Chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế

Vẫn mạnh ai nấy làm...

Số liệu cho thấy lượng người dùng ứng dụng thăm khám trực tuyến tăng trưởng ấn tượng 600% so trước thời điểm bùng phát đại dịch Covid-19. Các ứng dụng cung cấp dịch vụ mua thuốc từ xa cũng trở nên dễ tiếp cận hơn với người dân. Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực y tế đang có sự phát triển nhanh chóng, song còn gặp nhiều rào cản.

Hình ảnh chiếu chụp của bệnh nhân được Bệnh viện Hữu Nghị chuyển thẳng từ phòng chụp lên hệ thống trực tuyến, giúp các bác sĩ hội chẩn nhanh chóng.
Hình ảnh chiếu chụp của bệnh nhân được Bệnh viện Hữu Nghị chuyển thẳng từ phòng chụp lên hệ thống trực tuyến, giúp các bác sĩ hội chẩn nhanh chóng.

Nhiều lợi ích, cũng nhiều vướng mắc

Theo Bộ Y tế, hiện nay đã có 23 bệnh viện trong số 1.400 cơ sở y tế trong cả nước đang thực hiện dịch vụ chụp X-quang, CT, cộng hưởng từ không in phim, thay vào đó là sử dụng phần mềm trên máy tính, điện thoại hoặc màn hình chuyên dụng để xem, đánh giá, chẩn đoán, trao đổi về ca bệnh.

Ðiển hình như Bệnh viện Ða khoa TP Cần Thơ, đang là một trong những đơn vị áp dụng phần mềm lưu trữ và bảo tồn hình ảnh. Một đại diện bệnh viện thông tin, từ khi thay thế bằng hình thức này, không in phim thì áp lực phải lưu trữ phim giảm đi rất nhiều, mặt khác giúp giảm tác hại tới môi trường. Bên cạnh đó là bài toán kinh tế. Theo tính toán của Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, chi phí để mua phim chụp mỗi năm của các bệnh viện tại Việt Nam là khoảng 2.000 tỷ đồng. Nếu thay thế hình thức này thì số tiền đó có thể chuyển sử dụng loại dịch vụ mới tương tự nhưng hiệu quả tốt hơn nhiều.

Lợi ích là thế, nhưng đến nay vẫn chưa nhiều bệnh viện triển khai. Lý do, như ông Trần Quý Tường, Cục trưởng Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, chia sẻ là Bảo hiểm y tế đang chi trả cho mỗi phim chụp X-quang 27.000 đồng, trong khi nếu sử dụng phần mềm để lưu trữ và bảo quản hình ảnh, qua khảo sát tại các bệnh viện thì chi phí từ 11.000 - 25.000 đồng/phim, tuy nhiên vì vướng mắc liên quan đến mức giá này nên chưa nhiều bệnh viện áp dụng. Theo ông Tường, mức phí 11.000 đến 25.000 đồng này thấp hơn giá in phim hiện được bảo hiểm chi trả, nhưng chuyên gia chẩn đoán hình ảnh cho biết nếu không in phim và dùng hình thức lưu trữ hình ảnh chụp chiếu trên phần mềm, thì cần sử dụng màn hình đọc phim chuyên dụng, chất lượng và hiệu quả đọc mới tốt, nếu chỉ đọc trên màn hình máy tính/điện thoại thông thường thì có thể bỏ sót bệnh. Nhưng đầu tư màn hình chuyên dụng khá cao nên chuyên gia đề nghị mức chi trả cho dịch vụ chụp chiếu không in phim bằng với dịch vụ có in phim. Vì mức chi trả này chưa thống nhất nên mới chỉ có 23 bệnh viện áp dụng. Bộ Y tế đang tính toán giá thành, dự kiến tháng 12 tới đây sẽ hoàn tất, từ đó sẽ có mức giá với dịch vụ này phù hợp cho phía bệnh viện và Bảo hiểm y tế.

