Kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa (23-11-1940- 23-11-2020)

Về cù lao Lá

Vùng cù lao Lá - Rạch Vọp (Ba Tri, Bến Tre) từng là khu căn cứ cách mạng trong những năm kháng chiến. Đặc biệt, vào năm 1940, Tỉnh ủy Bến Tre đã chọn nơi đây làm địa điểm tổ chức hội nghị chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ lịch sử.

Ông Phạm Văn Châu hồi tưởng về quá trình xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và các khu dân cư mới trên vùng cù lao Lá.
Ông Phạm Văn Châu hồi tưởng về quá trình xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng và các khu dân cư mới trên vùng cù lao Lá.

1. Chúng tôi trở lại vùng đất này trong một ngày trời nhiều mây, nắng không quá gắt. Không gian cù lao Lá thật yên tĩnh. Thi thoảng chỉ nghe vẳng lên tiếng nói cười của những bạn hàng cuối cùng còn nán lại sau buổi họp chợ cách UBND xã Tân Mỹ không xa. Bên tách trà nóng, anh Nguyễn Quang Thu, Bí thư Đảng ủy xã Tân Mỹ, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre cho chúng tôi biết thêm về vùng đất nằm cạnh dòng Ba Lai này. Xã Tân Mỹ hiện có ba ấp là Tân Phú, Tân Quý và Tân Thành. Xã nằm về hướng bắc huyện Ba Tri, cách thị trấn Ba Tri 20 km. Cù lao Lá (nay thuộc hai ấp Tân Phú và Tân Quý của xã Tân Mỹ), nằm ở phần cuối của cù lao Bảo. Vùng đất này ngày còn hoang sơ chủ yếu là rừng ngập mặn, nối liền một dải ven sông Ba Lai, được phủ kín bởi các loại cây như cây dừa nước, bần, mắm, đước, chà là gai, rán, dây choại, rau muôi, cóc kèn… và rất nhiều loài động vật hoang dã như chồn, rái, trăn, rắn… Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ, cù lao Lá là nơi đứng chân của Huyện ủy Ba Tri, các lực lượng vũ trang, các ban, ngành huyện và một số cấp ủy cơ sở. Nơi này từng là điểm tổ chức hội nghị quyết định nhiều chủ trương quan trọng, cũng là điểm xuất quân của các chiến dịch tiến công địch.
 
Theo anh Nguyễn Quang Thu, sự kiện về khởi nghĩa Nam Kỳ ở cù lao Lá được ghi lại khá cụ thể trong lịch sử Đảng bộ xã Tân Mỹ, cũng như lịch sử Đảng bộ tỉnh Bến Tre như một trang sử hào hùng để giáo dục tinh thần cách mạng cho thế hệ mai sau. Theo dòng lịch sử ấy, sau sự kiện Bắc Sơn, Chính phủ thực dân Pháp đã hèn hạ đầu hàng, dâng Đông Dương cho phát-xít Nhật và nhận làm tay sai cho Nhật. Nhân dân ta từ đó phải sống dưới hai tầng áp bức của phát-xít Nhật và thực dân Pháp. Tháng 10-1940, do sự xúi giục của Nhật, Thái-lan đã cho quân xâm lược biên giới Cam-pu-chia. Thực dân Pháp có lệnh điều động binh lính Việt Nam sang Cam-pu-chia. Hầu hết anh em binh lính Việt Nam lúc này đều không muốn hy sinh vô ích cho bọn thực dân. Nhiều cơ sở cách mạng trong binh lính đã đề nghị với Đảng cho phép được khởi nghĩa, nếu để địch điều động ra chiến trường thì cơ sở sẽ bị xáo trộn và phải chết một cách vô nghĩa. Xứ ủy Nam Kỳ đã cân nhắc qua nhiều cuộc họp và cuối cùng quyết định chuẩn bị khởi nghĩa. Đồng chí Phan Đăng Lưu được cử ra bắc xin ý kiến của Trung ương Đảng. Nhưng khi đồng chí Phan Đăng Lưu về đến Sài Gòn ngày 22-11-1940 để truyền đạt chỉ thị của Trung ương Đảng về việc hoãn cuộc khởi nghĩa thì mệnh lệnh khởi nghĩa đã được truyền đi khắp nơi.

