Vui buồn một năm làm luật

Trong năm 2018, sau một quy trình soạn thảo thẩm định thẩm tra phức tạp, Quốc hội khóa XIV đã phải gác lại một số dự án luật không phải là không quan trọng. Một số dự án khác cuối cùng đã được chỉnh sửa theo phương án được đa số đại biểu tán thành, dù không phải là phương án trình của cả cơ quan soạn thảo lẫn thẩm tra. Ðó là những quyết định sáng suốt và dũng cảm.

Những đạo luật gập ghềnh

Dù được ghi nhận là đã được xây dựng công phu, nghiêm túc, trải qua những phen tranh luận đến “nảy lửa”, Quốc hội cuối cùng đã quyết định tạm dừng dự án Luật Ðơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (Ðặc khu). Ðây là dự án Luật mới, phức tạp, chưa có tiền lệ; nhiều quy định về cơ chế, chính sách trong dự thảo Luật mang tính đột phá cả về tổ chức bộ máy và quan điểm, định hướng phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và bối cảnh tình hình quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp. Không kém phần quan trọng, còn do ý kiến của đại biểu Quốc hội, các cán bộ lão thành, chuyên gia, nhà khoa học và cử tri về một số nội dung của dự án Luật còn khác nhau.

Dự án Luật Hành chính công sáng kiến lập pháp hiếm hoi của một nữ đại biểu Quốc hội, bà Trần Thị Quốc Khánh cũng đã tạm dừng bước. Tại phiên họp thứ 27 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, mặc dù tài liệu, hồ sơ của dự án Luật là công trình nghiên cứu khoa học có giá trị trong hoạt động lập pháp của Quốc hội, nhưng do chưa đạt được những yêu cầu quan trọng là sự thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, tính khả thi và tính quy phạm nên dự án luật được rút ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Sau hai năm chuẩn bị với hàng chục cuộc hội thảo khoa học tập hợp ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế, các đối tượng chịu sự tác động của dự án Luật; tiến hành khảo sát thực tế ở ba địa phương và 11 bộ, ngành cơ quan Trung ương..., việc không tiếp tục hoàn thiện, thông qua dự Luật thật sự là một lựa chọn không dễ dàng chút nào!

Ðược chuyển từ quy trình hai kỳ họp thành ba kỳ họp, dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã có một hành trình gập ghềnh, để rồi cuối cùng còn lại một điểm nghẽn đáng kể nhất: việc xử lý tài sản không giải trình được hợp lý nguồn gốc.

Không có phương án nào hoàn hảo, đã đành, nhưng cũng không có phương án nào dung hòa được ba chân kiềng cho Luật: bảo vệ các quyền Hiến định của người dân nghiêm trị đối tượng tham nhũng bảo đảm tính khả thi ở mức độ chấp nhận được.

Vậy là, trong bối cảnh bức thiết cần có một đạo luật mới để điều chỉnh công tác phòng, chống tham nhũng đang rất nóng hiện nay, cơ quan lập pháp đã đưa ra một quyết định mềm dẻo: chưa bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm giải trình không hợp lý về nguồn gốc vào Luật mà thực hiện như cũ. Nghĩa là, nếu cơ quan có thẩm quyền chứng minh được tài sản do tham nhũng mà có thì tiến hành thu hồi hoặc tịch thu theo quy định của pháp luật tương ứng; nếu chứng minh được có dấu hiệu trốn thuế thì xử lý theo quy định của pháp luật về thuế. Tuy nhiên, Luật đã bổ sung quy định về chuyển vụ việc có dấu hiệu vi phạm được phát hiện trong quá trình kiểm soát tài sản, thu nhập đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết để tăng cường việc xử lý đối với loại tài sản, thu nhập này; đồng thời xử lý nghiêm khắc hơn đối với người có nghĩa vụ kê khai đã kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực. Luật đã được 452/465 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,2%).

Chuyên nghiệp hóa công tác xây dựng pháp luật

Theo dõi sát thì thấy, trong mọi phiên họp về xây dựng pháp luật, các vị đại biểu Quốc hội đều bày tỏ trăn trở về tình trạng “đưa dự án vào, nay xin rút, mai xin lùi, ngày kia lại bổ sung dự án mới”. Dù công nhận chương trình lập pháp đòi hỏi một khối lượng công việc quá đồ sộ, nhưng đại biểu Nguyễn Phước Lộc (TP Hồ Chí Minh) vẫn rất không hài lòng khi ông gửi chất vấn đến 17 vị Bộ trưởng, trưởng ngành về công tác pháp chế; nhưng chỉ được 13/17 vị hồi âm. Tự tìm hiểu phân công của các bộ, ngành về công tác pháp chế, đại biểu Nguyễn Phước Lộc thông tin: 12 người đứng đầu không trực tiếp phụ trách pháp chế, mà ủy quyền cho cấp phó, trong khi đây là lĩnh vực hết sức quan trọng, có ý nghĩa định hướng cho toàn bộ hoạt động của bộ, ngành. Ðó là chưa kể về phạm vi điều chỉnh, khi đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều, nhưng sau đó, đến khi trình ra Quốc hội lại là dự án Luật sửa đổi.

Có thực tế, quỹ thời gian vật chất dành cho việc tham gia góp ý lập pháp là rất hữu hạn. Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình từng thẳng thắn nhận xét, dù các thành viên dự họp có am hiểu đến đâu mà trong một buổi thảo luận về sáu luật thì chắc chắn chất lượng không thể cao được. Sự lo ngại về tính chuyên nghiệp trong xây dựng pháp luật là điều mà ông Nguyễn Hòa Bình bày tỏ tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật của UBTVQH mới đây.

Ðồng thời với việc tiến tới chuyên nghiệp hóa công tác xây dựng pháp luật thì với quy trình như hiện nay, trước mắt không làm tắt, lấy ý kiến kỹ càng hơn và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng pháp luật đó là ý kiến của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

“Công thức” khúc chiết này của người đứng đầu Bộ Nội vụ hoàn toàn chính xác, nhưng việc thực hiện thật sự cần đến nỗ lực rất cao của toàn hệ thống chính trị và cả của người dân, đối tượng chịu tác động cuối cùng của mọi đạo luật.