Và theo lộ trình Bộ Y tế công bố, đến năm 2023 tất cả các bệnh viện từ hạng 1 trở lên phải áp dụng bệnh án điện tử thay thế hình thức bệnh án giấy, nhưng nếu muốn thực hiện được lộ trình này thì phải tham gia loại dịch vụ chụp chiếu không in phim. Mặt khác, chuyển đổi số lĩnh vực y tế vẫn còn đang vướng trong một số điểm, như việc liên thông giữa các bệnh viện. Bệnh viện A chụp phim, xét nghiệm, bệnh nhân chuyển sang bệnh viện B lại chụp phim, xét nghiệm... Trong khi nếu sử dụng phần mềm không in phim, liên thông giữa các bệnh viện sẽ dễ dàng hơn, tiết kiệm thời gian và chi phí cho bệnh nhân. Vướng mắc ở đây là do hiện nay mức chi cho CNTT trong giá thành dịch vụ y tế chưa đáng kể, có nơi chỉ tính khoảng 0,3% trên phí dịch vụ.

Thiếu “kiến trúc sư trưởng”

Theo ông Nguyễn Ðức Ninh - Giám đốc Công ty cổ phần Giải pháp công nghệ NIDI, lĩnh vực y tế ứng dụng CNTT và chuyển đổi số có phần muộn hơn so với các ngành khác, cơ chế chính sách chưa được đồng bộ và còn nhiều hạn chế. Ðại diện NIDI cho rằng, ngành y tế đang thiếu “kiến trúc sư trưởng”, dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy làm”, phụ thuộc vào chỉ đạo, ngân sách và sự ưu tiên ứng dụng CNTT của lãnh đạo từng địa phương. “Ðiều này vô tình tạo ra những mâu thuẫn, cạnh tranh không lành mạnh khiến công tác triển khai CNTT trở nên manh mún, phân tán. Nếu có các tiêu chuẩn cụ thể về kỹ thuật, được quy định rõ trong văn bản pháp lý, quá trình tích hợp và thống nhất dữ liệu sẽ hiệu quả hơn. Khi có nhiều doanh nghiệp nhà nước và tư nhân cùng tham gia, khung pháp lý chung sẽ tạo điều kiện để phát huy nguồn lực, đồng bộ hóa dữ liệu theo quy chuẩn của Bộ Y tế” - ông Ninh nói.

Bên cạnh, chuyển đổi số trong y tế hiện nay thiếu các chương trình hành động cụ thể. Trên thực tế, cơ sở hạ tầng CNTT của các tuyến dưới như bệnh viện huyện, trạm y tế xã chưa đầy đủ, khiến các công tác triển khai ban đầu gặp nhiều trở ngại. Các cấp từ sở y tế trở xuống chưa chú trọng đầu tư nhân lực chuyên trách, dẫn đến tình trạng không đủ năng lực tiếp nhận, giám sát, phụ thuộc hoàn toàn vào doanh nghiệp công nghệ. Chính vì vậy, nhiều chuyên gia đề xuất, Bộ Y tế cần có cơ chế phát triển đội ngũ nhân sự CNTT đi cùng xây dựng chính sách. Phát triển nhân lực về lâu dài sẽ là tiền đề quan trọng, thúc đẩy chuyển đổi số y tế tuyến tỉnh thành công.

Ðồng quan điểm, theo BS CKII Nguyễn Quốc Hùng - Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, phía cơ sở y tế, các đơn vị muốn chuyển đổi số đầu tiên phải có tầm hiểu biết nhất định về vấn đề này. Sau đó, phải đào tạo được cán bộ, nhân viên, có nguồn lực và kinh tế. Trước mắt, để bảo đảm việc chia sẻ dữ liệu y tế được thuận lợi thì phải có một cơ sở dữ liệu chung giữa các bệnh viện, sở y tế và Bộ Y tế. Việc chia sẻ dữ liệu y tế không thể triển khai ở một vài cơ sở y tế mà phải thực hiện đồng bộ để bảo đảm tính bảo mật thông tin cho người bệnh. Ðể làm được điều này, các cơ sở y tế phải đầu tư cơ sở, trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là triển khai phần mềm quản lý bệnh viện. Trong khi, phần mềm quản lý bệnh viện đòi hỏi sự đầu tư lớn nên cần định mức phù hợp mới có thể triển khai rộng, thúc đẩy nhanh việc chuyển đổi số và ứng dụng CNTT trong lĩnh vực y tế.