Ứng phó với giai đoạn mới của dịch Covid-19

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa đưa ra khuyến cáo, các nước cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với dịch bệnh Covid-19 trong bối cảnh dịch ngày càng lan rộng tại nhiều quốc gia ngoài Trung Quốc, như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran… Tại Việt Nam, thời gian qua, với sự nỗ lực tham gia đồng bộ của các bộ, ngành, địa phương và của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, điều trị thành công 16/16 ca mắc. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của Covid-19, chúng ta không được phép chủ quan mà cần tiếp tục kiên trì, quyết liệt ngăn chặn dịch.

Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng phòng, chống dịch Covid-19 tại Trường tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: ANH HÙNG
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng phòng, chống dịch Covid-19 tại Trường tiểu học Hoàng Diệu, quận Ba Đình (Hà Nội). Ảnh: ANH HÙNG
Ứng phó với giai đoạn mới của dịch Covid-19 ảnh 1

Lực lượng chức năng kiểm tra khai báo y tế của những hành khách đáp chuyến bay từ Hàn Quốc đến sân bay Cam Ranh (Khánh Hòa) chiều 25-2. Ảnh: NGUYỄN DŨNG (TTXVN)

Diễn biến dịch khó lường

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch bệnh đến nay đã lây lan sang 41 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi bùng phát tại Trung Quốc đại lục hồi cuối tháng 12-2019. Giới chuyên gia cảnh báo, thế giới đang nhanh chóng tiến đến một ngưỡng nguy hiểm khi Covid-19 phát triển nhanh hơn nỗ lực kiềm chế dịch. Số người chết vì dịch Covid-19 ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Iran tiếp tục tăng cao. Tính đến 12 giờ (giờ Việt Nam) ngày 26-2, thế giới đã có 2.763 người tử vong vì dịch Covid-19 do vi-rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra, trong đó có 2.715 ca ở Trung Quốc đại lục. Số ca nhiễm trên thế giới lên đến 80.997 người.

Đến nay Hàn Quốc là quốc gia có số ca nhiễm Covid - 19 nhiều nhất thế giới bên ngoài Trung Quốc đại lục. Tới sáng 26-2, Hàn Quốc có 1.146 ca nhiễm SARS-CoV-2, và 12 ca tử vong. Hai cụm lây lan dịch được xác định là một nhà thờ giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa) ở Daegu và một bệnh viện tại huyện Cheongdo (tỉnh Bắc Gyeongsang).

Cách ly là cần thiết và bắt buộc

Trước tình hình dịch Covid-19 tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp tại nhiều nước trên thế giới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 25-2 đã ký Chỉ thị 10 về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch Covid-19. Đây là Chỉ thị thứ ba Thủ tướng ký ban hành kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đề cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan, thực hiện nghiêm các giải pháp phòng, chống. Việt Nam tạm dừng nhập cảnh đối với người đến từ hoặc đi qua vùng có dịch. Với người nhập cảnh vì mục đích công vụ, trong trường hợp đặc biệt, phải khai báo y tế, cách ly tập trung 14 ngày theo quy định.

GS,TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Y tế nêu rõ, cách ly kiểm soát nguy cơ lây truyền Covid-19 là cần thiết và bắt buộc trong phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. “Bài học cách ly tại xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) đã cho thấy hiệu quả kiểm soát dịch và minh chứng các biện pháp đã áp dụng là đúng đắn, cần thiết” - ông Long nói. Chính phủ đã có chỉ đạo cách ly tất cả những người đến từ vùng dịch bao gồm trong nước và nước ngoài (31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc; thành phố Daegu và tỉnh Bắc Gyeongsang của Hàn Quốc). Theo quy định hiện hành, nếu cách ly người nước ngoài phải thông báo cho đại sứ quán, hoặc lãnh sự quán của công dân nước đó. Riêng đối với các du khách đến từ khu vực khác thì không cách ly mà chỉ khuyến cáo du khách tự theo dõi sức khỏe, nếu có dấu hiệu thì báo ngay cho cơ sở y tế.

Tuy nhiên, việc cách ly người đến từ vùng dịch đang gặp những khó khăn. Như trường hợp 22 du khách đến từ Daegu (Hàn Quốc) vào Đà Nẵng không đồng ý cách ly khiến cho cơ quan chức năng gặp khó. Hay như mới nhất là hai du khách Hàn Quốc (một nam, một nữ) đến từ tâm dịch Daegu lấy phòng resort trên đường Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thiết nhưng sau khi được yêu cầu tự cách ly đã phản ứng, trả phòng và rời đi.

Trước tình hình này, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã khẳng định không có chuyện thương lượng với những người đến từ tâm dịch ở Hàn Quốc mà bắt buộc phải cách ly, cưỡng chế cách ly. Cụ thể, Bộ Y tế đã có công văn đề nghị các tỉnh, thành phố áp dụng khai báo y tế đối với tất cả khách nhập cảnh đến từ hoặc đi qua Hàn Quốc. Từ đó để phát hiện sớm những người có dấu hiệu sốt, ho, khó thở để tổ chức cách ly y tế kịp thời. Riêng những người đến hoặc đi qua khu vực Daegu, khu Bắc Gyeongsang (tâm dịch ở Hàn Quốc) thì bắt buộc phải cách ly tập trung. Địa điểm cách ly do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố ở địa phương chỉ định.

