Ứng dụng công nghệ cao chống dịch Covid-19

Ứng dụng công nghệ cao đang trở thành một trong những yếu tố được nhiều quốc gia sử dụng để khống chế dịch Covid-19. Ở Việt Nam, mới đây nhất, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Bộ Y tế phối hợp đưa ra phần mềm truy vết Bluezone với nhiều phản hồi rất tích cực, mở ra triển vọng kiểm soát dịch bệnh hiệu quả và lâu dài hơn.

Cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19.
Cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19.

Nhiều sản phẩm "Made in Vietnam"

Theo Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, ứng dụng Bluezone là một bước tiến mới, có tính đột phá trong việc sử dụng công nghệ để phòng, chống dịch. "Ứng dụng chỉ ra đúng những người tiếp xúc đủ gần và đủ lâu để có thể lây nhiễm, tránh việc một người bị nhiễm thì cả làng, cả khu bị cách ly. Phần mềm này mang tính toàn cầu, sẽ được để ở dạng nguồn mở để các quốc gia chia sẻ. Ngoài ra, với phần mềm này, các công ty, các hãng công nghệ lớn như Apple và Google sẽ chung tay phát triển và để người dân được quyền giám sát phần mềm mình đang dùng liệu có an toàn không", "tư lệnh ngành" Thông tin và Truyền thông chia sẻ thêm.

Theo ước tính của Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, nếu 30 triệu người Việt Nam cài đặt Bluezone, nước ta sẽ đạt tới tỷ lệ tối ưu để phát hiện sớm các ca tiếp xúc gần với những người bị bệnh. Tuy nhiên, thống kê cho thấy hiện số người cài đặt ứng dụng này vẫn chưa đạt kỳ vọng, khoảng 15 triệu người, do vậy rất cần tăng cường biện pháp phổ biến, khuyến khích người dân có ý thức cài đặt ứng dụng này để đạt hiệu quả phòng, chống dịch Covid-19.

Trước đó, trong giai đoạn đầu của cuộc chiến chống Covid-19, các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm thành công sản phẩm robot hỗ trợ y tế. Cụ thể, Robot VIBOT- 1a do Học viện Kỹ thuật Quân sự thực hiện được thử nghiệm tại Bệnh viện Ða khoa Bắc Thăng Long (Ðông Anh, Hà Nội), giúp giảm tải công việc cho đội ngũ y, bác sĩ, giảm tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm bệnh, người nghi nhiễm bệnh, qua đó giảm lây nhiễm chéo. Hay đó là Robot NaRoVid1 do Viện Ứng dụng Công nghệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) thực hiện có tính năng lau khử khuẩn sàn nhà nhằm hỗ trợ, thay thế nhân viên y tế trong các khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19 của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tại cơ sở Kim Chung (Ðông Anh, Hà Nội) bước đầu cho kết quả rất khả quan.

Bên cạnh đó, Trung tâm Ươm tạo công nghệ và Doanh nghiệp khoa học công nghệ, thuộc Viện Ứng dụng Công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã nghiên cứu công nghệ lắp đặt thiết bị đo thân nhiệt tự động không tiếp xúc giúp cảnh báo, phát hiện sớm, ngăn ngừa dịch bệnh. Theo đó, hệ thống có thể tự động đo thân nhiệt mà không cần người vận hành với tốc độ đo nhanh và đưa ra cảnh báo mầu sắc nếu người đo có nhiệt độ vượt ngưỡng cảnh báo.

Không thể không nhắc tới khi nói về hiệu quả ứng dụng công nghệ trong cuộc chiến chống lại Covid-19 đó là thành tựu nghiên cứu vắc-xin Covid-19 "Made in Vietnam" được dự báo sẽ đưa ra thị trường vào giữa năm 2021. Dù rằng theo thừa nhận của các chuyên gia, hành trình đưa vắc-xin tới tay người dùng còn rất gian nan, cần nhiều nỗ lực của các cơ quan liên quan.

