Thu phí tự động không dừng:

Vì sao tiến độ chậm?

Hoạt động thu phí đường bộ theo hình thức thủ công đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, thiếu minh bạch, một số chủ đầu tư còn giấu doanh thu, lậu tiền phí khiến dư luận bất bình. Trong khi đó, hình thức thu phí tự động (ETC) không dừng được cho là sẽ giải quyết được bất cập trên, nhưng công tác triển khai ETC lại bị chậm tiến độ so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, bởi cách làm cũng đang bộc lộ một số vấn đề.

Nhiều tiện ích, nhưng lộ trình áp dụng thực hiện thu phí tự động vẫn đang gặp phải nhiều rào cản.
Nhiều tiện ích, nhưng lộ trình áp dụng thực hiện thu phí tự động vẫn đang gặp phải nhiều rào cản.

Thiếu minh bạch trong thu phí thủ công

Hình thức thu phí thủ công (thu phí 1 dừng) như hiện nay, thực tế đang bộc lộ một số bất cập như: Tốc độ xử lý thu phí khi các xe qua trạm chậm, có thể gây ùn tắc, mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường tại các trạm thu phí; chưa áp dụng được công nghệ hiện đại để giám sát công tác thu phí nhằm tăng cường công khai, minh bạch trong việc thu phí; phải duy trì một lực lượng lao động lớn để vận hành hệ thống thu phí; chi phí đầu tư hệ thống hạ tầng, thiết bị tại trạm thu phí (TTP) khá lớn...

Hàng loạt vụ việc xảy ra tại các trạm thu phí BOT đường bộ cũng khiến dư luận thêm mất niềm tin vào cách thức thu phí thủ công. Điển hình, trước Tết Nguyên đán Kỷ Hợi ít ngày, một số cá nhân của Công ty Yên Khánh đã bị cơ quan điều tra khởi tố vì dùng công nghệ che giấu, giảm doanh thu thu phí so thực tế trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Sau khi dư luận đặt nhiều câu hỏi về giám sát hoạt động thu phí đường bộ, ngày 27-2 Tổng cục Đường bộ lại tiếp tục ra văn bản về việc lập kế hoạch kiểm tra, giám sát 11 TTP cả nước. Chưa biết kết quả kiểm tra của Tổng cục Đường bộ có củng cố được niềm tin cho dư luận hay không, nhưng với đa số các trạm hiện vẫn thực hiện thu phí thủ công, liệu có cải thiện được tính minh bạch, hiệu quả?

Những câu hỏi chưa lời đáp

Để minh bạch trong hoạt động thu phí đường bộ, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 07/2017/QĐ-TTg về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử tự động không dừng. Theo lộ trình Chính phủ đặt ra cho Bộ Giao thông vận tải (GTVT), đến hết năm 2018, tất cả các TTP đường bộ trên quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh sẽ phải thực hiện ETC không dừng; đến hết năm 2019, công nghệ này sẽ được áp dụng cho tất cả các trạm còn lại. Vậy nhưng, với tiến độ triển khai thực hiện ETC của Bộ GTVT ở thời điểm hiện nay, lộ trình này rõ ràng đã bị chậm so với yêu cầu.

Theo ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Tổng Cục trưởng Đường bộ Việt Nam (Bộ GTVT), việc triển khai thu phí không dừng chậm có nhiều nguyên nhân, là do: năng lực tài chính của nhà thầu cung cấp dịch vụ thu phí yếu; sự phối hợp của các nhà đầu tư dự án BOT chưa cao (khi có nhà đầu tư tìm đủ lý do để trì hoãn); phương án tài chính của các dự án thu phí không dừng chưa bảo đảm, phải điều chỉnh... Trong khi đó, đại diện Công ty TNHH thu phí tự động - VETC (nhà cung cấp dịch vụ ETC không dừng duy nhất tới nay) cho biết: Việc triển khai ETC hiện còn một số vướng mắc khi đàm phán với các nhà đầu tư BOT đường bộ. Trong đó, có vướng mắc về bàn giao nhân lực thu phí, tài sản TTP. Mặt khác, hiện số lượng chủ xe nộp tiền vào tài khoản và sử dụng trả phí tự động cũng không nhiều; mà doanh thu của đơn vị cung cấp dịch vụ ETC lại phụ thuộc vào số lượng xe sử dụng dịch vụ…

