn hộ dân các huyện Chương Mỹ, Quốc Oai (Hà Nội) hơn chục ngày nay. Các cơ quan chức năng đang cùng người dân căng mình chống lụt, hộ đê. Và cũng đã phải tính đến những vấn đề phát sinh khi nước rút.

Ngập úng kéo dài gây nhiều khó khăn cho người dân Chương Mỹ (Hà Nội).
Ngập úng kéo dài gây nhiều khó khăn cho người dân Chương Mỹ (Hà Nội).

Khi làng biến thành sông

Không còn dấu tích của những thửa ruộng màu mỡ, cũng chẳng còn bờ phân định mốc của những trang trại nuôi gia súc, gia cầm và cá vốn rộng hàng héc-ta của các hộ gia đình. Tất cả đường làng, ngõ xóm, đồng điền… đều bị nước bao phủ. Nhiều gương mặt phờ phạc vì gần hai tuần qua lo lắng chạy ngập úng, cứu tài sản. Nhiều thuyền, xuồng, bè tự chế đã được người dân sử dụng làm phương tiện di chuyển. Một số khác lội nước, chuyển thêm đồ gửi đến nơi an toàn. Bà Lê Thị Hiền, người dân thôn Nam Hài, cho thêm muối vào nồi “canh đại dương” (chỉ có cà chua nấu với nước), vừa chia sẻ: “Nước gan lỳ không rút. Dân vẫn phải sống chứ. Chúng tôi phải học cách quen sống trên nước khi làng biến thành sông”.

Lo lắng và tiếc của, cả tuần qua anh Nguyễn Văn Đô (thôn Nhân Lý) gần như thức trắng. Vốn liếng đầu tư nuôi cá trên diện tích 5,4 héc-ta, hàng trăm con gia cầm của gia đình anh coi như đã mất trắng, thiệt hại khoảng 500 triệu đồng. Có mức độ thiệt hại tương đương, anh Nguyễn Hữu Đức (thôn Nam Hài), với đôi mắt thâm quầng, chỉ tay ra vùng mênh mông nước: “Nếu trời không mưa, ít cũng phải tháng rưỡi nữa nước mới rút hết. Cũng như năm ngoái, sẽ chỉ còn trơ lại bờ bãi và bùn nhão thôi. Tay trắng lại hoàn tay trắng!”.

Ở những căn nhà, con ngõ khác, nhiều người dân dùng bàn ghế, kê cao tài sản. Không ít hộ đã dành chỗ cao ráo, an toàn để đặt những chiếc lồng gà, những chú lợn cũng đang nhợt nhạt vì thiếu ăn và lâm bệnh. Xoa lên người chú lợn to lớn đến ngày xuất chuồng, đang được nhốt tạm ở ngõ xóm, ông Nguyễn Trọng Phương (thôn Nam Hài), rưng rưng: “Tôi định đợt này được giá, bán đi sửa nhà. Tôi đã mang đi gửi hơn 20 con. Hai con này không còn chỗ nữa, mấy ngày qua bị ngâm trong nước đang lả đi vì bệnh và không đủ sức đứng lên. Chúng mà làm sao, tôi cũng…”.

Lo lắng cho người dân, người thân, ông Nguyễn Chiến Thắng - Phó Chủ tịch xã Nam Phương Tiến bần thần: “Ba thôn bị cô lập với 842 hộ, hơn 4.000 nhân khẩu, trong đó hơn 687 hộ bị ngập sâu. Chúng tôi đã phải sơ tán những hộ ở khu vực nguy hiểm, nước sâu đến nơi an toàn”. Theo ông Thắng, xã Nam Phương Tiến có 10 thôn trong đó ba thôn ở vùng thấp bị nước sông Bùi tràn vào, gây ngập lụt, thiệt hại khoảng hơn 120 tỷ đồng. Thiệt hại sẽ tiếp tục tăng do số gia súc, gia cầm hiện đang sống trên nóc nhà, sống chung với người dân bị đổ bệnh, chết dần.

Ngoài Nam Phương Tiến, một số xã khác của Chương Mỹ cũng thiệt hại nặng nề như xã Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ… Toàn huyện Chương Mỹ có hơn 3.630 hộ bị ngập nước; tổng diện tích lúa bị thiệt hại là 1.348 héc-ta; rau màu bị thiệt hại 277 héc-ta; hơn 600 héc-ta nuôi cá; diện tích tường bao bị đổ sập 1.789 m; 339 con gia súc chết; 55.629 con gia cầm bị chết hoặc thất lạc…

Chung sức hộ đê

Điều đáng nói, những năm qua, xã Nam Phương Tiến thường xuyên phải gánh chịu những trận lụt lớn, như năm 2008, ba thôn cũng bị ngập sâu nhiều ngày. Gần đây nhất, tháng 10-2017, sự cố vỡ đê sông Bùi khiến xã Nam Phương Tiến bị ngập kéo dài. Nhìn trên bản đồ, Nam Phương Tiến là một xã bao quanh gần như toàn bộ bởi vùng núi của huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), nên đây gần như là vùng thung lũng. Sông Bùi cũng phải chịu áp lực lớn khi xảy ra mưa, nước từ các khu vực núi cao huyện Lương Sơn, huyện Kim Bôi tràn về.

