Ðừng có dịch mới chống dịch!

Dịch bệnh tay - chân - miệng, sởi, sốt xuất huyết đang lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Ðồng Nai... Dự báo, trong thời gian tới, tình hình dịch bệnh có thể còn tiếp tục diễn biến phức tạp, đòi hỏi công tác phòng, chống dịch bệnh phải thật sự hiệu quả.

Một tháng nay, phòng Cấp cứu, khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Ðồng 1 luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Minh Anh
Một tháng nay, phòng Cấp cứu, khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Ðồng 1 luôn trong tình trạng quá tải. Ảnh: Minh Anh

Nhiều khó khăn trong phòng dịch

Trước tình hình dịch bệnh lan nhanh, mới đây tại buổi làm việc với lãnh đạo các đơn vị liên quan, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam đã chỉ đạo: Ðừng để có dịch mới đi chống dịch! Phòng dịch là phải làm thường xuyên, kiên trì... Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế, công tác phòng, chống dịch còn gặp những khó khăn.

Tại Khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP Hồ Chí Minh) những ngày qua, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 60-80 ca bệnh tay - chân - miệng, trong đó bệnh nhân ở các tỉnh lân cận chiếm tới 60%. Ðiều đáng nói, bệnh nhân ở thể nặng (độ 3, 4) chiếm từ 20 đến 30 ca/ngày. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh cho biết: “Tình hình dịch bệnh tay - chân - miệng năm nay có sự gia tăng mạnh hơn do chủng virus EV71 quay lại (chủng virus gây đại dịch tay - chân - miệng lớn trên cả nước năm 2011), trong khi trẻ chưa có miễn dịch với virus đó. Sự quay lại của virus đó có tính chu kỳ, khó dự đoán và cần kiểm soát ngay”.

Ðại diện Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong bốn tuần qua (từ tuần thứ 37 đến tuần 40) tổng số ca tay - chân - miệng tăng gấp hai lần so với bốn tuần trước đó. Theo bà Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh thì một trong những nguyên nhân dẫn đến dịch tay - chân - miệng và sởi là do lượng dân cư thường xuyên biến động, chưa được tiếp cận truyền thông, chưa ý thức việc tiêm chủng đầy đủ. Khó khăn lớn nhất hiện nay là tư vấn gia đình tuân thủ cách ly đối với trẻ khi mắc bệnh, do có những cha mẹ, nhất là công nhân, có con đang điều trị ngoại trú nhưng cố đưa con đến trường gây khó khăn cho việc cách ly của trường học.

Tại Hà Nội, được biết số ca mắc đến nay đã tăng gấp 3,2 lần so với cùng kỳ năm 2017. Ðiều đáng nói, số trẻ mắc chủng virus EV71 nguy hiểm năm nay có xu hướng tăng. Ðây cũng là chủng virus gây ra dịch tay - chân - miệng năm 2011 khiến gần 150 trẻ tử vong. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý khẳng định: Bệnh tay - chân - miệng, sởi và sốt xuất huyết là các bệnh lưu hành hằng năm tại tất cả các quận, huyện, thị xã, diễn biến phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ gây dịch do các nguyên nhân khách quan. Công tác phòng, chống dịch bệnh còn nhiều khó khăn do nhiều dịch bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh, hoạt động phòng, chống chủ yếu dựa vào sự tham gia của cộng đồng, ý thức tự phòng bệnh của người dân…

Một khó khăn nữa hiện nay là nguy cơ lây nhiễm chéo sẽ đẩy số ca tăng do nhiều phụ huynh lo sợ tuyến dưới không bảo đảm nên chuyển lên tuyến trên để chữa bệnh cho con. Bên cạnh đó, điều kiện nhà ở chật chội, vệ sinh môi trường kém là nguyên nhân khiến dịch bùng phát. Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế - ông Lương Ngọc Khuê cho rằng: Trẻ mắc tay - chân - miệng có thể điều trị ngoại trú, hoặc chăm sóc tốt ở tuyến dưới vì các cơ sở bệnh viện đã được tập huấn nâng cao năng lực. Ông Khuê đề nghị các bệnh viện phải làm tốt công tác cách ly phòng ngừa lây nhiễm chéo, bố trí các khu riêng biệt và phân loại bệnh ngay từ đầu, chuẩn bị sẵn sàng thuốc men truyền dịch, đặc biệt các ca bệnh nặng phải có máy lọc máu… để điều trị tích cực cho bệnh nhân.

Không để ngành y tế một mình chống dịch

Thừa nhận năm 2018, dịch bệnh tay - chân - miệng và sởi chủ yếu tăng ở các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, các địa phương có sự giao lưu đi lại thường xuyên, đối với bệnh sởi, dù đã có vắc-xin nhưng không kiểm soát được lịch sử tiêm chủng của người dân. Ông Trần Ðắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng: Ðiều này đặt ra cho chúng ta phải giải quyết vấn đề xã hội chứ không đơn thuần là chuyên môn phòng, chống dịch bệnh. Vì vậy, đừng để ngành y tế một mình chống dịch mà phải kêu gọi sự tham gia của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, xã hội… Bởi vậy, ông Phu đề nghị các sở Y tế tỉnh chủ động tham mưu lãnh đạo tỉnh phê duyệt kế hoạch chống dịch, tiêm vét cho trẻ chưa được tiêm chủng, vận động các doanh nghiệp tiêm chủng cho đối tượng như công nhân, vận động nhà trọ quản lý đối tượng...

Sắp tới, Bộ Y tế cũng sẽ có chiến dịch tiêm vét sởi cho các tỉnh có nguy cơ cao và trẻ từ 1 đến 5 tuổi. Cần lưu ý việc cách ly và phân loại ở các tuyến dưới cũng rất quan trọng, vì nếu không bệnh tay - chân - miệng lại lây sang những bệnh nhân khác. Còn theo bà Lê Hồng Nga, phòng ngừa dịch bệnh rất cần thiết, ngoài đẩy mạnh truyền thông tư vấn cho nhà trường, thuyết phục các bậc cha mẹ có ý thức và trách nhiệm bảo vệ cộng đồng. TP Hồ Chí Minh đang có kế hoạch phối hợp Liên đoàn Lao động thành phố để có thêm kênh truyền thông cho công nhân, bảo vệ quyền lợi cho họ khi ở nhà trông con ốm. Ngoài ra, mặc dù chưa có nghiên cứu chứng minh các khu vui chơi công cộng có nguy cơ lây bệnh truyền nhiễm cao, nhưng thành phố vẫn cố gắng tiến hành vệ sinh khử khuẩn các khu vui chơi trong năm nay. Ðể hạn chế khả năng lây lan của dịch bệnh thời gian tới, cần tăng cường tiêm phòng cho các đối tượng ngoài độ tuổi tiêm chủng; chủ động tiêm phòng cho cán bộ y tế, nhất là những nơi tiếp nhận bệnh nhân để tạo hàng rào phòng dịch.

Dịch bệnh truyền nhiễm sẽ còn tiếp diễn, thiết nghĩ cần phải thay đổi hành vi thường xuyên đi vào cuộc sống, không đợi có dịch mới cảnh giác. Dịch bệnh có liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ khác, trong đó có vệ sinh môi trường, do đó nâng cao ý thức phòng ngừa bệnh rất quan trọng. Các địa phương cần vận động sự vào cuộc của hệ thống chính quyền, các đoàn thể, doanh nghiệp, cộng đồng tham gia vào việc phòng, chống dịch bệnh.