Ở Bến Tre, Đảng bộ tỉnh nhận được chỉ thị chuẩn bị khởi nghĩa của Xứ ủy giữa lúc phong trào cách mạng trong tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp năm 1939 đã gây tổn thất nặng nề cho Đảng bộ. Sau khi nhận được chủ trương của Xứ ủy, Tỉnh ủy đã tổ chức cuộc họp tại nhà Tám Nhỏ ở khu vực cù lao Lá - Rạch Vọp (ấp Tân Qúy, xã Tân Mỹ ngày nay) bàn kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa. Cuộc họp đang tiến hành thì Mai Văn Đặng - cai tổng Bảo Thuận - dẫn lính đến bao vây. Đồng chí Huỳnh Thiên Tầng - liên lạc viên của Xứ ủy bị bắn trọng thương và bị bắt. Đồng chí Đỗ Nghĩa Trọng - Bí thư Tỉnh ủy bị truy bắt. Trước tình hình trên, Xứ ủy đã cử đồng chí Phạm Thái Bường về Bến Tre làm Bí thư Tỉnh ủy để vừa củng cố phong trào vừa chuẩn bị khởi nghĩa. Và đêm 22 rạng sáng 23-11-1940, nhân dân Bến Tre đã dũng cảm nổi dậy dưới lá cờ đỏ sao vàng, lá cờ khởi nghĩa Nam Kỳ. Cuộc khởi nghĩa mới chỉ nổ ra trong một vùng nông thôn nhỏ hẹp, thiếu sự hưởng ứng kịp thời rộng rãi của nhân dân toàn tỉnh, lại chưa đủ điều kiện phát động chiến tranh du kích để duy trì và phát triển nên đã bị địch tập trung lực lượng nhanh chóng dập tắt phong trào.

Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ tuy thất bại, nhưng ý chí kiên cường, bất khuất và tinh thần cách mạng quả cảm, anh dũng của các chiến sĩ Nam Kỳ vẫn mãi rực sáng, trở thành một dấu son tô thắm truyền thống yêu nước và quật cường của dân tộc Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa đã cung cấp cho Đảng ta nhiều bài học quý báu về tổ chức khởi nghĩa vũ trang và thật sự là một cuộc tập dượt cho Đảng tiền phong và nhân dân ta tiến lên vũ trang khởi nghĩa toàn thắng trong Cách mạng Tháng Tám sau này.

2. “Đến sau giải phóng, vùng đất này vẫn còn là rừng, muốn vào cù lao Lá không phải là chuyện dễ dàng gì, chớ không thuận lợi như những gì anh thấy bây giờ đâu”- Bí thư Đảng ủy xã Tân Mỹ Nguyễn Quang Thu khẳng định.

Để cải tạo vùng đất cù lao này, từ những năm đầu đổi mới, huyện Ba Tri đã chỉ đạo thực hiện hàng loạt công trình kinh, mương, cống, đập được xây dựng hoàn chỉnh bằng công sức của tất cả lực lượng trong hệ thống chính trị và toàn dân. Ông Phạm Văn Châu (Năm Châu), 81 tuổi kể, chính sự chung sức của toàn Đảng, toàn dân huyện nhà, diện tích đất canh tác ở cù lao Lá được mở rộng, gắn với từng bước hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi nội đồng, cầu, đường giao thông, định hình khu dân cư cho vùng đất mới. “Đây là ý tưởng lớn của đồng chí Huỳnh Văn Anh (Chín Anh), nguyên Chủ tịch UBND huyện Ba Tri lúc bấy giờ, đồng thời cũng là người góp công sức rất lớn trong việc cải tạo vùng đất này”- ông Năm Châu nhấn mạnh. Đến năm 1990, công trình cống Vàm Hồ được khánh thành và đi vào hoạt động đã góp phần ngọt hóa, tiêu phèn cho 17 nghìn héc-ta ruộng đất của huyện Ba Tri - Giồng Trôm. Người dân cù lao Lá cũng như nông dân ở các xã thuộc huyện Ba Tri, Giồng Trôm đã bắt đầu lên liếp, cải tạo mô đất trồng dừa, cải tạo ruộng lúa thành những rẫy mía. Những loại cây “thoát nghèo” đã dần phủ xanh vùng đất cù lao, thay thế cho những đồng rừng hoang vu thuở nào.

