Trung thu cho em

Đã bao mùa Trung thu, hai anh em Ninh Mạnh Cường (13 tuổi) và Ninh Đức Việt (7 tuổi) gắn bó với Khoa Tan máu bẩm sinh của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương. Trông trăng, phá cỗ, rước đèn, múa lân trong tiếng trống tùng dinh… những điều rất đỗi bình thường đối với mọi tuổi thơ lại chính là ước mơ cháy bỏng của những phận đời không may mắn, như Cường và Việt.

Tan máu bẩm sinh là một căn bệnh quái ác. Không truyền máu và thải độc sắt định kỳ thì không sống nổi, thời gian điều trị không thể tính bằng ngày hay tháng, mà phải tính bằng năm. Gắn chặt với giường bệnh, với thuốc, với kim tiêm… đến độ khi được hỏi lấy ven có đau không thì Cường đơn giản nói: “Chai cả ven rồi, không còn thấy đau nữa đâu ạ!”. Nhà đã nghèo càng thêm khó, một mình mẹ vừa chăm sóc hai anh em, vừa kiếm tiền lo viện phí, thuốc thang. Thương mẹ nên hai anh em nào dám đòi hỏi quà bánh gì, Trung thu cũng chỉ trôi qua như những ngày bình thường.

Còn bao nhiêu tuổi thơ lặng lẽ trôi qua trong khuôn viên Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương như Cường, như Việt, mùa Trung thu này? Ở viện nhiều hơn ở nhà, chân tay vướng víu những dây ống tiêm truyền, chuyện tung tăng chạy nhảy, phá cỗ đêm rằm tháng tám trở thành một ước mơ xa xôi. Có ông Bụt, bà Tiên nào mang được các em đến với Trung thu?

Thật may, khi xã hội ngày một phát triển, càng ngày càng có nhiều sự đồng cảm, quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ… dành cho những tuổi thơ kém may mắn ấy hơn. Không cần phải có phép màu, sự chung tay góp sức của rất nhiều cá nhân và tổ chức vẫn có thể mang Trung thu vào tận phòng bệnh cho các em, qua những chương trình thiện nguyện nhiệt thành được tổ chức công phu và kỹ lưỡng. Các em vẫn có thể xem múa lân, phá cỗ, tận hưởng niềm vui thơ trẻ cùng nhau ngay trong không gian điều trị ấy, để khung cảnh bệnh viện cũng bừng lên sức sống.

Chuỗi hoạt động kêu gọi gây quỹ và hiến máu với chủ đề “Trung thu cho em - Thắp sáng tuổi thơ Việt”, của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương kết hợp cùng Hội Thanh niên vận động hiến máu Hà Nội (diễn ra trong hai ngày 22 và 23-9 năm nay, với khoảng 5.000 người tham gia, dự kiến tiếp nhận khoảng 3.000 đơn vị máu) là một cách tạo nên phép màu, tiếp sinh khí cho những tâm hồn thơ trẻ ngày đêm chống chọi với bệnh tật như vậy. 5 năm qua, chương trình đã liên tục được tổ chức thành công. Thông qua những hoạt động giao lưu nhẹ nhàng cùng các em, mầu trắng tẻ nhạt của phòng bệnh dường như cũng lấp lánh muôn màu, và cũng rực lên cả ánh trăng rằm…