Kiên quyết không để “đốm lửa âm ỉ nào”

Đánh giá về tình hình dịch Covid-19, GS,TS Nguyễn Thanh Long nhận định, tới đây dịch sẽ chuyển sang giai đoạn mới thử thách hơn, khó khăn hơn. Ứng phó cấp bách, tại TP Hồ Chí Minh, ngoài Bệnh viện dã chiến công suất 300 giường ở huyện Củ Chi đang hoạt động, 24/24 quận, huyện đã hoàn thành thiết lập cơ sở cách ly tập trung với công suất 657 giường phòng Covid-19, nâng tổng số giường phục vụ cách ly tập trung tại các cơ sở y tế, bệnh viện hiện nay khoảng 1.000 giường. Người cách ly tại Bệnh viện dã chiến thành phố và các cơ sở cách ly tập trung tại các quận/huyện nhằm phòng, chống dịch Covid-19 được phục vụ ba bữa ăn miễn phí mỗi ngày.

Vào cuộc khẩn trương, ở Thủ đô Hà Nội, theo báo cáo của Công an TP Hà Nội, phục vụ việc tổ chức cách ly, Bệnh viện Công an Thành phố (số 9 Văn Phú, Hà Đông - Khu cách ly của thành phố) đã chuẩn bị 44 phòng cách ly tương đương 88 giường, tại một tòa nhà của Trung tâm huấn luyện Công an thành phố. Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cũng đã chuẩn bị sẵn sàng để đón công dân Việt Nam từ vùng có dịch về nước thực hiện việc cách ly theo quy định với số lượng lên tới hơn 1.000 người. Việc tiếp nhận, theo dõi người bị cách ly, trang bị thiết bị, vật tư y tế cần thiết đã sẵn sàng.

Ngoài ra, theo cơ quan chức năng thủ đô, thường xuyên có khoảng 20 nghìn đến 23 nghìn người Hàn Quốc đang sinh sống tại Hà Nội. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, hiện nay chúng ta chưa kiểm soát được những người đi nước ngoài về, không biết đi đâu, gặp những ai. “Cần tuyên truyền, gặp gỡ, đề nghị những người này thực hiện các biện pháp hạn chế tiếp xúc với người khác trong 14 ngày, thì mới chủ động phòng dịch được”, ông Hiền nói. Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cũng nhấn mạnh, hiện nay, các khu vui chơi, các khu du lịch tâm linh, đặc biệt là các khu sân golf người Hàn Quốc đến rất nhiều nên cần có các biện pháp kiểm soát thân nhiệt những người đi lại tại các khu này.

Phía Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Hà Nội đang xúc tiến sàng lọc lao động Hàn Quốc, Nhật Bản... có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2. Trên địa bàn thành phố, lao động đến từ Hàn Quốc gần 10 nghìn người, Nhật Bản hơn năm nghìn người, Trung Quốc hơn một nghìn người. Theo Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Hà Nội Nguyễn Hồng Dân, thực tế, số lao động nước ngoài đang làm việc có biến động so với số giấy phép được cấp, bởi có những người về nước dịp Tết, có người nghỉ phép chưa quay trở lại, có người mới hết hạn giấy phép lao động. Sở tiếp tục thống kê danh sách lao động nước ngoài đang làm việc trên địa bàn thành phố, nhất là những người đến từ quốc gia, vùng có dịch. Sở cũng yêu cầu các doanh nghiệp sử dụng lao động nước ngoài đến từ vùng có dịch, rà soát, báo cáo rõ những thông tin liên quan đến người lao động. Qua đó sẽ sàng lọc, khoanh vùng những đối tượng có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 để tổ chức cách ly, theo dõi.

Việt Nam đã và đang chống dịch với năm phương châm: ngăn chặn triệt để; phát hiện sớm nhất; cách ly ngay lập tức; khoanh vùng thật gọn; dập tắt triệt để, quyết không để “đốm lửa âm ỉ” nào. “Cuộc chiến” phòng, chống dịch Covid-19 còn rất dài và khó khăn, vì vậy đòi hỏi cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và của cả hệ thống chính trị, tiếp tục kiên trì, quyết liệt, nghiêm khắc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và luôn trong tư thế sẵn sàng ứng phó.

Trước tình hình diễn biến phức tạp, khó lường của dịch Covid-19, để bảo đảm các điều kiện an toàn cho học sinh, sinh viên, học viên trở lại trường học tập sau thời gian tạm nghỉ học, ngành giáo dục đề nghị các địa phương thực hiện tốt phương châm bốn tại chỗ: dự phòng, cách ly, điều trị tại chỗ; cơ sở vật chất, trang thiết bị, thuốc chữa bệnh, dụng cụ phòng hộ theo yêu cầu tại chỗ; kinh phí tại chỗ; nhân lực tại chỗ. Theo đó, các cơ quan chức năng cần rốt ráo phối hợp, hướng dẫn, triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong trường học, để các địa phương, mỗi nhà trường căn cứ vào đó xây dựng kế hoạch, quy trình bảo đảm an toàn cho đơn vị mình, sẵn sàng đón học sinh trở lại, trên tinh thần đặt an toàn của người học lên trên hết.