Trong khi đó, đại diện một số nhà đầu tư BOT giao thông lại cho biết, họ đồng thuận với ETC không dừng, sẵn sàng triển khai, nhưng vấn đề vướng mắc đang nằm ở cách làm của Bộ GTVT. Theo đó, thay vì tạo cơ chế để nhiều đơn vị tham gia thì Bộ GTVT lại “trao” cho một đơn vị. Bởi theo các nhà đầu tư, Bộ GTVT có thể phát hành thẻ đầu cuối dán trên xe ô-tô để đồng bộ cả nước, còn phần lắp đặt thiết bị đọc thẻ và ETC sẽ có tiêu chuẩn để nhiều đơn vị tham gia. Từ đó, các chủ đầu tư BOT đấu thầu cạnh tranh nhằm tăng chất lượng, giảm chi phí.

Điều đáng nói là Bộ GTVT từ trước tới nay mới chỉ tổ chức đấu thầu và cũng chỉ có một đơn vị “trúng thầu” để cung cấp thiết bị đầu cuối, cung cấp dịch vụ thu phí là VETC. Nghĩa là, khi xảy ra vướng mắc, rất khó nhanh chóng lựa chọn được đơn vị khác thay thế, bổ sung! Chưa kể, việc triển khai thêm “tài khoản giao thông” không nằm trong bất kỳ luật nào về tài chính, tín dụng khiến nó trở nên thiếu an toàn về bảo mật thông tin cá nhân chủ xe và tiềm ẩn rủi ro nếu đơn vị cung cấp dịch vụ thu phí tự động phá sản. Ngoài ra, hiện có nhiều ngân hàng cho vay vốn đầu tư dự án BOT đường bộ, nhưng dòng tiền ETC (cả tiền thu và tiền chủ xe nộp vào tài khoản giao thông) chỉ được mở tại một ngân hàng. Về phía chủ phương tiện, việc quy định phải chuyển tiền trước vào tài khoản giao thông mới sử dụng được dịch vụ cũng khiến người dân không hào hứng do bất tiện, chưa kể nhiều lo ngại khác về tính an toàn, bảo mật…

Dư luận đặt câu hỏi: Vì sao một chủ trương lớn, lợi ích cho cả Nhà nước, doanh nghiệp và lái xe (mà theo đánh giá của Viện Chiến lược GTVT có thể tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm) lại không được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai?

Theo ý kiến các chuyên gia, với chức năng nhiệm vụ của mình, Bộ GTVT phải chịu trách nhiệm về sự chậm trễ này. Bởi, nếu chủ đầu tư không thực hiện theo đúng lộ trình, phải có chế tài xử lý nghiêm. Còn nếu năng lực của nhà cung cấp dịch vụ thu phí chưa đáp ứng được yêu cầu thì phải thay, hoặc yêu cầu đấu thầu để lựa chọn các đơn vị khác.

Theo Tổng cục Đường bộ, hết năm 2018, cả nước mới có 26/44 TTP đường bộ, với 91/605 làn ETC trong giai đoạn 1 được triển khai ETC không dừng. Đồng thời, cả nước có 364 điểm cung dán thẻ đầu cuối trên ô-tô cho ETC; có 680.000 ô-tô dán thẻ ETC (trong tổng số 3,8 triệu ô-tô đang lưu hành). Trong đó, chỉ khoảng 30% có nộp tiền vào tài khoản giao thông và chỉ 20% số đã nộp tiền có sử dụng dịch vụ ETC.