Cẩn trọng và linh hoạt

Những nỗ lực ứng dụng công nghệ cao trong ngăn chặn dịch Covid-19 mà các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nghiên cứu, triển khai ứng dụng thời gian qua đã cho thấy hiệu quả rất tích cực, góp phần vào cuộc chiến chung của cả nhân loại với đại dịch Covid-19. Tuy vậy, công tác này ở Việt Nam hiện vẫn tồn tại những hạn chế cần khắc phục. Ðơn cử, việc cài đặt các phần mềm truy vết dù được cho là hiệu quả trong kiểm soát đại dịch, nhưng việc thu thập dữ liệu và những ứng dụng như vậy đang làm dấy lên mối lo ngại về phạm vi giám sát đối với công dân. Vấn đề quyền riêng tư hay sức khỏe quan trọng hơn đang khiến chúng ta phải thay đổi, điều chỉnh quan niệm về quyền dữ liệu riêng tư và liệu rằng sự thay đổi này sẽ được chấp nhận cả sau khi hết dịch Covid-19?

Một chuyên gia công nghệ thông tin cho rằng, khi xã hội thông qua những vấn đề khó khăn liên quan đến sử dụng dữ liệu riêng tư để đối phó với đại dịch Covid-19, một vài nguyên tắc chính cần được tuân thủ. Trước hết, các hệ thống theo dõi, truy vết phải là nguồn mở, phi tập trung và được thiết kế theo cách chia sẻ dữ liệu sức khỏe mà không thu thập hoặc tiết lộ các chuyển dịch và các thông tin liên lạc của những người liên quan. Các ứng dụng theo dõi tốt nhất sẽ kết hợp các nguyên tắc cơ bản của quyền riêng tư theo thiết kế và giới hạn back-end đối với dữ liệu và quyền truy cập dữ liệu và quyền được phổ biến dữ liệu. Ðiều quan trọng, dữ liệu không nên được giữ lại lâu hơn mức cần thiết. Bên cạnh đó, bất cứ hệ thống nào được đưa ra, dù là do tư nhân phát triển hay do chính phủ ủy quyền, cần được thiết kế cẩn trọng để phục vụ nhu cầu sức khỏe cụ thể. "Với bất kỳ khiếu nại nào, chính phủ cần kiểm tra cẩn thận và thận trọng đối với quyền truy cập dữ liệu mới, đặc biệt là việc cung cấp các kho dữ liệu đã có sẵn", chuyên gia này lưu ý. Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho rằng, "Về phía người dân, cần có sự hợp tác với các cơ quan chuyên môn trong việc ứng dụng công nghệ chống dịch. Chẳng hạn, người dân cần thực hiện việc cài đặt các ứng dụng truy vết theo khuyến cáo, thực hiện các giao dịch điện tử nhằm hạn chế tiếp xúc trực tiếp, giữ khoảng cách tối thiểu, đeo khẩu trang và thực hiện sát khuẩn tay thường xuyên".

Ngoài ra, theo ý kiến các chuyên gia, chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm ở các quốc gia khác đang nỗ lực áp dụng công nghệ cao vào phòng, chống dịch Covid-19. Như tại Xin-ga-po, kể từ 0 giờ ngày 11-8, tất cả những người nhập cảnh vào đất nước này sẽ phải đeo thiết bị điện tử theo dõi trong 14 ngày cách ly phòng dịch Covid-19 tại nhà theo quy định. Các thiết bị điện tử đeo tay này là bước tiến mới giúp các cơ quan chức năng nước sở tại kiểm soát hiệu quả người nhập cảnh, giảm nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng. Những thiết bị điện tử sẽ được phát cho các hành khách sau khi hoàn tất thủ tục nhập cảnh. Người cách ly sẽ phải kích hoạt các thiết bị. Khi đó, các tín hiệu Bluetooth, 4G và GPS sẽ được sử dụng để xác định người cách ly có trong phạm vi nhà ở hay không. Cơ quan chức năng cũng sẽ thường xuyên được gửi các thông báo tới thiết bị và người sử dụng sẽ phải xác nhận kịp thời.

AN HÀ