Từ “đại hồng thủy” nhìn về năng lực dự báo thiên tai

Những ngày đầu tháng 11-1999, biển nước từ trận “đại hồng thủy” đã nhấn chìm hàng trăm sinh mệnh và hàng trăm nghìn nhà cửa, ruộng vườn tại các tỉnh miền trung. 20 năm sau, cũng vào thời điểm này, sau khi cơn bão số 5 đi qua, cả hệ thống dự báo ba cấp và hệ thống phòng, chống thiên tai lại đang căng mình sẵn sàng ứng phó khi có hình thế thời tiết nguy hiểm như năm 1999.

Thảo luận trực tuyến về công tác dự báo bão số 5 năm 2019.
Thảo luận trực tuyến về công tác dự báo bão số 5 năm 2019.

Lật trở lại lịch sử, những con số và số liệu về khí tượng thủy văn (KTTV) có thể giúp tái hiện lại bức tranh toàn cảnh miền trung trong những ngày mưa lũ lớn bất thường. Ðể có được những chuỗi số liệu lịch sử này, những cán bộ KTTV miền trung khi ấy đã phải vượt qua vô vàn khó khăn, gian khổ và thậm chí nguy hiểm đến tính mạng để ghi lại một cách chính xác. Và ở thời điểm hiện tại, chúng vẫn còn nguyên giá trị trong việc cảnh báo, dự báo thiên tai.

20 năm là một khoảng thời gian dài, kể từ đó, cả ba yếu tố “Kỹ thuật - Công nghệ - Thông tin” trong dự báo cảnh báo thiên tai luôn thay đổi theo những xu thế mới của công nghệ hiện đại ngày nay. Dự báo theo công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với những số liệu điện toán đám mây đã và đang được áp dụng ở những nước phát triển. Tuy nhiên, để có những dữ liệu lớn (big data), ngoài yêu cầu số liệu đầu vào hiện trạng, vẫn đòi hỏi sự bồi đắp từ dữ liệu lịch sử. Hiện nay mạng lưới quan trắc quốc gia có gần 200 trạm khí tượng bề mặt, hơn 350 trạm thủy văn, 27 trạm khí tượng hải văn, năm trạm vô tuyến thám không, 10 trạm ra-đa thời tiết và gần 1.300 điểm đo mưa tự động phát triển từ hệ thống đo mưa nhân dân.

Hệ thống trạm phát triển là tiền đề quan trọng trong việc đo đạc, thu thập số liệu mưa ở các vùng có thưa trạm quan trắc, có đặc điểm địa hình và khí hậu khác nhau trên khắp cả nước; số liệu thu thập được phục vụ đắc lực cho công tác báo cáo, tổng kết tình hình diễn biến KTTV tuần, tháng, mùa, năm, nhiều năm để rút kinh nghiệm, định hướng chỉ đạo phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai từ các hiện tượng KTTV nguy hiểm và lưu trữ số liệu phục vụ cho nghiên cứu khí hậu, dự báo lũ, lở đất, dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng và các hoạt động khác phục vụ phát triển kinh tế quốc dân góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng. Ðó là sự kiên trì bám sát định hướng chiến lược, đó là hiện đại hóa, tự động hóa mạng lưới quan trắc và thám sát KTTV với những đột phá về kỹ thuật và công nghệ hàng đầu trên thế giới được đầu tư nghiên cứu và áp dụng. Trung tâm Dự báo KTTV Việt Nam đã được Tổ chức Khí tượng Thế giới công nhận là Trung tâm Dự báo ở khu vực Ðông - Nam Á về thời tiết nguy hiểm và về lũ quét.

Chúng ta cũng đã đạt được những bước tiến trong dự báo, cảnh báo bão, mưa lớn, lũ lụt, vốn là những loại hình thời tiết, thủy văn rất nguy hiểm, tác động và gây thiệt hại trên diện rộng. Ðiều đó về cơ bản đáp ứng được những yêu cầu của công tác phòng, chống thiên tai, góp phần giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra.

