Vẫn cần có quy định, mức phạt nghiêm khắc hơn!

Đó là khẳng định của ông Khuất Việt Hùng (ảnh bên), Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia với báo Nhân Dân cuối tuần trong cuộc trả lời phỏng vấn về tác động của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Vẫn cần có quy định, mức phạt nghiêm khắc hơn!

- Thưa ông, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1-1-2020, theo ông mức độ lan tỏa đến người dân ra sao?

- Các đơn vị chức năng đã nhập cuộc tích cực, trách nhiệm. Luật cũng có tác động rất tích cực và được người dân đồng thuận cao. Vừa rồi, về quê đám cưới, tôi đã thấy không còn cảnh ép nhau uống rượu. Một số người phải lái xe thì đã cương quyết không uống. Đây là dấu hiệu rất tích cực. Ở các khu vực đông nhà hàng, quán nhậu số lượng xe đã giảm. Cũng bởi các lái xe đã chuyển cách di chuyển khác như đi xe ôm, ta-xi.

Một điều nữa chúng tôi thấy rất tích cực, là từ khi luật đi vào đời sống, số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) giảm. Thống kê hơn một tuần vừa qua cho thấy bình quân 17 người chết/ngày, trong khi bình quân số người chết vì TNGT năm 2019 là 21 người/ngày.

- Đang có ý kiến cho rằng, mức xử phạt đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn từ 50 miligam/100ml máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở trở xuống, là quá thấp, dẫn đến xử phạt không chính xác. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

- Thật ra quy định này đã được thực hiện từ 10 năm qua. Giờ các quy định được điều chỉnh chặt chẽ, đầy đủ hơn và quan trọng là phù hợp với nhu cầu quản lý thực tiễn. Tôi xin nhấn mạnh lần nữa, không có chuyện xử phạt không chính xác được. Lực lượng chức năng đủ năng lực và kinh nghiệm để phân biệt người vừa uống rượu, bia với người vừa ăn một số loại trái cây mà có người cho rằng có thể phát sinh nồng độ cồn. Người vừa ăn trái cây thì dư lượng cồn chỉ ở khoang miệng. Còn người bị kiểm tra nồng độ cồn, phải thổi ra tối thiểu một lít khí thở để đo. Nếu thật sự, người nào ăn hoa quả mà kiểm tra ra kết quả dương tính với nồng độ cồn, hoàn toàn có thể kiến nghị, kiểm tra lại.

- Thưa ông, tăng chế tài và mức phạt liệu đã đủ sức răn đe?

- Với quy định mới, người đi xe máy vi phạm đặc biệt nghiêm trọng bị phạt 6-8 triệu đồng và người đi ô-tô 30-40 triệu đồng, tương đương 1-2 tháng lương (giả định người đi xe máy có thu nhập 3-5 triệu và đi ô-tô có thu nhập 15-20 triệu đồng mỗi tháng). Theo tôi, mức phạt này còn chưa cao. Tại một số nước như Nhật Bản mức phạt 5.000-10.000 đô-la, Anh và Xin-ga-po khoảng 4.000 đô-la. Ngoài ra, người vi phạm còn chịu phạt tù ba đến sáu tháng như ở Anh, Xin-ga-po, thậm chí ba năm như ở Nhật Bản, Hàn Quốc, kèm theo tước bằng, phạt lao động công ích. Nếu tái phạm, người vi phạm sẽ chịu mức phạt lũy tiến cao.

Trong điều kiện Việt Nam, nâng mức phạt như Nghị định 100 là cần thiết nhưng mới giải quyết được một góc của vấn đề. Hiện nay chúng ta chưa có dữ liệu về lái xe vi phạm an toàn giao thông nên tính răn đe trong xử phạt còn chưa cao. Thời gian tới, cần có hệ thống dữ liệu quốc gia về vi phạm trật tự an toàn giao thông, quản lý việc tuân thủ pháp luật của lái xe và phạt lũy tiến nếu tái phạm.

Theo tôi, “chế tài” nặng nhất và đau xót nhất, đối với người vi phạm có thể là những tai nạn đau thương, mà điều này chẳng ai muốn.

- Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có các biện pháp gì để bảo đảm an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến gần?

- Chúng tôi xây dựng Kế hoạch với chủ đề “Đã uống rượu, bia không lái xe” và đã ra quân từ ngày 28-12-2019, với nhiều giải pháp cụ thể. Chính phủ cũng ban hành Công điện số 1658/CĐ-TTg, chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy; chú ý các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT, ùn tắc giao thông, như: Vi phạm về nồng độ cồn, ma túy; chạy quá tốc độ quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô-tô, xe gắn máy; sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện cơ giới; chở quá tải trọng quy định...

- Xin trân trọng cảm ơn ông!