Trước diễn biến phức tạp của thiên tai, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã xuống vùng lũ chỉ đạo các lực lượng chức năng nỗ lực giúp người dân ổn định tinh thần, cuộc sống, sẵn sàng ứng phó với tình huống xấu. Các lực lượng chức năng, quân đội đã được huy động để giúp dân, hộ đê.

Nỗ lực thực hiện các biện pháp, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết sẽ phối hợp để khảo sát toàn bộ đê hữu Bùi, hữu Tích, đê bao, các xã của huyện Quốc Oai, Thạch Thất nếu nước tiếp tục lên cao, cần thiết có thể báo cáo UBND thành phố phương án xả nguồn nước để giữ được đê Tả Tích, Tả Bùi. Phối hợp bảo đảm cứu trợ cho người dân. Sau khi nước rút, sẽ cho xử lý sự cố tràn đê, bởi khi lũ tràn qua mái đê sạt lở đe dọa bảo đảm an toàn cho đê; xử lý công trình khẩn cấp trên tuyến đê sông Hồng.

Ở cấp địa phương, Bí thư Đảng ủy xã Nam Phương Tiến Doãn Tiến Tình nhận định, ba thôn của Nam Phương Tiến và một số xã lân cận thuộc vùng trũng hữu sông Bùi thường xuyên bị nước tràn dẫn đến ngập vào mùa mưa, đó là do cốt đê thấp. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cho rằng không thể nâng cao cốt đê Hữu Bùi, bởi sẽ ảnh hưởng đến đê Tả Bùi. Theo một lãnh đạo thành phố Hà Nội, nếu xảy ra sự cố đê Tả Bùi sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực trung tâm của huyện Chương Mỹ, cũng như toàn bộ quận Hà Đông, một phần huyện Thanh Oai. Đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực nội đô của Thủ đô.

Chuẩn bị cho… hậu nước rút

Điều lo lắng nhất của người dân các vùng ngập lụt lúc này là công tác phòng, chống bệnh tật sau khi nước rút, cải tạo ruộng đồng, tái sản xuất. Chị Đặng Thị Thương (xã Tân Tiến, Chương Mỹ), chia sẻ: “Diện tích lúa mùa mất trắng, bà con chỉ trông chờ nước rút và chờ sản xuất vụ đông! Những ngày này, chồng em vẫn bơi vào vùng không ngập để đi làm công nhân, kiếm chút tiền mua giống mới”.

Khi nước vẫn chưa rút, lãnh đạo các xã bị ngập lụt ở Chương Mỹ đã có cuộc gặp gỡ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Chương Mỹ để kiến nghị các biện pháp giãn nợ cho người dân, hỗ trợ người dân vay vốn tái sản xuất. Còn ông Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ khẳng định, các cơ quan chức năng của huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ, giúp người dân ổn định đời sống, bảo đảm vệ sinh phòng dịch sau khi nước rút.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết thêm, về việc bê-tông hóa tuyến đê Tả Bùi, lãnh đạo thành phố đang nghiên cứu phương án đầu tư dài hạn. Tuy nhiên, phải xem xét tổng thể, về quy hoạch dân cư, quy hoạch phòng, chống lũ, đầu tư cả tuyến đê có tương xứng với phát triển kinh tế - xã hội hay không… Sau đó mới có phương án cụ thể trình Bộ NN&PTNT.

Đó là những vấn đề dài hạn. Trước mắt, các giải pháp giúp người dân sống chung với lũ cần được các cấp chức năng, chính quyền thành phố Hà Nội quan tâm tiến hành rốt ráo hơn, từ việc thiết kế nhà cửa, hệ thống cung cấp nước, hạ tầng giao thông; cần quy hoạch khu dân cư vùng úng ngập, nhất là nâng cấp đê bảo đảm an toàn trước các diễn biến phức tạp của thiên tai.

Vùng rốn lũ căng mình vượt khó ảnh 1

Lực lượng chức năng làm tường bằng bao cát, hộ đê Tả Bùi. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, Sở đã cử đoàn công tác cùng với Trung tâm y tế huyện Chương Mỹ, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hà Nội, Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hà Đông tổ chức kiểm tra sẵn sàng ứng phó, phòng ngừa dịch bệnh trong mùa lũ. “Quan điểm của Sở là nước rút đến đâu thì triển khai phòng, chống dịch và vệ sinh môi trường đến đó” - ông Hiền cho biết.

Người dân kiến nghị, khi gặp khó khăn về nâng cốt đê Hữu Bùi, thì cơ quan chức năng cần quan tâm đầu tư làm đường cao, để người dân di chuyển dễ dàng hơn khi xảy ra úng ngập, có cơ chế hỗ trợ người dân làm cốt nền nhà cao hơn bình thường, tránh nước ngập toàn bộ nhà cấp bốn và tầng một nhà hai, ba tầng.