Về dự báo, cảnh báo bão, độ chính xác trong bản tin dự báo bão (vị trí và cường độ bão) của Việt Nam đã dần tiệm cận với trình độ dự báo bão của các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Dự báo, cảnh báo mưa lớn sạt lở đất đã ra được bản tin định lượng mưa và bản đồ cảnh báo mưa, lũ quét, sạt lở đất. Bản tin dự báo mưa được thực hiện trước hai đến ba ngày với độ tin cậy khoảng 75%. Ðối với mưa lớn cục bộ hoặc mưa lớn trong cơn dông, mới chỉ cảnh báo trước từ 30 phút đến 2-3 giờ...

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện nay, do tác động của biến đổi khí hậu, sự phát triển nóng của nền kinh tế đã gây tác động xấu đến thiên nhiên, đặc biệt là các điều kiện tự nhiên thay đổi. Hệ thống sông ngòi không còn chế độ dòng chảy tự nhiên mà chịu chi phối bởi rất nhiều các yếu tố khác như: sự suy giảm thảm thực vật do rừng đầu nguồn bị chặt phá. Ðịa hình, địa vật trên hệ thống sông suối đã thay đổi rất nhiều do hoạt động sản xuất điện năng và sự phát triển của hàng nghìn công trình thủy điện, thủy lợi.

Nguy cơ mất an toàn hồ chứa thủy điện, thủy lợi đang rất cao bởi những công trình hồ chứa thủy lợi có dung tích nhỏ đang bị hư hỏng xuống cấp rất nhiều. Số lượng này lại tập trung nhiều ở khu vực miền trung và Tây Nguyên, nếu gặp mưa lớn, sức chịu đựng không đáp ứng sẽ rất nguy hiểm cho dân cư. Trong khi đó các hồ đập lớn nhỏ, các công trình thủy điện mới được xây dựng trong những năm gần đây đã và đang làm thay đổi dòng chảy thủy văn trên các sông lớn, nhỏ gây ảnh hưởng rất lớn đến phương pháp dự báo thủy văn, việc cảnh báo lũ ở hạ du các sông suối có công trình thủy điện.

Dự báo mưa là vấn đề rất khó khăn bởi mưa thay đổi rất mạnh theo không gian, trong khi đó mật độ điểm đo mưa như hiện tại của Việt Nam còn quá thưa so với yêu cầu. Sự phân bố các điểm đo mưa ở vùng thấp đạt tỷ lệ khá nhưng phân bố ở vùng cao rất mỏng đặc biệt ở nơi đầu nguồn các hệ thống sông suối trong lãnh thổ và ngoài lãnh thổ chưa đủ dày để đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác dự báo, nhất là cho công tác cảnh báo lũ, lũ quét, và cho ứng dụng các mô hình tính toán thủy văn theo các lưu vực sông và vận hành điều tiết các hồ chứa,...

Bên cạnh đó, việc chuyển tải thông tin, truyền thông về KTTV một cách đa dạng, chi tiết kết hợp với tuyên truyền nâng cao kiến thức thiên tai về KTTV để chủ động phòng, tránh nhằm giảm thiệt hại do thiên tai đến tận các thôn, bản cũng chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của công tác chỉ đạo phòng, chống và nhu cầu của cộng đồng.

Vấn đề đặt ra hiện nay, khi các tỉnh miền trung vừa chịu ảnh hưởng bởi mưa lớn do cơn bão số 5, mưa do dải hội tụ nhiệt đới hoạt động mạnh đã và đang gây mưa lũ, ngập lụt cho các địa bàn miền trung và những ngày tới đây cơn bão số 6 với gió mạnh, nước dâng kèm theo một lượng mưa không hề nhỏ nên tác động sẽ rất lớn. Sự chủ động thông tin và chủ động phương án phòng tránh là điều cần thiết của cả hệ thống theo các cấp độ ứng phó rủi ro thiên tai nhằm thích ứng với những biến động của thời tiết cực đoan đang gia tăng do tác động của biến đổi khí hậu.

Theo ông Trần Hồng Thái, Tổng Cục trưởng KTTV, ngày nay công nghệ dự báo KTTV đã được nâng cao, nhờ đó độ chính xác, độ tin cậy trong các bản tin dự báo, cảnh báo thiên tai ngày càng được bảo đảm.