Để bà con Tân Mỹ nâng cao hiệu quả kinh tế, xã đã khuyến khích bà con trồng xen nhiều cây ăn trái trong vườn dừa như là một giải pháp “lấy ngắn nuôi dài”. Hội Nông dân xã Tân Mỹ đã phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn nông dân cách chọn giống, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật áp dụng vào trồng trọt. Và cây chanh là loại cây đang mang lại hiệu quả cao cho người dân trên vùng cù lao Lá. Cây chanh trồng sau gần một năm thì cho trái, mỗi năm cho trái ba đợt. Nhờ thích hợp với vùng đất ở địa phương, nông dân tích cực chăm sóc nên chanh trồng phát triển tốt, cho năng suất cao. 

Đến nay, nông dân trong xã đã trồng hơn 20 ha chanh xen trong vườn dừa. Bình quân mỗi năm 1 ha chanh thu hoạch gần ba tấn trái, bán trừ chi phí còn lãi hơn 200 triệu đồng. Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Mỹ Huỳnh Văn Rỉ, Hội sẽ tổ chức tuyên truyền kết quả mô hình này cho nông dân trồng dừa ở địa phương biết, đầu tư trồng chanh xen trong diện tích dừa còn lại, nhân rộng mô hình để người dân có điều kiện tăng thu nhập trên diện tích đất canh tác của mình.

Mưa bất chợt rơi trên đất cù lao. Ngồi trong nhà ông Năm Châu, ông khoe với chúng tôi vừa bán 800 trái dừa với giá 110 nghìn đồng/chục. “Trồng dừa mấy chục năm, đến nay nhà tôi mới bán được giá cao thế này” - ông Năm Châu phấn khởi. Với người dân cù lao Lá nói riêng và người dân Bến Tre nói chung, cây dừa vẫn là cây trồng chủ lực, không thể từ bỏ. Dù không phải khi nào cây dừa cũng mang lại niềm vui về nguồn thu cho người dân Tân Mỹ, nhưng người đất cù lao Lá ngày nay đã biết cải tạo vườn dừa, trồng xen canh nhiều cây ăn trái, cho nên đã nâng cao thu nhập, mà vẫn giữ được những vườn dừa rợp đầy bóng mát. Đồng chí Nguyễn Quang Thu cho biết thêm, Tân Mỹ còn vườn chim Vàm Hồ. Hằng năm, từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch, các loài cò, vạc, diệc sẽ về trú đậu, làm tổ, sinh con. Nếu có quy hoạch, khai thác hợp lý, nơi đây có thể phát triển thành khu du lịch để thu hút du khách đến tham quan, mở ra hướng phát triển mới cho Tân Mỹ.

Mầu xanh của cây trái làm cho cù lao Lá- Rạch Vọp vốn chịu nhiều vết thương trong chiến tranh nay tràn đầy sức sống. Tin rằng, người dân vùng đất cù lao đã ghi nhiều dấu ấn lịch sử này sẽ tiếp tục mang đến những đổi thay tươi đẹp hơn cho quê hương mình.

10_1-1605862740888.jpg
Nhiều héc-ta cây ăn trái đang được nhân rộng trên cù lao Lá.